Thủ tướng Peter Pellegrini hôm 6/3 cho biết quyết định trên sẽ có hiệu lực từ ngày 9/3, thêm rằng Slovakia cũng sẽ cấm các chuyến đi học trao đổi nước ngoài nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lan rộng. Đây là một trong những quốc gia châu Âu mới nhất ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên.
Italy, ổ dịch lớn nhất châu Âu, hôm nay ghi nhận thêm hơn 700 trường hợp dương tính nCoV, nâng tổng số người nhiễm tại nước này lên hơn 3.800. Đây cũng là quốc gia có số người chết vì Covid-19 cao thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, với 148 người tử vong, tăng 41 trường hợp so với một ngày trước đó.
Nhiều nước đã khuyến cáo công dân tránh tới Italy khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở quốc gia châu Âu này. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm 28/2 đề nghị công dân tránh “đi lại không cần thiết” đến Italy.
Nhật Bản cũng nâng cảnh báo đi lại từ cấp một lên cấp hai trong thang 4 cấp đối với công dân đến các vùng Veneto và Emilia Romagna của Italy. Bộ Ngoại giao Ireland hôm 24/2 cũng khuyến cáo công dân không đến các khu vực Piemonte, Lombardai, Veneto, Emilia Romagna và Lazio của Italy.
Cơ quan ngoại giao Đài Loan hôm 26/2 nâng mức cảnh báo đi lại đối với công dân hòn đảo này đến các vùng của Italy. Theo đó, khu vực Bologna và Veneto được Đài Loan cảnh báo ở mức “đỏ”, tức “tránh đến hoặc rời đi ngay lập tức”, các phần còn lại của Italy ở mức cảnh báo màu cam, tức “tránh đi lại không cần thiết”.
Thổ Nhĩ Kỳ, Bắc Macedonia cũng đưa ra các cảnh báo tương tự với công dân khi đến các vùng của Italy.
Trong khi tình hình dịch Covid-19 đang có những tín hiệu tích cực tại Trung Quốc, các khu vực khác trên thế giới liên tục phát hiện ca nhiễm đầu tiên, nâng tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ xuất hiện dịch lên 95, trong đó có nhiều nước châu Âu. Thế giới hiện ghi nhận hơn 100.000 trường hợp dương tính nCoV, trong đó hơn 3.400 ca tử vong và gần 56.000 người đã được chữa khỏi.
Ngọc Ánh (Theo Reuters) – Vnexpress