Singapore tuyên án tù người Việt ăn cắp dầu

Một toà án quận của Singapore tuyên án tù 5 năm rưỡi với Doan Xuan Than hôm qua vì tham gia đánh cắp số dầu trị giá hơn 5,7 triệu USD.

Thuyền trưởng tàu dầu Prime Sun Doan Xuan Than, 47 tuổi, thừa nhận kiếm được khoảng 70.000-90.000 USD khi tham gia đường dây trộm dầu từ nhà máy của Shell tại đảo Pulau Bukom, Singapore năm 2016-2018, theo cáo trạng của tòa án. Doan Xuan Than bị bắt và hầu tòa hồi tháng 1/2018, ba người khác tham gia tiếp nhận tài sản trộm cắp cùng Doan Xuan Than chưa bị bắt.

Đường dây trộm dầu mà Doan Xuan Than tham gia hoạt động từ năm 2014, đã đánh cắp khoảng 340.000 tấn dầu tại Singapore, sau đó chuyển tới các nước khác để bán với giá thấp hơn thị trường. Cảnh sát Singapore đã bắt một số nghi phạm trong đó có nhiều nhân viên Shell, tịch thu một tàu chở dầu và tiền.

Thuyền trưởng Doan Xuan Than (áo xám, bên trái) và đồng phạm Singapore Alan Tan Cheng Chuan (áo đen, bên phải) trên xe cảnh sát hồi tháng 1/2018. Ảnh: Shin Min.
Thuyền trưởng Doan Xuan Than (áo xám,bên trái) và đồng phạm Singapore Alan Tan Cheng Chuan (áo đen,bên phải) trên xe cảnh sát hồi tháng 1/2018. Ảnh: Shin Min.

Một người Việt Nam khác tham gia đường dây là thuyền phó tàu Prime Sun Dang Van Hanh, 38 tuổi, bị tuyên án tù 2 năm rưỡi hồi tháng 7. Dang Van Hanh thừa nhận tham gia tiếp nhận 3.500 tấn dầu bị lấy trộm, trị giá khoảng 1,75 triệu USD để nhận 1.000-2.000 USD sau mỗi phi vụ. 11 nhân viên Shell tham gia trộm dầu đang chờ xét xử.

Tàu dầu Prime Sun do Doan Xuan Than chỉ huy cập cảng Pulau Bukom tháng 5/2016, tiếp nhận số dầu trị giá hơn 650.000 USD. Doan Xuan Than tiếp tục tham gia nhận số dầu trị giá hơn 960.000 USD tháng 8/2017. Khi đó, một một đại diện của Shell Eastern Petroleum đã báo cảnh sát.

11 nhân viên của Shell tham gia đường dây trộm dầu đang chờ tới phiên xét xử. Luật pháp Singapore quy định với mỗi tội danh tiếp nhận tài sản trộm cắp, người vi phạm có thể lĩnh án tới 5 năm tù và phải nộp phạt.

Singapore là một trong những trung tâm thương mại dầu khí lớn nhất thế giới, điểm trung chuyển của dòng dầu thô khổng lồ từ Trung Đông tới các quốc gia Đông Á. Nhiều tập đoàn dầu khí lớn mở nhà máy xử lý dầu khí tại quốc gia Đông Nam Á này. Nhà máy lọc dầu của Shell tại Pulau Bukom, Singapore là trung tâm xử lý và xuất khẩu dầu khí lớn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Nguyễn Tiến (Theo AFP, Straits Times) – Vnexpress