Để hiểu tại sao tay vợt cựu số một thế giới giải nghệ, chúng ta cần tìm hiểu những gì khiến cô không thể chịu đựng thêm nữa.
“Tôi nhìn vào những tấm ảnh của chính mình, các chuyển động khi tôi sắp đánh bóng hay hình ảnh tôi như đang bay lên hoặc lúc tiếp đất. Và tôi không dám nhìn nữa bởi chúng khiến tôi có cảm giác co rúm lại. Tôi đau quá”, cô nói hôm 25/2 trên New York Times (Mỹ).
Cơn đau đã trở thành một người bạn đồng hành suốt hai năm qua của Sharapova, một trong những biểu tượng VĐV thể thao của thế kỷ 21. Chấp hành xong án phạt cấm thi đấu vì dính đến doping năm 2016, tay vợt người Nga đã không thể trở lại đỉnh cao sự nghiệp, thời kỳ mà cô từng giành đến năm Grand Slam.
Kể từ đó, Sharapova liên tiếp đối mặt và chịu đựng những cơn đau tái phát ở vai phải, căng cơ ở cánh tay, đôi khi khiến cô hầu như không thể cầm nổi cây vợt. Nhưng không vì thế mà Sharapova chùn bước. Trái lại, cô kiên trì hơn và gọi đó là một công cụ tuyệt vời giúp mình vượt qua khủng hoảng tái phát chấn thương và hồi sinh sự nghiệp.
“Như các bạn đã thấy, trong suốt sự nghiệp của mình, sự kiên trì chính là sức mạnh lớn nhất của tôi. Đó là điều tuyệt vời nhất”, Sharapova nói. “Tuy nhiên, tôi đã bắt đầu cảm thấy điều đó đang trở thành một điểm yếu, bởi bản tính bướng bỉnh đã khiến tôi sai lầm”.
Masha bị treo vợt năm 2016 do sử dụng chất meldonium, một loại thuốc mới bị cấm, vốn được dùng để điều trị cho các bệnh nhân tim mạch. Sharapova đã giải thích rằng cô dùng nó nhiều năm qua do tiền sử gia đình có người mắc bệnh tiểu đường và bản thân hay bị chóng mặt vì thiếu magiê. Cô khẳng định không hề biết meldonium vừa được đưa vào danh sách các chất cấm của cơ quan phòng chống doping thế giới WADA. Hội đồng trọng tài sau đó đã nhận định, Sharapova không nên bị coi là “lừa đảo có chủ ý”, và thời hạn cấm thi đấu được giảm từ hai năm xuống 15 tháng.
Đầu tháng 3/2019, Sharapova xác nhận đã thực hiện một ca tiểu phẫu ở vai và tuyên bố nghỉ ngơi vài tuần. Nhưng việc đẩy giới hạn chịu đựng chỉ càng khiến cô đau đớn nhiều thêm. Sự trở lại của “Búp bê Nga” chỉ kéo dài được hai mùa giải và kết thúc bằng thất bại ở vòng đầu tiên Australia Mở rộng 2020 trước Donna Vekic hồi tháng 1.
Sau tất cả, Sharapova cho biết, cô chỉ còn lại áp lực đang đè nặng: “Mười bốn tiếng mỗi ngày trong suốt sáu tháng qua, tôi gần như chỉ tập trung vào chăm sóc bản thân. Mỗi khi chuẩn bị bước ra sân thi đấu, tôi cảm thấy mệt mỏi không khác gì một cái máy siêu âm hoặc một thiết bị tương tự hay giống như một bộ phận cần phục hồi”.
Sẽ không có một giải đấu chia tay nào, như lời Sharapova khẳng định. “Tôi cho rằng, mình không cần thiết phải ra sân để cho toàn thế giới và tất cả người hâm mộ biết đó là lần cuối. Thậm chí, kể cả hồi còn trẻ, đó cũng không phải là điều tôi muốn làm khi kết thúc sự nghiệp”, tay vợt 32 tuổi nói.
Trong chuyến bay từ Australia về nhà ở Los Angeles, Sharapova cảm nhận rõ một điều, đã đến lúc nói lời giã từ sự nghiệp. Tai nạn máy bay trực thăng của Kobe Bryant hôm 26/1 càng làm điều đó trở nên rõ ràng hơn. Họ từng lên kế hoạch gặp nhau, nhưng vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra.
Đối với Masha, Bryant giống như một “bản nhạc khó phai” đã truyền cảm hứng bất tận cho cô trong suốt sự nghiệp. “Tôi nghĩ rằng, dường như tất cả chúng ta đôi khi coi sự nghiệp quan trọng hơn cả cuộc đời, nhưng mọi thứ đều rất mong manh. Và nếu như bất cứ điều gì chỉ cho chúng ta thấy những gì thực sự quan trọng trong cuộc sống, thì đó là thời điểm tôi phải nghĩ về tương lai của bản thân”.
Với chiều cao 1m88 và những cú bóng bạt kèm theo tiếng thét chói tai, tay vợt Nga đã trải qua một hành trình phi thường. Nếu như không xảy ra thảm họa hạt nhân Chernobyl, có lẽ Sharapova không bao giờ trở thành ngôi sao quần vợt. Cha mẹ cô, ông Yuri và bà Yelena, từng sống ở Gomel (thuộc Belarus bây giờ) vào tháng 4/1986, lúc lò phản ứng hạt nhân phát nổ ở Chernobyl gần đó.
Họ đã phải di tản đến Nyagan ở tận Siberia xa xôi. Sharapova được sinh ra vào tháng 4/1987 ở đó, nhưng bố cô đã chuyển cả nhà đến thành phố Sochi ở Biển Đen vốn có thời tiết ấm áp hơn. Ở đó, ông đã biết đến tennis và truyền tình yêu môn thể thao này cho đứa con gái duy nhất. Năm 1993, lúc Maria lên sáu tuổi, nước Nga thời kỳ hậu Xô Viết trở nên hỗn loạn. Gia đình Sharapova đã bay sang Florida, Mỹ khi trong túi ông Yuri có chưa đầy 1.000 USD. Chính huyền thoại Martina Navratilova đã nhận ra tài năng của Sharapova hồi còn ở Moscow, và khuyên cô bé ra nước ngoài đào tạo.
Đó là một canh bạc đầy mạo hiểm. Nhưng Sharapova, người đã phải xa mẹ hơn hai năm do chính sách hạn chế cấp thị thực của Mỹ, đã thể hiện sự xuất chúng và tài năng đáng kinh ngạc khi leo lên đứng đầu ở học viện quần vợt IMG Academy tại Bradenton, Florida. “Điều đầu tiên mà tôi ấn tượng nhất khi thấy cô ấy là sự tập trung tối đa trong tập luyện, giống như các pha bóng ở trận chung kết Wimbledon”, Max Eisenbud – người đã trở thành đại diện của Sharapova sau này, nhớ lại.
Sharapova vụt sáng thành ngôi sao với chức vô địch Wimbledon 2004 lúc mới 17 tuổi khi đánh bại hạt giống hàng đầu Serena Williams tại chung kết. Sharapova giành tổng cộng năm danh hiệu Grand Slam, trong đó có Mỹ Mở rộng 2006, Australia Mở rộng 2008 và Pháp Mở rộng 2012 và 2014, dù mặt sân ưa thích của cô là đất nện. “Tôi cảm thấy mình giống như một con bò chạy trên sân băng”, Sharapova bình luận về việc chơi trên sân đất nện năm 2007 – một cách nói hài hước ít thấy mỗi khi cô ra sân thi đấu, nhằm tránh phân tán sự tập trung và duy trì tâm lý đua tranh.
Trong cả sự nghiệp, Sharapova giành 36 danh hiệu WTA, một HC vàng Olympic 2012 và chức vô địch Fed Cup cùng đội tuyển Nga năm 2008. Sharapova lần đầu tiên lên ngôi số một thế giới là vào tháng 8/2005 và có tổng cộng 21 tuần trên đỉnh bảng điểm WTA.
Nhưng dấu ấn bên ngoài sân của Sharapova cũng khiến tất thảy đều phải ngưỡng mộ. Cô được tạp chí Forbes xếp là VĐV nữ có thu nhập cao nhất thế giới suốt 11 năm liên tiếp. Số tiền mà Sharapova kiếm được phần lớn từ những hợp đồng quảng cáo cho các thương hiệu lớn như Nike và Evian, cùng thương hiệu kẹo ngọt của riêng mình – theo báo cáo đã thu về xấp xỉ 30 triệu USD riêng trong năm 2015.
“Cô ấy đã làm cho môn thể thao này trở nên nổi tiếng hơn nhờ thu hút được nhiều sự quan tâm của mọi người”, huyền thoại Billie Jean King – một trong những người đã sáng lập nên WTA Tour, nói. “Không chỉ là một tay vợt lớn, Sharapova còn làm tốt hơn thế nhiều ở bên ngoài sân đấu”.
Sau án phạt, Sharapova trở lại thi đấu từ tháng 4/2017 trong sự phản đối của nhiều đồng nghiệp, nhất là khi cô nhận được những tấm vé đặc cách dự giải. Họ cho rằng thật không công bằng khi dành sự ưu ái cho người mới trở lại sau thời hạn bị cấm. Nhưng Sharapova đã không thăng tiến, dù có môt số lần lóe sáng, trong đó có chiến thắng ở vòng đầu tiên Mỹ Mở rộng 2017 khi đánh bại hạt giống số hai Simona Halep và một danh hiệu ở giải đấu nhỏ trên đất Trung Quốc hồi tháng 10 cùng năm.
Việc không gặt hái được mấy thành công sau khi trở lại của Sharapova dễ làm cho người ta kết luận rằng, đó là bởi thiếu chất meldonium. Tay vợt Nga đã thẳng thừng bác bỏ lập luận đó và nói rằng, cô đã phải vật lộn với chấn thương từ trước khi bị cấm thi đấu. “Từ lúc 21 tuổi, tôi đã gặp vấn đề với cái vai của mình”, Sharapova khẳng định.
Năm 2008, Masha đã trải qua ca phẫu thuật vai đầu tiên để nối lại một số cơ bị đứt và một ca tiểu phẫu vào năm 2019 để vá vết rách nhỏ. Nhưng cơn đau ở vai vẫn chưa hết, trong khi lại xuất hiện thêm các chấn thương ở cả hai cánh tay. “Về cơ bản, nó cứ lặp lặp đi lặp lại và tôi có vết sưng ở cánh tay. Nó khiến tôi không thể nâng cánh tay lên, và bắt đầu từ tay bên này lan sang bên kia. Cảm giác giống như có nẹp trong cánh tay vậy”.
Sharapova, hiện tại tụt xuống đứng 373 thế giới, đã phải chơi theo cách giống như tập luyện. Đó là căng hết sức và tự ném mình vào những cuộc cạnh tranh khốc liệt trong tình trạng thể chất không khỏe mạnh và kỹ thuật còn thiếu sót.
Những cú thuận tay của cô không còn đủ lực như hồi còn trẻ và thay vào đó, Sharapova chuyển sang chơi trái tay. Cô ít lên lưới hơn và bước di chuyển không còn nhanh nhẹn để có thể sánh với các kình địch như hai chị em nhà Williams và Simona Halep. Nhưng Sharapova vẫn sở hữu cú trái hai tay đẳng cấp thế giới và giàu kinh nghiệm trong khu vực vạch cuối sân. Trước khi gặp vấn đề ở vai, những quả giao bóng cực nặng của cô từng khiến nhiều đối thủ khiếp sợ.
Trên tất cả, ở Sharapova có điểm tương đồng với Rafael Nadal. “Một cô gái không hề biết đến sợ hãi”, Robert Lansdorp – một trong những HLV thời thơ ấu của Sharapova, lúc cô lần đầu ra mắt giải Indian Wells năm 2002 khi mới 14 tuổi.
Nhiều năm sau đó, có những người cũng đã lặp lại nhận xét của Lansdorp. Nhưng vẫn có một số thách thức mà Sharapova chưa vượt qua được, mà một trong số đó là Serena Williams – tay vợt Mỹ sau hai thất bại ở chung kết Wimbledon 2004 và WTA Championships cuối năm đó, chưa thua thêm một lần nào nữa để có thành tích đối đầu 20-2 trước Sharapova, và hiện tại vẫn chơi ở WTA Tour dù đã 38 tuổi.
Không còn nghi ngờ gì nữa, thời đại này thuộc về gia đình nhà Williams. Giờ đến lúc Sharapova tận hưởng tình yêu bên tỷ phú người Anh, Alexander Gilkes, và dành thời gian cho việc học ngành kiến trúc cuối năm nay, cũng như tập trung cho công việc kinh doanh thương hiệu kẹo ngọt của cô.
Cuối tuần trước, Sharapova lần đầu trải nghiệm trượt tuyết ở Montana. Cô đã gửi đoạn video đó đến bạn tập trước đây của mình – Jannik Sinner, người từng hứa hẹn trở thành một VĐV trượt tuyết. “Cậu ấy đã viết thư cho tôi và khuyên tôi hãy tiếp tục chơi tennis”, Sharapova nói rồi phá lên cười.
Nhưng sau tất cả, cô vẫn giữ được sự kiên định của mình. “Hãy nhìn xem, liệu tôi có thích chiếc Cup vô địch Grand Slam thứ sáu, thứ bảy và thứ tám không? Những con số đó nghe thật hấp dẫn. Nhưng tôi bắt đầu sự nghiệp từ con số 0 và hiện tại, tôi đã chạm đến được những cột mốc tuyệt vời rồi”, cô nói.
Bình An (theo New York Times) – Vnexpress