Nghị quyết 55 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2045 vừa được Bộ Chính trị ban hành.
Nghị quyết đặt mục tiêu phát triển năng lượng quốc gia ổn định, cung cấp đủ nhu cầu năng lượng. Đến năm 2030 sản lượng điện đạt khoảng 550-600 tỷ kWh, năng lượng tái tạo chiếm 20% công suất toàn hệ thống điện và tăng lên 30% vào năm 2045. Tiết kiệm năng lượng tăng tương ứng 7% lên 14%.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, giải pháp chủ yếu là phát triển tự chủ, đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng sơ cấp. Trong đó đẩy mạnh tìm kiếm, thăm dò và ứng dụng công nghệ nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí, than gắn với xây dựng hệ thống kho dự trữ và cảng trung chuyển quy mô lớn…
Ngành điện tập trung phát triển các nguồn phát điện với cơ cấu và phân bố hợp lý, bảo đảm an toàn, có dự phòng công suất phù hợp, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái.
Nghị quyết nêu rõ, điện than sẽ phát triển ở mức hợp lý, ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Có kế hoạch sớm triển khai nâng cấp công nghệ của các nhà máy điện than hiện có.
Nghị quyết cũng yêu cầu xóa bỏ độc quyền, minh bạch giá mua bán điện, có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia. Vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia độc lập dưới sự kiểm soát của Nhà nước và thu hút tư nhân đầu tư vào lưới truyền tải. Cùng đó, đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, minh bạch giá mua bán điện.
Giải pháp nữa cũng được nghị quyết nhấn mạnh là cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với chính sách sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả.
Hiện đại hoá ngành điện từ khâu sản xuất, truyền tải đến phân phối. Nghiên cứu cơ chế tài chính và huy động vốn cho đầu tư ngành điện, có cơ chế cho phép phát triển các nhà máy điện sản xuất tại chỗ, tự cung cấp trong các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất…
Cơ cấu lại toàn diện doanh nghiệp Nhà nước lĩnh vực năng lượng theo hướng tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi, có thế mạnh. Nghiên cứu, triển khai thí điểm cơ chế bán có thời hạn hoặc cho thuê dài hạn với các nhà máy điện, kho nhiên liệu, nhà máy lọc dầu… thuộc sở hữu của doanh nghiệp Nhà nước.
Xóa bỏ mọi rào cản thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển dự án năng lượng, nhất là dự án phát điện và các hoạt động bán buôn, bán lẻ điện trong cơ chế thị trường. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích các nguồn, ưu tiên gió và mặt trời.
Phát triển năng lượng gắn với thực thi chính sách bảo vệ môi trường nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Anh Minh – Vnexpress