Sáu người rơi xuống sông khi đứt cáp công trình

Cáp cẩu đứt, sáu công nhân công trình thủy điện rơi xuống sông Pô Kô ở độ cao 20 m, bị dòng nước chảy xiết nhấn chìm, ba người may mắn thoát chết.

Ngày 26/5, tại khoa ngoại chấn thương, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum, khuôn mặt của ba thanh thiếu niên vẫn còn mang nỗi sợ hãi sau lần thoát chết chiều hôm qua. Thỉnh thoảng những chấn thương ở chân, tay khiến họ đau nhức, mặt nhăn nhó mỗi khi co duỗi.

A Xen, 16 tuổi, ở xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô là người trẻ nhất trong nhóm gặp nạn. Cánh tay trái của Xen sưng to; trên bàn chân phải khâu 5 mũi, đã được băng bó. Các vết thương đã hành cậu không thể ngủ được suốt đêm.

Bàn chân phải của A Xen khâu 5 mũi sau tai nạn. Ảnh: Trần Hóa.
Bàn chân phải của A Xen khâu 5 mũi sau tai nạn. Ảnh: Trần Hóa.

Năm hôm trước, chàng trai người Xê Đăng được anh rể giới thiệu vào làm tại thủy điện Plei Kần, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi, cách nhà khoảng 10 km. Một ngày công 200.000 đồng, được bao ăn ở. 

Xen và nhóm công nhân được giao khoan, đục những khối bêtông – xử lý phần chống thấm, công việc buổi sáng bắt đầu 7h-11h, chiều 1h30-5h30. Lúc mới đến làm còn vụng về, Xen được các đồng nghiệp hướng dẫn nhiệt tình. Tối đến, Xen ăn và ngủ chung với các công nhân lại ở lán trại gần công trường.

Đầu giờ chiều 25/5, trời nắng gay gắt, hơn 50 công nhân trở lại bờ đập tiếp tục công việc. Họ tỏa ra khắp công trường, người lái máy múc, nhóm đắp đá… Riêng Xen cùng năm người khác trèo lên rọ sắt dài khoảng 5 m; rộng một mét; cao nửa mét, rồi được máy cẩu đưa lên cao để đục phần bêtông trên bề mặt đập thủy điện.

Vừa cẩu lên khoảng 20 m, chiếc rọ bỗng nhiên đứt cáp rồi rơi tuột xuống sông Pô Kô đang chảy xiết. Chân, tay Xen va đập vào một tảng đá gây chấn thương nặng. Vật lộn với con nước lớn vài chục giây, Xen mới ngoi lên khỏi mặt nước, những công nhân trên bờ thấy liền bơi ra kéo cậu lên bờ. 

Ngồi ở cầu thang bệnh viện, Xen kể, gia đình em có hơn một ha mì, trong khi phải nuôi năm người con. Vì hoàn cảnh khó khăn, Xen phải bỏ học từ năm lớp 8 để đỡ đần bố mẹ và chăm các em. “Những năm nghỉ học em chỉ luẩn quẩn ở trên nương, hôm rồi là lần đầu tiên đi làm công trình. Chưa đưa cho bố mẹ đồng nào đã xảy ra chuyện”, Xen tỏ vẻ hối hận.

Nằm cạnh giường Xen, A Đục, 23 tuổi, ở thị trấn Plei Kần rướn người cố lấy chai nước ở đầu giường, nhưng cuối cùng phải nhờ người bên cạnh lấy giúp do vết thương ở vai và hông vẫn còn đau. Anh Đục bảo, hôm qua có vợ tới chăm, nhưng sáng nay phải trở về nhà sớm để lo cho ba đứa con nhỏ (3-5 tuổi). 

A Đục đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Ảnh: Trần Hóa. 
A Đục đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Ảnh: Trần Hóa. 

Anh Đục mới vào làm ở dự án thủy điện Plei Kần hai ngày. Khi đứt dây cáp, anh bị dòng nước nhấn chìm ở hạ đập. Anh hoảng loạn, đuối sức nhưng vẫn cố trồi lên khỏi mặt nước, lúc ấy anh thấy hàng chục công nhân chạy dọc hai bên bờ sông để ứng cứu. Vì nước sông đỏ ngầu, không thể lặn tìm, họ chỉ biết chờ người nào nổi lên mặt nước mới bơi ra đưa lên bờ. Anh và hai đồng nghiệp được cứu.

Ba người trong nhóm, khoảng 30 phút sau, thi thể được phát hiện dạt vào chỗ nước nông. “Có lẽ họ không biết bơi hoặc chấn thương nặng lúc rơi xuống”, anh Đục nhận định và cho biết, trước tai nạn còn nói chuyện, vui đùa với ba đồng nghiệp bị thiệt mạng là, A Triêu, A Khái, A Hồng (23-27 tuổi, cùng ở Kon Tum).

Cùng ngày, hàng trăm người ghé vào căn nhà cấp bốn ở xã Ia Chim, TP Kon Tum, để thắp hương cho A Triêu – người con trai thứ ba của ông A Giun. Xong xuôi, họ tiếp tục qua nhà đối diện, cách một con đường bêtông để viếng A Khái.

Ngồi lặng thinh trước di ảnh con, ông Giun bảo, A Triêu và A Khái họ hàng với nhau. Hai anh em rủ nhau đi làm ở Thủy điện Plie Kần khoảng được một tuần thì không may xảy ra sự việc. Từ lúc nhận tin, hai bà mẹ khóc ngất liên tục.

Ông Đặng Thanh Bình, Phó chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh xã hội tỉnh Kon Tum cho biết vẫn đang chờ kết quả điều tra từ công an. Nếu xác định thủy điện này sử dụng lao động vị thành niên những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, thì lúc đó sẽ xử lý doanh nghiệp về việc sử dụng lao động không đúng. “Lời khai ban đầu có một nạn nhân 16 tuổi. Sắp tới chúng tôi sẽ kiểm tra cụ thể, mới biết doanh nghiệp sử dụng lao động sai hay không”, ông Bình nói.

Thủy điện Plei Kần - nơi xảy ra vụ tai nạn lao động. Ảnh: Trần Hóa.
Thủy điện Plei Kần – nơi xảy ra vụ tai nạn lao động. Ảnh: Trần Hóa.

Ông Nguyễn Văn Quân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tấn Phát (chủ đầu tư công trình) cho biết, trước mắt công ty hỗ trợ ban đầu gia đình mỗi nạn nhân tử vong 20 triệu đồng; chịu toàn bộ chi phí điều trị cho các nạn nhân bị thương đang được cứu chữa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. “Thay mặt công ty, tôi xin gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân”, ông Quân nói.

Dự án thủy điện Plei Kần có tổng mức đầu tư 576 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Tấn Phát làm chủ đầu tư, đang trong quá trình hoàn thiện.

Theo chính quyền địa phương, dự án thi công từ năm 2018, trên sông Pô Kô thuộc thị trấn Plei Kần, xã Đăk Nông của huyện Ngọc Hồi và xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô, với diện tích đất sử dụng hơn 100 ha, công suất 17 MW.

Trần Hóa – Vnexpress