Trong khi số ca nhiễm nCoV vẫn tăng trên khắp thế giới, những nhân viên y tế chịu trách nhiệm kiểm tra sức khỏe hành khách đến các sân bay Mỹ đang đối mặt nguy cơ lây nhiễm ngày càng tăng, bởi nhiều người hiện phải làm việc mà không có khẩu trang phù hợp giúp họ tự bảo vệ mình khỏi bị mắc bệnh.
Các nhân viên tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) tuần qua đã yêu cầu cấp trên thay đổi cách thức làm việc thông thường và cung cấp cho họ khẩu trang đảm bảo hơn. Tối 6/3, mối lo ngại lớn nhất của họ đã trở thành hiện thực: Hai nhân viên kiểm tra y tế tại sân bay quốc tế Los Angeles dương tính với nCoV.
“Tin buồn”, một quan chức kiểm dịch cấp cao tại CDC viết trong email gửi tới đồng nghiệp tối cùng ngày. Theo email, hai nhân viên trên sẽ bị cách ly tới 17/3. Dù vậy, đây không phải điều quá bất ngờ đối với các nhân viên kiểm tra y tế tại CDC.
“Điều này chắc chắn sẽ xảy ra”, một quan chức y tế kỳ cựu giấu tên tại CDC cho hay. “Họ trấn an rằng chúng tôi sẽ an toàn. Nếu an toàn, các nhân viên kiểm dịch sẽ không bị ốm”.
Vấn đề của CDC cũng là khó khăn mà các nhân viên y tế trên khắp nước Mỹ đang gặp phải, cho thấy những thách thức với chính quyền Tổng thống Donald Trump, vốn đang bị chỉ trích vì cách phản ứng “lạc quan thái quá” trước dịch bệnh.
Trump hôm 26/2 cho rằng rủi ro của nCoV là “rất thấp”. Tuy nhiên, các ca nhiễm đã được ghi nhận tại 30 bang, trong đó 22 người đã tử vong.
Các bác sĩ, y tá, nhân viên cấp cứu và nhân viên y tế chính phủ Mỹ cho rằng họ không được bảo vệ và chuẩn bị đầy đủ trong cuộc chiến chống nCoV. Nhiều người phàn nàn về việc công tác đào tạo và trao đổi thông tin yếu kém tại nơi làm việc cũng như tình trạng thiếu nhân lực, trang thiết bị.
Phát ngôn viên CDC Kristen Nordlund cho hay các nhân viên kiểm dịch tại sân bay đã được trang bị bảo hộ phù hợp với vai trò mà họ đảm nhận.
CDC gợi ý các nhân viên kiểm tra y tế tiếp xúc với những hành khách từ một số quốc gia là điểm nóng dịch Covid-19, như Trung Quốc, nên đeo khẩu trang, găng tay và đồ bảo vệ mắt. Họ được khuyến cáo đứng cách xa hành khách hai mét trong lúc tiến hành kiểm tra nhiệt độ và không đeo khẩu trang N95 khi không tiếp xúc với hành khách có triệu chứng. Khẩu trang N95 chỉ được sử dụng đối với những người có dấu hiệu nhiễm bệnh rõ ràng.
Nhưng theo giới chuyên gia, người nhiễm nCoV không phải lúc nào cũng biểu hiện triệu chứng bệnh.
“Khẩu trang y tế thông thường không thể giúp chúng ta ngăn virus, nó chỉ giúp chúng ta không lây nhiễm virus cho người khác mà thôi”, một quan chức y tế thuộc CDC nói. “Chúng tôi muốn biết vì sao chúng tôi không thể sử dụng khẩu trang N95. Thật điên rồ”.
Trong lúc đó, hàng chục nhân viên kiểm tra y tế và các nhân viên khác tại sân bay quốc tế Los Angeles được cho là đã tiếp xúc với hai người nhiễm nCoV.
Sáng 8/3, CDC ban hành hướng dẫn mới đối với các nhân viên kiểm tra y tế thứ cấp (những người hay tiếp xúc với hành khách từ các điểm nóng dịch bệnh), cho biết họ hiện có thể “tùy chọn” sử dụng khẩu trang N95.
Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ không trả lời những mối lo lắng về mức độ an toàn của các nhân viên y tế trên cả nước. Tuy nhiên, một phát ngôn viên từ Bộ này cho hay họ đang làm việc với các công ty sản xuất trang thiết bị y tế, bao gồm cả khẩu trang N95, “để đẩy nhanh tốc độ mua sắm vật tư y tế bảo vệ người dân Mỹ”.
WHO ngày 3/3 cảnh báo tình trạng thiếu trang thiết bị y tế đang đe dọa đội ngũ nhân viên y tế trên toàn cầu, kêu gọi chính phủ các nước nhanh chóng tăng nguồn cung và ngăn chặn việc lan truyền đồn đoán, tin thất thiệt về dịch bệnh.
Các nhân viên kiểm dịch tại sân bay của CDC là một phần trong lực lượng chăm sóc sức khỏe chịu rủi ro. Nhưng một chuyên gia y tế tham gia các nỗ lực phản ứng với Covid-19 của chính phủ Mỹ cho rằng vấn đề còn có quy mô lớn hơn thế.
Những nhân viên phản ứng khẩn cấp, từ lính cứu hỏa, nhân viên cấp cứu đến cảnh sát, cũng đang bày tỏ mối quan ngại tương tự.
“Chúng ta biết mức độ chuyên nghiệp và tính chuyên sâu trong đào tạo mà những người ở tuyến đầu cần, nhưng chúng ta chưa thực sự đạt được điều đó”, ông nói.
Hôm 5/3, Liên minh Y tá Quốc gia Mỹ (NNU) đã công bố kết quả một cuộc khảo sát trên toàn quốc cho thấy chưa đầy 50% số y tá tham gia trả lời nói rằng cấp trên của họ có truyền đạt cho họ cách nhận biết và phản ứng với các ca nghi nhiễm nCoV. Chưa đầy 1/5 nói cấp trên của họ có chính sách phản ứng với các nhân viên nghi hoặc đã được xác nhận nhiễm virus và chưa đầy 1/3 nói họ có đủ thiết bị bảo vệ tại nơi làm việc trong trường hợp số ca nhiễm tăng đột biến.
“Tất cả những điều này đều đã được họ liệt kê, nhưng khi chúng tôi tới nói chuyện với y tá tại các cơ sở y tế, không biện pháp nào được thực hiện”, Jane Thomason từ NNU nhấn mạnh. “Chúng tôi nhìn thấy nhiều đơn vị sử dụng nhân viên y tế chưa sẵn sàng đối phó với Covid-19”.
Vũ Hoàng (Theo Reuters) – Vnexpress