Chiều 9/4, trước cửa căn nhà trên đường Hoàng Quốc Việt, người đàn ông trung tuổi bê ghế ra ngồi trên vỉa hè, không đeo khẩu trang. Chiếc xe tuần tra của tổ công tác phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) dừng lại, nhắc nhở, yêu cầu nộp phạt vì không đeo khẩu trang.
Ông cương quyết không nộp, lấy lý do “đang uống cà phê trước cửa nhà”. Mười ngày kể từ khi giãn cách xã hội, gần 40 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng bị chính quyền phường Nghĩa Đô lập biên bản, yêu cầu nộp phạt.
Phường Nghĩa Đô có hơn 30.000 dân cư với lực lượng cán bộ khoảng 25 người, gồm cả lãnh đạo. Bình quân mỗi cán bộ phụ trách khoảng 1.500 người dân. Công sở phường bắt đầu vắng vẻ từ những ngày đầu tháng 3, khi Hà Nội ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên. Từ 1/4, khi lệnh giãn cách xã hội có hiệu lực, họ chia nhau về các tổ công tác, cùng công an khu vực đi kiểm tra, nhắc nhở các trường hợp vi phạm. Hơn một tháng theo diễn tiến dịch bệnh, những cán bộ phường kiêm nhiệm nhiều vai đang gặp khó khi người dân tìm cách đối phó với lệnh hạn chế ra đường.
Những ngày tham gia tuần tra xử lý vi phạm, ông Chu Thanh Tuấn, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Nghĩa Đô dần quen với muôn vàn kiểu “ngụy trang, viện cớ” của những người không tuân thủ phòng dịch. Họ sẵn sàng nói “Tôi đi chợ” dù đang dắt chó đi dạo, mặc đồ tập thể thao; thậm chí rỉ tai nhau “đi đâu nhớ xách theo cân gạo với hai gói mì là xong”.
Nằm giữa ranh giới 3 quận Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Tây Hồ, dự án Tây Hồ Tây và đường Nguyến Văn Huyên kéo dài là khu vực vắng, thông thoáng. Những ngày giãn cách xã hội vẫn nườm nượp người chơi thể thao, chạy bộ. Trên địa giới Nghĩa Đô, người dân bị nhắc nhở “không tụ tập đông người” đối phó bằng cách chạy sang bên đối diện, địa giới của quận khác. Ông Tuấn cho rằng, việc xử lý vi phạm cần sự phối hợp đồng bộ hơn của các địa phương, “nhưng cần nhất, vẫn là mỗi người dân ý thức cao lên một tý”.
Nghĩa Đô không có nhiều công viên hay tụ điểm vui chơi. Hầu hết các tuyến phố đều chen chúc cơ sở kinh doanh, buôn bán, từ dịch vụ ăn uống, đồ gia dụng, in phông bạt quảng cáo cho đến cây cảnh, thời trang… Sau những ngày đầu tiên tuyệt đối chấp hành, các cửa hàng “không thiết yếu” đã lác đác hoạt động trở lại. Các giao dịch thực hiện qua cánh cửa cuốn đóng một nửa. Với thẩm quyền, phường muốn phạt các vi phạm hành chính trên 5 triệu đồng phải làm hồ sơ chuyển lên cấp quận, thời gian xử lý kéo dài thêm một ngày.
Bên quận Ba Đình, ngày 5/4, Trúc Bạch là phường đầu tiên xử phạt hành chính hai người câu cá, một người bán hoa “ra đường không vì mục đích thiết yếu”. Ông Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch phường Trúc Bạch cho biết hồ Trúc Bạch là nơi nhiều người hay tụ tập câu cá. Họ không nghèo, đó là thú vui và cũng thừa nhận lỗi khi nhận phạt. Nhưng khi tổ công tác rời đi, nhiều người lại câu tiếp nên rất khó xử lý.
Trước ý kiến cho rằng không nên xử phạt người bán hoa khi họ đi mưu sinh, ông Huy cho rằng, “bệnh nhân 243” là minh chứng rõ ràng cho việc cá nhân không tuân thủ quy định sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng. Bệnh nhân này sau ngày 1/4 vẫn đi giao hoa, trong khi đó không phải là mặt hàng thiết yếu và không biết mình đang ủ bệnh. Người dân phố Trúc Bạch đã trải qua 14 ngày cách ly cộng đồng vì “bệnh nhân 17”, nên rất thấm thía.
Chủ tịch phường Trúc Bạch nói “mọi người hãy nhìn vào diễn biến dịch bệnh suốt một tháng qua trước khi quyết định bước chân ra khỏi nhà”. Trong hai tuần, số ca nhiễm nCoV ở Hà Nội đã tăng gấp đôi, từ 61 lên 120. Khi Trúc Bạch tạm ổn lại bùng ổ dịch Bạch Mai, mọi thứ phải bắt đầu lại. Bạch Mai tạm ổn thì xuất hiện ca bệnh 243. Toàn thôn Hạ Lôi (Mê Linh) gần 11.000 nhân khẩu phải cách ly.
“Nếu Hạ Lôi tạm ổn, không may lại bùng phát một trường hợp khác thì sức người đâu để mãi chạy theo dập dịch và ứng phó? Chưa kể lực lượng y tế chỉ đảm bảo được ở một mức độ nhất định, quá ngưỡng dễ vỡ trận như các nước khác”, ông Huy lo ngại.
Phường Trúc Bạch có 5 cán bộ y tế, 8 dân quân, hơn 20 công an, một công chức chuyên trách và 4 người hỗ trợ phòng, chống dịch. Từ đầu tháng 4 khi cách ly xã hội, phường không huy động cán bộ tổ dân phố đi tuyên truyền, bởi toàn người già trên 60 tuổi nguy cơ lây nhiễm cao. “Coi như mất một cánh tay phải”, chỉ còn gần 40 người trẻ “xoay tua” liên tục hơn một tháng với khối lượng công việc khổng lồ: Điều tra các F, giám sát cách ly tại nhà, chăm lo y tế, tuần tra địa bàn, giám sát giãn cách xã hội… Nhiều người bắt đầu thấy mệt mỏi, thậm chí ốm vì kiệt sức.
“Mỗi người dân nên tự ý thức để không phá hỏng công sức chúng ta bỏ ra trong mấy tháng qua”, ông nói.
Một số phường đã tạm áp dụng nhhiều biện pháp hạn chế người dân ra đường. Trúc Bạch mang barie, dây chắn rào vườn hoa công cộng từ ngày 28/3, trước khi quyết định “cách ly xã hội” có hiệu lực. Phường còn dùng dây buộc cố định các dụng cụ tập thể dục, vì lo ngại nguy cơ lây nhiễm từ vật dụng dùng chung.
Đảm bảo an sinh xã hội, từ 6/4, mỗi ngày phường Trúc Bạch hỗ trợ 150 suất nhu yếu phẩm cho người có hoàn cảnh khó trong và ngoài địa bàn, tặng 50 suất quà cho người đặc biệt khó khăn; thêm 100 phần nhu yếu phẩm cho người dân nghèo Phúc Xá, Phúc Tân và những ngày tới sẽ hỗ trợ tiếp các trường hợp ở Bạch Đằng, Yên Phụ.
Chiều 10/4, chính quyền phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) cử cán bộ mang bàn ghế, lập bốn chốt ở công viên Nghĩa Đô và công viên Cầu Giấy, nhắc nhở người dân đi tập thể dục về nhà, không tụ tập đông. Hai công viên đóng cửa từ mười ngày trước, nhưng sáng sớm hoặc chiều muộn hàng trăm người dân vẫn đổ ra vỉa hè đi bộ.
“Người dân phản ứng, họ nói tập để nâng cao sức khỏe phòng dịch, tại sao lại cấm đoán? Nhiều người đi một mình, đi hai người cùng gia đình, chính quyền chỉ có thể nhắc nhở bà con”, ông Đỗ Việt Trung, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng cho biết.
Từ 1/4 đến nay, phường Dịch Vọng đã xử phạt 3 người ra đường không vì mục đích thiết yếu, 3 người không đeo khẩu trang và một cơ sở kinh doanh sản phẩm nằm ngoài danh mục thiết yếu với mức phạt 15 triệu đồng. Trong những ngày cách ly xã hội, phường hỗ trợ thực phẩm cho hơn 300 gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Phương Lam – Tất Định – Vnexpress