Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc, Mỹ và Anh trên tạp chí Science, những biện pháp kiểm soát quyết liệt của Trung Quốc tại Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, trong 50 ngày đầu tiên bùng phát Covid-19 đã giúp các tỉnh thành khác trên cả nước có thêm thời gian quý báu để chuẩn bị và thiết lập các hạn chế của riêng mình nhằm ngăn nCoV lây lan.
“Phân tích của chúng tôi cho thấy nếu không có lệnh cấm đi lại ở Vũ Hán cùng những phản ứng khẩn cấp quốc gia, sẽ có hơn 700.000 trường dương tính nCoV được xác nhận bên ngoài Vũ Hán khi ấy”, Christopher Dye, nhà khoa học thuộc đại học Oxford, Anh, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.
Dye nhận xét các biện pháp kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc đã có hiệu quả khi phá vỡ chuỗi lây nhiễm của nCoV bằng cách ngăn tiếp xúc giữa những người người mắc bệnh và những người có nguy cơ lây nhiễm.
Phân tích được các nhà nghiên cứu đưa ra sau khi sử dụng kết hợp những báo cáo về số ca nhiễm nCoV, thông tin y tế công cộng và dữ liệu định vị điện thoại di động để điều tra sự lây lan của dịch bệnh.
Ottar Bjornstad, giáo sư sinh học tại đại học bang Pennsylvania, Mỹ, một tác giả của nghiên cứu, cho biết công nghệ định vị điện thoại đã cung cấp nguồn dữ liệu mới “rất thú vị”.
“Phân tích cho thấy mọi người giảm di chuyển bất thường kể từ sau lệnh cấm đi lại hôm 23/1. Dựa trên dữ liệu này, chúng tôi cũng có thể tính toán các ca nhiễm nCoV liên quan đến Vũ Hán đã giảm mạnh tại các tỉnh thành khác trên khắp Trung Quốc”, Bjornstad nói thêm.
Quyết định phong tỏa Vũ Hán đã làm chậm sự lây lan của dịch bệnh ở những khu vực khác trên cả nước, giúp chính quyền các địa phương có thêm thời gian chuẩn bị bằng cách cấm tụ tập nơi công cộng, đóng cửa các địa điểm giải trí, đề nghị người dân hạn chế di chuyển không cần thiết.
Khi Bắc Kinh lần đầu tiên phong tỏa Vũ Hán hơn hai tháng trước, quyết định này đã được xem là “quá mạnh tay”. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước đang áp dụng biện pháp tương tự để ngăn nCoV lây lan, khiến gần một nửa dân số thế giới hiện chịu các hình thức hạn chế đi lại khác nhau.
Khi những hạn chế tại Vũ Hán đang dần được dỡ bỏ và nhịp sống dần trở lại bình thường, câu hỏi đặt ra cho Trung Quốc và các quốc gia khác trên thế giới là điều gì sẽ xảy ra khi hoạt động di chuyển được nối lại.
“Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng các ca nhiễm nCoV nội địa hoặc ngoại nhập đều có thể khiến dịch bệnh tiếp tục lây lan”, Huaiyu Tian, phó giáo sư dịch tễ học tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cho biết.
Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 854.000 ca nhiễm, hơn 42.000 người chết và gần 177.000 trường hợp bình phục. Mỹ và châu Âu đang là tâm dịch của thế giới, trong khi Trung Quốc, nơi khởi phát nCoV, dần khống chế được tình hình.
Ngọc Ánh (Theo AFP) – Vnexpress