Chốt phiên giao dịch ngày 6/3, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 256,5 điểm, tương đương 0,9%, xuống 25.864 điểm. Đà giảm trên thực tế đã thu hẹp đáng kể trong 30 phút cuối phiên. Trước đó, chỉ số này có thời điểm mất hơn 855 điểm.
S&P 500 chốt phiên giảm 1,7%, xuống 2.972 điểm. Nasdaq Composite cũng giảm 1,8% còn 8.575 điểm.
Năng lượng là lĩnh vực giảm mạnh nhất hôm qua, khi mất 5,6%. Nguyên nhân là giá dầu xuống đáy nhiều năm khi các đồng minh của OPEC từ chối cắt giảm sản lượng.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu hàng không có dấu hiệu phục hồi sau khi cố vấn kinh tế Larry Kudlow cho biết Nhà Trắng đang xem xét các biện pháp bù đắp tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến ngành công nghiệp này. Cổ phiếu của United Airlines chốt phiên tăng 2%, trong khi Delta Airlines cũng tăng 1%.
Diễn biến phiên cuối tuần đã thu hẹp đà tăng của cả ba chỉ số. Chốt tuần giao dịch, Dow Jones tăng 1,7%, trong khi S&P 500 và Nasdaq chỉ tăng lần lượt 0,6% và 0,1%. Các chỉ số này vẫn nằm trong vùng điều chỉnh – giảm ít nhất 10% so với mức đỉnh gần đây.
“Thị trường kém tích cực bởi tất cả chúng ta đều biết tình hình đang xấu hơn”, Andrew Slimmon, giám đốc đầu tư tại Morgan Stanley Investment Management cho biết.
Lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã lần đầu tiên giảm xuống mức 0,7%. Các nhà đầu tư tiếp tục tìm đến những tài sản mang tính trú ẩn trong bối cảnh lo ngại dịch Covid-19 phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến kinh tế thế giới xuống dốc. Một trong những tài sản an toàn khác là vàng đã có tuần giao dịch tốt nhất kể từ năm 2016.
Thị trường vẫn chịu áp lực ngay cả khi số lượng việc làm mới của Mỹ tăng đột biến. Nền kinh tế lớn nhất thế giới có thêm 273.000 việc làm trong tháng 2, vượt xa kỳ vọng của giới phân tích. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống 3,5%, mức thấp nhất trong hơn 50 năm.
“Đà giảm của S&P 500 đến nay vẫn còn tiếp tục”, Binky Chadha – chiến lược gia trưởng của Deutsche Bank cho biết, “Xét về thời gian, mọi thứ mới diễn ra được hai tuần, vẫn còn quá sớm để nói về sự kết thúc”.
Minh Sơn (theo CNBC) – Vnexpress