Bà Ebtekar là thành viên đầu tiên thuộc nội các của Tổng thống Hassan Rouhani nhiễm virus này.
Trước đó cùng ngày, Chủ tịch ủy ban phụ trách an ninh quốc gia và ngoại giao của Quốc hội Iran, Mojtaba Zolnour, cũng thông báo trong một video mới rằng ông đã nhiễm bệnh.
Trước đó, 2 quan chức Iran khác, bao gồm ông Mahmoud Sadeghi, một thành viên Quốc hội Iran, và Thứ trưởng Bộ Y tế Mojtaba Zolnour cũng xác nhận đã nhiễm COVID-19.
Hãng tin quốc gia Iran ngày 27-2 cũng đưa tin giáo sĩ Hadi Khosroshahi đến từ Qom đã tử vong vì COVID-19. Ông Khosroshahi từng giữ chức đại sứ Iran tại Vatican sau cuộc cách mạng năm 1979.
Theo số liệu thống kê mới nhất, số trường hợp tử vong do COVID-19 ở Iran hiện đã lên tới 26 người, cùng với 245 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 106 ca nhiễm mới. Mặc dù vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định rằng Iran có đủ năng lực để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Trong khi đó, giới chức y tế Iran cũng đảm bảo rằng nước này sẽ sớm kiềm chế được sự lây lan của SARS-CoV-2. Những điều kiện chăm sóc y tế của những người bị mắc bệnh đã được cải thiện đáng kể. Hiện tất cả các sự kiện văn hóa, hội nghị, các rạp chiếu phim ở nước này đã đóng cửa để đề phòng dịch bệnh lây lan.
Đề phòng dịch bệnh lây lan nhanh, Iran cũng đã thông báo lệnh cấm toàn bộ công dân Trung Quốc nhập cảnh vào nước này.
Bà Masoumeh Ebtekar là ai?
Bà Ebtekar được đánh giá là một trong những người quyền lực nhất tại Iran, một nhà cải cách chủ chốt và một đồng minh của Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Tại Mỹ, bà được biết đến với tên gọi “Sơ Mary”.
Theo ABC News, bà Ebtekar sinh ra trong một gia đình trung lưu tại Tehran và trở nên nổi tiếng nhờ làm người phát ngôn tiếng Anh cho đoàn học sinh – sinh viên Iran bao vây đại sứ quán Mỹ vào năm 1979.
Trong nhiều ngày của sự kiện này, bà trở thành gương mặt quen thuộc trên sóng truyền hình Mỹ, thường xuyên làm phiên dịch cho các nhà báo phương Tây và ngay cả 52 công dân Mỹ bị giữ làm con tin bên trong tòa đại sứ.
Bà nói lưu loát tiếng Anh nhờ quãng thời gian cùng gia đình sinh sống ở Mỹ để cha theo học tiến sĩ tại ĐH Pennsylvania. Sau này, bà trở về Iran và theo học trường ĐH Bách khoa Iran, rồi tham gia phong trào sinh viên trong Cách mạng Hồi giáo 1979.
Theo NGUYÊN HẠNH – Tuổi Trẻ