Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu thông điệp trên trong cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, sáng 3/2.
“Đón Tết của người dân không chỉ là tình cảm, sự yên vui mà Tết còn là dịp để nhiều người có thêm những thu nhập bù lại khó khăn trong cả năm qua trong điều kiện bình thường mới. Muốn vậy chúng ta phải thần tốc hơn nữa, rút ngắn thời gian bắt kịp dịch”, ông chia sẻ.
Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương phải làm tốt công tác cách ly và đã cách ly là phải an toàn. Thực tế vừa qua, những ngày đầu trong các khu cách ly rất khổ, vất vả và tiềm ẩn không ít rủi ro. Lực lượng quân đội tiếp tục tăng cường, sẵn sàng cho các địa phương khác trong tổ chức cách ly tập trung.
Bên cạnh đó, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội qua thực tiễn cách ly trong trường học, những địa điểm công cộng trong xã, thôn thì cần mạnh dạn nghiên cứu các mô hình cách ly tập trung quy mô nhỏ hơn.
Đối với những địa phương đang phong tỏa, Phó thủ tướng lưu ý cần hết sức chú ý mục đích của việc phong tỏa là kiểm soát được người đi ra ngoài, nhưng bên trong cũng phải kiểm soát nếu không rất nguy hiểm.
“Phong tỏa cố gắng ở quy mô nhỏ nhất có thể. Chúng ta đã có mô hình phong tỏa trong phong tỏa đối với xã trong thành phố, cần tiếp tục rút kinh nghiệm làm nhỏ hơn nữa như phong tỏa thôn trong xã, cụm dân cư trong thôn, hay phong toả có thời hạn linh hoạt để điều tra dịch tễ”, ông nói.
Bộ Y tế được yêu cầu rà soát và sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị, sinh phẩm để chi viện cho từng khu vực, cùng với đó cho xét nghiệm cộng đồng rộng ở một số nơi.
Nhấn mạnh giải pháp đeo khẩu trang là an toàn, Phó thủ tướng đề nghị tất cả các địa phương phải quyết liệt, xử phạt nghiêm những trường hợp không đeo khẩu trang khi đi ra nơi công cộng.
Ông cũng nêu rõ “chúng ta muốn an toàn trong trạng thái bình thường mới thì phải sẵn sàng. Và một trong những biện pháp sẵn sàng là phải khai báo y tế. Các doanh nghiệp cung cấp mạng viễn thông sẽ nhắn tin cho các thuê bao đi từ vùng dịch ra, yêu cầu khai báo y tế. Trường hợp nào cố tình không khai báo y tế sau khi đã có khuyến cáo sẽ bị từ chối dịch vụ”.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo, Tổ thông tin đáp ứng nhanh trực thuộc Ban chỉ đạo cho biết, các trường hợp lây nhiễm vừa qua có chu kỳ xoay vòng nhanh (3-4 ngày), nghĩa là lây nhanh hơn, nồng độ virus mạnh hơn và đáng chú ý các trường hợp lây nhiễm đều không đeo khẩu trang…
Theo Tổ này, đến nay công tác chống dịch tại các địa phương trên toàn quốc “đã cơ bản bắt kịp tình hình dịch”; tỷ lệ rủi ro dịch bệnh đã giảm, trừ Bình Dương, Gia Lai.
Đại diện UBND tỉnh Hải Dương khẳng định đã khoanh vùng được và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Đến nay, ngày thứ 8 từ khi dịch bùng phát, số ca dương tính giảm rõ rệt; lượng xét nghiệm tăng lên. Bệnh viện dã chiến thứ ba được thiết lập, sẵn sàng điều trị người bệnh nếu dịch lan rộng.
Tỉnh xác định, Công ty Poyun là ổ dịch chính với 150 ca Covid-19. Tuy nhiên, địa phương chưa tìm thấy mối liên hệ của hai ca ở huyện Cẩm Giàng và Ninh Giang. Vì vậy, nhà chức trách đang khẩn trương truy vết, tìm nguồn gốc hai ca bệnh này.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết tỉnh đã truy vết hơn 74.000 trường hợp và đang đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm F1.
“Đến lúc này chúng tôi đã kiểm soát được ổ dịch ở sân bay Vân Đồn”, lãnh đạo tỉnh nói và đặt mục tiêu đến 28 Tết Nguyên đán sẽ khoanh vùng được tất cả các ổ dịch, không có bệnh nhân nặng, không có người tử vong.
Tuy nhiên, tối qua TP Hạ Long phát hiện ba ca dương tính thông qua xét nghiệm sàng lọc. Vì vậy, tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ về nghiệp vụ điều trị, chế độ phụ cấp cho người tham gia chống dịch.
Tại Hà Nội, lãnh đạo thành phố bày to lo ngại nhất về ca bệnh công chứng viên ghi nhận hôm qua, bởi có lịch trình di chuyển phức tạp. Thành phố đã nâng một mức công tác chống dịch như đóng cửa quán bar, vũ trường, quán game, internet; xét nghiệm và cách ly tập trung tất cả 653 F1; các F2 được cách ly tại nhà và giám sát chặt chẽ.
Lãnh đạo thành phố khẳng định tiếp tục khoanh vùng, điều tra, truy vết ca bệnh và người liên quan để lấy mẫu sớm nhất; việc phong tỏa sẽ được tiến hành phù hợp, không để ảnh hưởng rộng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin thêm, tình hình dịch ở Gia Lai tương đối phức tạp, là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nên việc truy vết, theo dấu ca bệnh gặp khó khăn… “Đây là khu vực chưa bao giờ xảy ra dịch, nên kinh nghiệm, triển khai các biện pháp phòng chống có sự lúng túng, hệ thống y tế của địa phương còn yếu”, Bộ trưởng Long bày tỏ lo ngại.
Vì vậy, Bộ Y tế đã cử các đoàn vào cắm chốt tại Gia Lai. Sáng nay, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy đã vào hỗ trợ tỉnh. “Nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp, Bộ Y tế sẽ điều thêm chuyên gia vào hỗ trợ điều trị, đồng thời tập trung nâng cao năng lực xét nghiệm cho Gia Lai”, ông Long nói.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y, cho biết lực lượng quân đội đã tổ chức hai điểm cách ly tập trung tại Gia Lai, khi cần thiết, sẽ tăng cường chuyên gia hỗ trợ truy vết.
Viết Tuân – Vnexpress