Epicenter – 24 hours in Wuhan do đài CGTN thực hiện, gồm những thước phim ghi hình trực tiếp tại Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) cuối tháng 1. 48 phút thời lượng mang phong cách hành trình, khi người quay đến nhiều địa điểm, đan xen những cuộc phỏng vấn và lời dẫn chuyện. Tác phẩm mở đầu với thông tin về việc Vũ Hán bị phong tỏa ngày 23/1. Các bệnh viện tràn ngập bệnh nhân, hàng triệu người phải thay đổi kế hoạch ăn Tết Nguyên đán và cuộc chạy đua để kiềm chế virus corona lây lan.
Nội dung chính của phim là cuộc chiến chống dịch, nhìn từ góc độ của các nhân viên y tế. Khi dịch bệnh bùng phát, công việc của họ tăng lên nhiều lần. Những bác sĩ, y tá phải mặc tã giấy để tiết kiệm thời gian vệ sinh, cũng như không phải thay bộ đồ bảo hộ có giá đến 300 nhân dân tệ (gần một triệu đồng).
Ở một số trích đoạn, phóng viên khai thác các hoạt động thường nhật của nhân viên y tế, như đến đón một bà cụ – người có bệnh tim, đã sốt ba ngày nay và không có con cái ở cạnh. Do không kịp mặc đồ bảo hộ khi đón cụ, nữ bác sĩ phải trải qua quá trình khử trùng kỹ lưỡng.
Ở một bệnh viện, tầng 2 đến 15 của tòa nhà được chuyển đổi thành khu cách ly cho bệnh nhân nhiễm virus. Quy định của bệnh viện rất nghiêm ngặt, không có thứ gì được phép đưa vào khu cách ly, kể cả máy quay. Một bác sĩ mua điện thoại mới để dùng trong khu cách ly (không được đem ra ngoài). Các nhân viên mặc hai lớp đồ bảo hộ và nhiều thứ khác như găng tay, bọc giày, khẩu trang và kính bảo hộ. “Trong khu cách ly, tôi bận đến nỗi không có thời gian để thấy ngứa. Nhưng khi ra ngoài, tôi ngứa ngáy vô cùng với những nốt mề đay mất từ sáu đến tám giờ mới lặn”, bác sĩ Thang nói.
Sự quyết tâm của nhiều nhân viên y tế được ghi nhận, trong đó có người nhiều tuần chưa về nhà. Nam y tá Jiang sống ở một khách sạn sát bệnh viện, cho biết sẵn sàng truyền dịch cho 150 người trong một ca trực. Mỗi ngày, anh đều rèn luyện thể lực với ước mơ trở thành “nam y tá khỏe mạnh nhất Trung Quốc”. “Nếu chúng tôi có thể làm nhiều hơn, các đồng nghiệp khác sẽ có thêm chút thời gian nghỉ ngơi”, Jiang nói.
Môi trường đặc thù khiến các nhân viên y tế luôn đứng trước nguy cơ lây nhiễm. Nữ y tá Wang Zheng thừa nhận nỗi lo nhiễm bệnh, trong hoàn cảnh cô còn cha mẹ, con cái, còn chồng là bác sĩ cùng bệnh viện. Trong phim, phóng viên của đài CGTN ghi nhận trường hợp 14 y bác sĩ nhiễm virus sau ca phẫu thuật não cho một bệnh nhân.
Một mặt trận khác là các nhân viên tình nguyện, những người vận chuyển găng tay, các thiết bị bảo hộ. Khác y bác sĩ, nhóm này phải di chuyển nhiều trên đường phố, tiếp xúc nhiều người lạ. Theo nữ tình nguyện viên Wu, không phải gia đình nào cũng ủng hộ việc người thân giúp cộng đồng trong hoàn cảnh này, do chính họ có thể thành nguồn bệnh. Những gia đình chấp thuận sẽ cho tình nguyện viên sống cách ly, còn vợ hoặc chồng và con cái họ sống ở nơi khác.
Những người dân xuất hiện với thái độ tương đối lạc quan, một phần vì tác phẩm ghi hình từ cuối tháng 1 – thời điểm còn ít người bệnh hơn. Trong đó, một số người kể lại cách dịch bệnh, lệnh phong tỏa thay đổi cuộc sống của họ, từ sinh hoạt đời thường, sự gắn kết với người thân lẫn chuyện tình yêu. Không khí tổng thể của phim tài liệu là lạc quan, hướng đến sự tích cực. “Chiếc hộp Pandora chứa tai ương và bất hạnh đã mở ra, đem đến dịch bệnh, sợ hãi và ốm đau. Nhưng trong hộp vẫn còn một thứ là hy vọng. Chỉ cần còn hy vọng, chúng ta sẽ vượt qua”, bác sĩ Thang mượn truyện thần thoại Hy Lạp để nêu quan điểm.
Do phần lớn phim được ghi hình từ một tháng trước, ê-kíp bổ sung một số nội dung cập nhật vào đoạn cuối, chủ yếu về tình hình dịch và số phận một số người xuất hiện trước đó. Trên fanpage của kênh CGTN, nhiều khán giả bày tỏ đau lòng khi xem phim. “Những người bình thường nhất lại làm chúng ta cảm động nhất…”, “Gửi sự kính trọng tới những người chạy đua với virus”… Trên một nền tảng trực tuyến phát hành phim ở Việt Nam, nhiều khán giả cho biết họ ấn tượng về các cảnh quay hoạt động của nhân viên y tế. Tờ Hong Kong Commercial Daily khen phim tài liệu ấm áp và giàu tình yêu thương.
Dịch virus corona bùng phát từ tháng 12/2019. Đến ngày 25/2, có 80.088 người nhiễm toàn cầu, trong đó 2.699 người tử vong. Ở Trung Quốc, có 77.658 người nhiễm và 2.663 người tử vong.
Ân Nguyễn – Vnexpress