Theo Sixth Tone, ê-kíp – gồm nhà làm phim Lan Ba – đến Vũ Hán hồi tháng 1 để thực hiện một dự án khác. Nhưng vì dịch, họ phải hoãn công việc và bị kẹt lại. Các thành viên quyết định quay phim tài liệu kể lại những ngày sống trong thành phố.
Lan Ba nói: “Từ khi có lệnh phong tỏa, chưa phim nào ghi lại toàn bộ quang cảnh. Tôi cảm thấy đây là những hình ảnh quý giá, có ý nghĩa tham khảo về lịch sử, cũng như dùng cho các tài liệu về sau. Tôi hy vọng mọi người nói thật, đối diện với máy quay một cách thành thật”. Ông muốn tập trung vào cách những thường dân như: nhân viên sức khỏe, người tình nguyện bị ảnh hưởng vì dịch.
Mỗi ngày, nhà quay phim kiêm đạo diễn Tạ Đan đạp xe quanh thành phố, dùng điện thoại ghi lại tình hình. Họ quay trong chín ngày, tổng hợp thành phim tài liệu ngắn bốn phút, đặt tên Đêm trường Vũ Hán (Wuhan: The Long Night).
Ở mỗi cảnh, ê-kíp chú thích giờ và địa điểm ghi hình. Đường phố vắng lặng giống một “thành phố ma”, thỉnh thoảng lác đác người – đều đeo khẩu trang. Nhạc phim đẩy thêm cảm xúc về sự tịch mịch, trống trải. Ở một cảnh, người đàn ông đứng bên cửa sổ, hát My Motherland and Me như cách cổ vũ tinh thần. Đến nay, phim có hơn 300 triệu lượt xem trên Weibo.
Ifeng đăng phim kèm bình luận: “Vũ Hán, người nhà của chúng ta đổ bệnh. Vì rất đau, thành phố trở nên trầm lặng. Chúng ta nhất định chữa lành cho Vũ Hán”.
Dịch virus corona bùng phát từ tháng 12/2019. Đến chiều 19/2, toàn cầu có 75.227 người nhiễm và 2.012 người chết vì bệnh. Tâm dịch – thành phố Vũ Hán – bị phong tỏa từ ngày 23/1 để ngăn bệnh lan rộng. Ngoài phim tài liệu, tình hình thành phố được nhà văn Phương Phương kể lại qua nhật ký thu hút nhiều người quan tâm.
>> .
Ân Nguyễn – Vnexpress