Phát hiện khảo cổ tại An Khê gây chấn động giới nghiên cứu lịch sử

Các đại biểu tham dự hội thảo

Các nhà khoa học đánh giá cao giá trị chân xác, khoa học di tích khảo cổ với niên đại 800 nghìn năm ở An Khê (Gia Lai).

Ngày 30/3, tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế Kỹ nghệ Đá cũ An Khê trong bối cảnh các kỹ nghệ ghè 2 mặt ở Châu Á với sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học khảo cổ uy tín trong nước và quốc tế. Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến khoa học giá trị của các diễn giả, bước đầu khẳng định: An Khê mở đầu lịch sử loài người tại Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng,  Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cho biết, Kỹ nghệ Đá cũ An Khê bắt đầu hé lộ cách đây 5 năm. Thấy được tầm quan trọng của phát hiện khảo cổ này, tỉnh đã tạo những điều kiện tốt nhất để các nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế thực hiện công trình nghiên cứu khảo cổ trong suốt 5 năm qua. Từ đó, đã thu được những kết quả ngoài mong đợi với những bằng chứng khoa học xác thực và được các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế thừa nhận. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để tỉnh thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất này.

“Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là dịp tổng kết kết quả 5 năm khai quật và nghiên cứu. Cũng là cơ sở, luận chứng  khoa học để tỉnh Gia Lai đề nghị lập hồ sơ di tích lịch sử, văn hóa. Từ đó, có những định hướng tổng thể, đồng bộ cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản khảo cổ đá ở An Khê.”,Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai nhấn mạnh.

Công trình nghiên cứu của các nhà khoa học khảo cổ Việt Nam và Liên bang Nga từ năm 2015 tới nay đã phát hiện 23 điểm di tích sơ kỳ Đá cũ ở thung lũng An Khê. Các nhà khoa học cũng đã thu được hơn 3.000 hiện vật và gần 700 mảnh thiên thạch nằm trong tầng văn hóa nguyên vẹn với niên đại khoảng 800 nghìn năm.

Tham dự hội thảo, Giáo sư, Viện sĩ Derevianko Anatoly, Viện hàn lâm khoa học Liên bang Nga cho biết, ông đã có nhiều năm nghiên cứu ở nhiều nơi như Mông Cổ, Kazakhstan và đã phát hiện nhiều di tích Đá cũ. Tuy nhiên, phát hiện di tích Đá cũ ở An Khê có sự khác biệt và cổ xưa hơn rất nhiều:

“Những phát hiện ở An Khê có sự khác biệt về loại hình cũng như chất liệu và tính chất văn hóa. Phát hiện ở An Khê là một điểm thể hiện ở một cấp độ khác, nó cổ xưa hơn rất nhiều và chiếm một vị trí rất quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử nhân loại.”  Giáo sư, Viện sĩ Derevianko Anatoly nói.

Hội thảo Kỹ nghệ Đá cũ An Khê trong bối cảnh các kỹ nghệ ghè 2 mặt ở Châu Á đã được nghe nhiều bài tham luận có giá trị về khoa học. Các nhà khoa học, các diễn giả cũng đã tranh luận sôi nổi về di tích, về kỹ nghệ công cụ đá, về niên đại các điểm khảo cổ cũng như các hiện vật.

Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối, Quyền Viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam cho biết, những đánh giá ban đầu của các nhà khoa học, kỹ nghệ đá cũ An Khê có nét cổ xưa hơn so với di tích các sơ kỳ khác trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ. Các nhà khoa học đánh giá cao giá trị chân xác, khoa học di tích khảo cổ với niên đại 800 nghìn năm ở An Khê. Điều này là vô cùng có ý nghĩa trong nghiên cứu lịch sử con người Việt Nam và thế giới:

          Băng: “Khu di tích An Khê là một trong những khu di tích quý hiếm ở Đông Nam Á và Châu Á. Với niên đại 800 nghìn năm cách ngày nay thì đánh dấu nhận thức mới về lịch sử Việt Nam. Trước đây thì xác định ở Núi Đọ thì chỉ có 30-40 vạn năm, hiện nay với phát hiện này thì niên đại đã gấp đôi. ở Đông Nam Á và Châu Á thì những kỹ nghệ như ở An Khê thì rất hiếm. Cho nên phát hiện An Khê đóng góp vào sự nhận thức chung về tiền sử, sự tiến hóa của con người.”./.

Công Bắc/VOV- Tây Nguyên

Để lại một bình luận