Khi Tổng thống Emmanuel Macron tuyên chiến với Covid-19 vào tháng ba, ông cam kết nước Pháp sẽ bảo vệ y bác sĩ, những “chiến sĩ” trên tuyến đầu chống dịch, và cung cấp cho họ “vũ khí, áo giáp” để đối phó với kẻ thù vô hình.
Nhưng trên thực tế, các y bác sĩ Pháp rơi vào tình cảnh gần như “tay không tấc sắt” để có thể tự bảo vệ mình. Kho dự trữ khẩu trang quốc gia gần như cạn kiệt, trong khi sự phụ thuộc quá nhiều vào các nhà máy ở nước ngoài khiến Pháp không thể tăng cường khả năng sản xuất nội địa các mặt hàng bảo hộ y tế, kit xét nghiệm, máy thở, nhiệt kế hay thuốc hạ sốt để điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Ngay cả bây giờ, khi Pháp bắt đầu nới phong tỏa, họ không đảm bảo có đủ nguồn cung trong những tuần tới để đối phó nếu làn sóng lây nhiễm thứ hai ập đến.
Pháp từ lâu đã xác định khẩu trang là mặt hàng không thể thiếu nếu đại dịch xảy ra, nhưng chính phủ gần như đã ngừng dự trữ chúng trong suốt thập kỷ qua, chủ yếu vì lý do ngân sách. Họ cũng không chú trọng sản xuất trong nước và phần lớn ngành công nghiệp dược phẩm của nước này đặt dây chuyền ở nước ngoài.
Pháp quyết định không cần duy trì các kho dự trữ lớn trong nước, vì các nhà máy có thể sản xuất rất nhanh, đặc biệt là ở Trung Quốc, Bộ trưởng Y tế Olivier Véran nói tại quốc hội hồi tháng ba.
Tuy nhiên, quy mô và tốc độ lây lan của nCoV đã cho thấy đây chỉ là ảo tưởng. Khi đang hồi phục sau dịch, Trung Quốc, nhà sản xuất khẩu trang hàng đầu thế giới, “ngập đầu” trong những đơn đặt hàng. Ấn Độ, nước xuất khẩu thuốc hàng đầu, cấm xuất khẩu vì sợ thiếu hụt trong nước.
Khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, cả chính phủ trung ương và địa phương Pháp nháo nhào tìm mua vật tư trực tiếp từ Trung Quốc và các nơi khác. Chính phủ còn điều máy bay đến Trung Quốc để chở hàng, cho thấy tình thế tuyệt vọng và sự phụ thuộc vào hàng hóa sản xuất ở nước ngoài.
Pháp ghi nhận gần 180.000 ca nhiễm, trong đó hơn 28.000 người chết, là một trong những nước có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới, cao hơn 60% so với Mỹ. Đối với nhiều chuyên gia, tình cảnh của Pháp là hệ quả của việc chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài – quá trình vốn đã làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng và thúc đẩy các cuộc biểu tình bạo lực, như phong trào Áo vàng.
Đầu những năm 2000, Đức chỉ có lợi thế hơn một chút so với Pháp trong sản xuất và xuất khẩu kit xét nghiệm PCR, được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay để phát hiện nCoV, và thiết bị trợ thở. Nhưng đến năm 2018, Đức có thặng dư thương mại 1,4 tỷ USD với kit xét nghiệm PCR, trong khi Pháp thâm hụt 89 triệu USD.
Trong khi Đức có thể nhanh chóng huy động ngành công nghiệp của mình để chống lại đại dịch, Pháp bị tê liệt. Họ không thể thực hiện xét nghiệm quy mô lớn vì thiếu que lấy mẫu bệnh phẩm và hóa chất, những thứ có giá trị thấp nhưng rất quan trọng vốn được gia công tại châu Á.
“Pháp đã phi công nghiệp hóa quá nhiều kể từ những năm 2000. Giờ họ phải trả giá”, Philippe Aghion, nhà kinh tế giảng dạy tại Đại học Harvard, nói.
Trong một nghiên cứu chưa được công bố, Aghion và các nhà kinh tế tại Đại học Tự do Brussels nhận thấy các quốc gia có khả năng tự sản xuất kit nghiệm và các dụng cụ liên quan như Đức và Áo ghi nhận ít ca tử vong hơn.
Ở Pháp, ngay cả hàng hóa cơ bản cũng thiếu hụt. Các hiệu thuốc hết nhiệt kế. Nguồn cung paracetamol, loại thuốc giảm đau phổ biến, thấp đến mức chính quyền phải hạn chế bán.
Nhà máy cuối cùng sản xuất paracetamol ở châu Âu là ở Pháp, gần thành phố Lyon, nhưng nó đã đóng cửa vào năm 2008, theo Viện Dược phẩm Quốc gia Pháp. Viện từ lâu đã cảnh báo về sự phụ thuộc ngày càng tăng vào các nhà sản xuất thuốc của nước ngoài, nhấn mạnh rằng 60-80% hoạt chất dược phẩm ở châu Âu là hàng nhập khẩu, so với 20% ba thập kỷ trước.
“Chính phủ không làm gì để ngăn chặn xu hướng này”, chuyên gia Marie-Christine Belleville từ Viện Dược phẩm Quốc gia Pháp, nói.
Thực tế, cảnh báo đã được đưa ra suốt nhiều năm qua. Sau dịch SARS ở châu Á năm 2003, các quan chức Pháp đã phân tích nguy cơ và quyết định xây dựng kho dự trữ quốc gia khẩu trang và các vật tư khác được sản xuất nội địa, tiếp nối truyền thống của ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh từ thời Thế chiến II, vốn giúp Pháp xuất khẩu tiêm kích Rafale, tàu ngầm, tàu quét mìn và khu trục hạm ra khắp thế giới.
Năm 2006, chính phủ Pháp đưa ra kế hoạch đề phòng đại dịch, đề xuất một loạt biện pháp, bao gồm lập ra các kho dự trữ khẩu trang. Một năm trước đó, Bộ Y tế Pháp ký hợp đồng 5 năm để mua 180 triệu khẩu trang mà Bacou-Dalloz, khi đó là nhà sản xuất khẩu trang lớn nhất ở Pháp, sản xuất tại nhà máy ở Plaintel, cách Paris khoảng 450 km.
NYTimes thu được một bản sao hợp đồng, cho thấy tư duy chiến lược của chính phủ Pháp vào thời điểm đó: Đảm bảo có một nhà cung cấp trong nước sẽ giúp Pháp tránh phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu có nguy cơ bị gián đoạn trong đại dịch.
Theo hợp đồng, chính phủ Pháp sẽ thay mới số khẩu trang hết hạn trong kho dự trữ. Nếu đại dịch xảy ra, chính phủ có thể trưng dụng dây chuyền sản xuất của nhà máy. Chính phủ là “khách hàng độc quyền bao tiêu toàn bộ sản phẩm của nhà máy ở Plaintel”, cựu giám đốc nhà máy Jean-Jacques Fuan nói.
Năm 2008, chính phủ Pháp công bố sách trắng, lần đầu tiên coi các đại dịch là mối đe dọa quốc gia tiềm tàng, xếp thứ tư sau khủng bố, chiến tranh mạng và tấn công tên lửa đạn đạo. “Trong 15 năm tới, đại dịch có thể xảy ra”, sách trắng cảnh báo. “Nó có thể rất dễ lây lan, gây chết người và có thể xuất hiện thành từng đợt trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng”.
Nhưng ngay sau đó, nhiều chính trị gia chỉ trích chính sách dự trữ khẩu trang và thuốc là lãng phí. Khoảng 383 triệu USD được chi trong năm 2009 để mua 44 triệu mũi tiêm phòng cúm H1N1 đã gây ra bê bối chính trị khi chưa đến 9% người Pháp được tiêm phòng.
Năm 2013, Pháp ra chỉ thị mới, nhấn mạnh tiết kiệm và giảm tầm quan trọng của kho dự trữ. Khẩu trang phẫu thuật được dự trữ, trong khi FFP2, loại có khả năng bảo vệ tốt hơn nhưng có giá đắt gấp 10 lần, thì không.
Chính quyền cũng chuyển giao trách nhiệm cùng chi phí mua và dự trữ khẩu trang cho các đơn vị công và tư nhân. Điều này góp phần dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng mà Pháp gánh chịu trong những tháng gần đây, do các quan chức chính phủ ít tham gia vào vấn đề này.
Chính sách mới cũng làm suy yếu khả năng tự sản xuất khẩu trang của Pháp. Khi phải tự dự trữ khẩu trang, các bệnh viện đương nhiên sẽ tìm kiếm các nhà cung cấp rẻ hơn ở nước ngoài. Để tiết kiệm chi phí, chính phủ đặt những đơn đặt hàng lớn mà chỉ các nhà máy Trung Quốc mới có thể đáp ứng, cựu thượng nghị sĩ Francis Delattre cho biết.
“Các nhà máy nhỏ của Pháp mất đơn đặt hàng”, Delattre nói. “Thật nguy hiểm khi chỉ giao phó trách nhiệm bảo vệ sức khỏe của cả đất nước cho một hoặc hai tập đoàn Trung Quốc”.
Mất đi khách hàng duy nhất của mình là chính phủ, nhà máy sản xuất khẩu trang ở Plaintel, nơi từng hoạt động 24 giờ một ngày, phải thu hẹp quy mô và cuối cùng đóng cửa năm 2018.
Khi khẩu trang hết hạn sử dụng bị loại bỏ, kho dự trữ khẩu trang quốc gia của Pháp đã giảm từ 1,7 tỷ chiếc năm 2009 xuống còn 150 triệu chiếc hồi tháng ba. Và khi “kẻ thù vô hình” hoành hành khắp nước Pháp, quốc gia sản xuất những khí tài hiện đại hàng đầu thế giới lại không thể tự làm ra được đủ khẩu trang.
“Khủng hoảng này khiến chúng ta phải coi y tế là lĩnh vực chiến lược, cần được chú ý giống như quốc phòng”, Arnaud Danjean, nhà lập pháp châu Âu, nói. “Chúng ta không được ‘vũ trang’ đầy đủ để chống lại nó”.
Phương Vũ (Theo NYTimes) – Vnexpress