Phân lập thành công 200 kháng thể chống nCoV

Nhóm nghiên cứu phân lập thành công kháng thể đơn dòng có khả năng chống lại nCoV từ tế bào lympho B trong máu người bệnh hồi phục.

Các nhà khoa học thuộc viện Y học, Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) hợp tác với Bệnh viện Nhân dân Thâm Quyến, phân tích toàn diện các phản ứng của kháng thể bảo vệ người bệnh mắc Covid-19 trong giai đoạn hồi phục.

Mô hình kháng thể ngăn chặn protein bề mặt và thụ thể của nCoV, không cho xâm nhập vào tế bào cơ thể. Ảnh: Tsinghua Univerisity
Mô hình kháng thể ngăn chặn protein bề mặt và thụ thể của nCoV, không cho xâm nhập vào tế bào cơ thể. Ảnh: Tsinghua University

Sử dụng công nghệ phân tích kháng thể với độ chính xác cao, công nghệ phân lập và đánh giá kháng thể, nhóm nghiên cứu phân lập thành công hơn 200 kháng thể đơn dòng chống lại nCoV và gene mã hóa của chúng từ các tế bào lympho B trong máu người bệnh phục hồi.

Đây là vũ khí tự nhiên của cơ thể được tạo ra trong quá trình virus xâm nhập vào cơ thể, giúp nhận biết protein bề mặt của nCoV, ngăn chặn hiệu quả virus xâm nhập vào tế bào người, nghiên cứu cho biết. Một số kháng thể đã được chứng minh khả năng trung hòa hiệu quả cao, làm giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng lây nhiễm của nCoV. 

Tế bào lympho B là các tế bào chuyên phụ trách sản sinh và tiết ra các kháng thể trong cơ thể, đóng vai trò chính trong việc chống lại nhiễm trùng, khối u và các bệnh tự miễn. Về mặt số lượng, kháng thể có thể chiếm khoảng 20% tổng lượng protein trong huyết tương và theo quá trình lưu thông máu để liên tục phát hiện các virus xâm nhập từ bên ngoài cơ thể, từ đó ức chế và tiêu diệt virus. Phản ứng miễn dịch bảo vệ được cơ thể tạo ra sau khi tiêm vaccine, nhờ tế bào lympho B phân tiết ra kháng thể, đặc biệt là các kháng thể có khả năng trung hòa.

Sự hình thành các tế bào lympho B đòi hỏi một quá trình phức tạp về sự hình thành, phát triển trong cơ thể. Làm thế nào để hiểu và vận dụng quá trình này để tối đa hóa chức năng miễn dịch của con người chống lại quá trình lây nhiễm là vấn đề trọng tâm và khó khăn nhất.

Nhóm nghiên cứu Trung Quốc. Ảnh: Tsinghua University
Nhóm nghiên cứu Trung Quốc. Ảnh: Tsinghua University

Trong vài năm qua, nhóm đã thực hiện nghiên cứu chuyên sâu một số bệnh do virus gây ra. Họ phát hiện sự phối hợp giữa tế bào lympho B và tế bào lympho T đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể. Đặc biệt trong nghiên cứu về tế bào lympho B, sử dụng công nghệ tiên tiến nhất để phát triển và tối ưu hóa nền tảng nghiên cứu kháng thể. Trong một thời gian ngắn có thể sàng lọc, phân lập và thu được một lượng lớn kháng thể hiệu quả cao từ một lượng máu nhỏ. Kháng thể kháng virus và gene mã hóa  đặt nền tảng vững chắc cho những nghiên cứu chống virus sau này.

Hiện nhóm nghiên cứu đang làm việc với Giáo sư Wang Xinquan (người có kinh nghiệm nghiên cứu SARS-CoV), tại Trường Khoa học Đời sống, Đại học Thanh Hoa để tiến hành nghiên cứu cấu trúc và hệ thống chức năng các kháng thể này để sàng lọc các kháng thể vượt trội, nghiên cứu động vật tiền lâm sàng và phát triển ứng dụng lâm sàng sau đó.

Nguyễn Xuân (Theo Chinascience Techdaily) – Vnexpress