Pakistan từ chối tiết lộ loại máy bay được triển khai trong trận không chiến lớn với Ấn Độ, nhưng khẳng định phi đội F-16 không tham chiến.
“Chúng tôi đã nắm được thông tin cho rằng Pakistan dùng tiêm kích F-16 để bắn hạ chiến đấu cơ Ấn Độ. Chúng tôi sẽ xem xét nghiêm túc mọi cáo buộc sử dụng vũ khí quốc phòng sai mục đích”, Guardian dẫn lời phát ngôn viên đại sứ quán Mỹ tại Pakistan hôm qua phát biểu trong một cuộc họp báo.
Hợp đồng mua bán tiêm kích F-16 giữa Washington và Islamabad đi kèm hàng loạt điều khoản hạn chế, trong đó Mỹ yêu cầu loại máy bay này chỉ được sử dụng cho mục đích “tăng cường khả năng thực hiện các chiến dịch chống khủng bố của Pakistan”. Việc triển khai F-16 tham gia không chiến với Ấn Độ được coi là hành động vi phạm thỏa thuận, khiến Pakistan có thể đối mặt với biện pháp trừng phạt từ Mỹ.
Quan chức quốc phòng Ấn Độ tuần trước trưng bày mảnh vỡ tên lửa có dòng chữ “AIM-120C-5”, loại vũ khí đối không tầm trung do Mỹ chế tạo và được trang bị cho tiêm kích F-16 Pakistan, cáo buộc đây là quả đạn đã bắn hạ chiếc MiG-21 hôm 27/2.
Islamabad sau đó bác bỏ thông tin và từ chối tiết lộ những chiến đấu cơ đã tham gia trận đánh. Nước này khẳng định một tiêm kích đã khóa mục tiêu vào phi cơ Ấn Độ để răn đe, sau đó phóng tên lửa xuống cánh đồng trống để tránh gây thương vong.
Xung đột vũ trang giữa Pakistan và Ấn Độ bùng lên sau khi không quân Ấn Độ sáng 26/2 tiến hành không kích địa điểm được cho là trại huấn luyện khủng bố Jaish-e-Mohammed ở bên kia Đường Kiểm soát, biên giới thực tế giữa Ấn Độ và Pakistan tại khu vực tranh chấp Kashmir. Jaish-e-Mohammed là nhóm Hồi giáo chịu trách nhiệm cho vụ đánh bom tự sát hôm 14/2 ở thành phố Srinagar khiến 44 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Islamabad đóng cửa toàn bộ không phận từ hôm 27/2, sau khi nổ ra trận không chiến lớn nhất giữa Pakistan và Ấn Độ kể từ năm 1971 trên bầu trời khu vực tranh chấp Kashmir. New Delhi tuyên bố triển khai 8 tiêm kích các loại để đánh chặn 24 chiến đấu cơ Pakistan đang tìm cách đáp trả, bắn hạ một tiêm kích F-16 và mất một máy bay MiG-21. Phi công Ấn Độ nhảy dù xuống lãnh thổ Pakistan và bị bắt, sau đó được Islamabad trả tự do vào đêm 1/3 để giảm căng thẳng.
Vũ Anh (VnExpress)