Ông Trần Văn Minh: Đà Nẵng vận dụng sáng tạo chính sách đất

Trong khi VKS khẳng định lãnh đạo Đà Nẵng phạm luật khi giảm 10% tiền sử dụng đất, cựu chủ tịch Trần Văn Minh cho rằng đó là “vận dụng sáng tạo”.

Từ 2/1 đến 4/1, ba ngày làm việc đầu của phiên xét xử 21 người liên quan sai phạm trong mua, bán nhà, đất công ở Đà Nẵng gây thiệt hại 22.000 tỷ đồng tại TAND Hà Nội, người bị hỏi nhiều nhất là cựu chủ tịch UBND Đà Nẵng Trần Văn Minh.

Theo cáo trạng, là người giữ cương vị cao nhất tại Đà Nẵng giai đoạn 2006-2011, ông Minh ký 6 văn bản chỉ đạo chủ trương quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước qua việc sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất công sản; cho phép giảm 10% tiền sử dụng đất, cho chuyển đổi tên người nhận quyền sử dụng đất…

VKSND Tối cao kết luận, nội dung này trái với Nghị định 61 ngày 5/7/1994 về mua bán và kinh doanh nhà ở, Quyết định số 09/2007 ngày 19/1/2007 của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước và các quy định của pháp luật về đất đai. 

Các văn bản do ông Minh ký đã tạo điều kiện cho bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Vũ “Nhôm”) thâu tóm nhiều dự án bất động sản và nhà, đất công sản tại những vị trí thuận lợi, có giá trị sinh lợi cao tại Đà Nẵng mà không qua đấu giá quyền sử dụng đất. Việc này gây thiệt hại đặc biệt lớn đối với ngân sách Nhà nước, làm mất niềm tin của nhân dân và gây bức xúc trong xã hội.

Trình bày quan điểm, ông Minh cho rằng, đây là chủ trương của Đà Nẵng từ nhiệm kỳ chủ tịch trước là ông Nguyễn Bá Thanh, Hoàng Tuấn Anh. Thừa nhận việc ký 6 văn bản như cáo trạng quy kết, song ông giải thích việc giảm 10% tiền sử dụng đất chỉ áp dụng khi nộp một lần trong vòng 30 hoặc 60 ngày. Quy định cho chuyển đổi tên người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng kèm theo điều kiện các bên phải hoàn thành nghĩa vụ, chính sách với thành phố.

Cựu chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh. Ảnh: Giang Huy
Cựu chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh trong ngày khai mạc phiên toà, 2/1. Ảnh: Giang Huy

Theo ông Minh, nội dung giảm 10% được ban hành dựa theo “căn cứ nguyên tắc” là Nghị định 38/2000 cho phép nộp một lần giảm 20%. UBND Đà Nẵng vì thế “áp dụng giảm 10%” và cho rằng việc này “vẫn lời cho ngân sách”.

Đại diện VKS bác bỏ và cho hay Nghị định 38 hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai năm 1993. Còn việc chuyển nhượng 22 nhà, đất công sản xảy ra trong năm 2004-2014, vì thế phải áp dụng Luật Đất đai 2003.

Công tố viên khẳng định, theo Nghị định 198 ban hành năm 2004 thay thế Nghị định 38 nêu trên, người mua tài sản nhà nước không qua đấu giá thì không được giảm tiền sử dụng đất.

Ông Minh biện giải: “Đúng là Nghị định 38 hết hiệu lực năm 2004 song Đà Nẵng có Quyết định 13 của Thủ tướng cho cơ chế riêng trên cơ sở Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị”.

Nêu quan điểm về việc này, công tố viên cho rằng các cơ quan tố tụng đang làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật hình sự, áp dụng Bộ luật Hình sự chứ không theo Nghị quyết nào khác. “Các bị cáo là cấp dưới của bị cáo đều thừa nhận vi phạm; khẳng định các chủ trương, quyết định, chỉ đạo của bị cáo đều vi phạm pháp luật”.

Tuy nhiên, ông Minh vẫn lập luận, những việc trên xảy ra hơn 10 năm trước, đã được các cơ quan trung ương thống nhất không xem xét xử lý kỷ luật với tập thể ban cán sự đảng UBND Đà Nẵng nhiệm kỳ 2005-2010 và 2011-2015. “Khi Thanh tra Chính phủ kiểm tra những sai phạm của Đà Nẵng cũng đặt vấn đề về sai phạm giảm 10%. Thành phố có giải trình gửi Thanh tra Chính phủ, Chính phủ… Sau đó, Uỷ ban kiểm tra có báo cáo 191 về chủ trương giảm 10%, trong đó nói có sai sót nhưng cũng có tính sáng tạo, mang lại hiệu quả”.

Nhiều lần giải thích chính sách giảm 10% bản chất không phải là giảm giá đất mà là “phương thức thu tiền sử dụng đất, kích thích họ nộp tiền luôn thay vì 5 năm mới nộp”, ông Minh khẳng định đây là chính sách được “tập thể bàn bạc kỹ”.

Tuy nhiên, giám định viên Tư pháp Bộ Xây dựng có mặt tại toà cho biết việc giảm 10% tiền sử dụng đất trong chính sách áp dụng với 22 nhà, đất công sản giao cho Phan Văn Anh Vũ trong vụ án này là trái Nghị định 61.

Trước lập luận của VKS và đại diện giám định tư pháp, ông Minh giữ nguyên lời khai cho rằng: Các chính sách của Đà Nẵng giai đoạn đó là “sự sáng tạo”.

Hôm nay, chủ nhật 6/1, phiên toà vẫn tiếp tục phần thẩm vấn.

Bảo Hà – Vnexpress