Ông nông dân miền Tây mê trồng lúa tím

25 năm mày mò nghiên cứu, ông Phạm Văn Nhựt (Phong Mỹ, Giồng Trôm) đã lai tạo thành công 10 giống lúa, trong đó có lúa tím xuất xứ Nhật Bản.

Một trưa những ngày cuối năm, ông Ba Nhựt đầu trần, da ngăm đen, đi chân đất tiếp khách đến nhà bằng nụ cười giòn tan. “Mày ngồi chơi, tao đang bận sửa cái máy cày để chuẩn bị cho vụ sau”, ông tươi cười lý giải cho hai bàn tay đang dính đầy dầu nhớt theo đúng kiểu “Hai lúa” miền Tây.

Bên trong căn nhà của ông nông dân 54 tuổi, giấy khen, bằng khen các loại treo kín trên tường. Ở một góc nhà, chiếc tủ kính trưng bày hàng chục hộp nhựa, bên trong chứa các mẫu lúa giống được ông cẩn thận dùng bút lông viết tên từng loại lên những mảnh giấy nhỏ.

30 năm trước, huyện Giồng Trôm chỉ có gần 5.000 ha đất lúa, chiếm gần 30% diện tích nông nghiệp. Do người dân quen trồng cây lúa bản địa giống đã thoái hóa, năng suất vì thế rất bấp bênh.

Ông Phạm Văn Nhựt bên đồng lúa tím 3 ha, xuất xứ Nhật Bản. Ảnh: Hoàng Nam
Ông Phạm Văn Nhựt bên đồng lúa tím 3 ha, xuất xứ Nhật Bản. Ảnh: Hoàng Nam.

Ba Nhựt khi ấy mới 23 tuổi, vừa hoàn thành nghĩa vụ về, được mời làm việc ở một số cơ quan tỉnh, nhưng ông lắc đầu, xua tay bảo đã quen với ruộng đồng, làm nhà nước đau đầu.

Năm 1995, Trung tâm Giống nông nghiệp Bến Tre phối hợp với Đại học Cần Thơ mở lớp tập huấn lai tạo giống lúa ở địa phương, ông là một trong những nông dân đầu tiên đăng ký. Sau ba tháng theo học, cộng với kinh nghiệm làm ruộng sẵn có, ông đánh liều thử phục tráng giống lúa OC10 bản địa vốn đã thoái hóa với 3.000 m2 đất. Nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia trường đại học, hai năm sau, dự án thành công. Như được tiếp thêm động lực, ông tiếp tục mở rộng thêm diện tích lên 3 ha, sau đó bán giống thuần chủng cho dân địa phương.

Suốt 10 năm sau đó, ông Nhựt tiếp tục lai tạo thành công hàng chục giống lúa mới chất lượng cao, kháng sâu bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Từ vài ha, ông vận động người dân tham gia tổ sản xuất với tổng diện tích 15 ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng chục tấn lúa giống.

Đất không phụ người, năm 2013, dự án Hợp tác Fares tổ chức tại Bạc Liêu họp tổng kết, giống lúa của ông là Phong Mỹ 1 vinh dự là một trong ba bộ giống toàn khu vực phía Nam được công nhận và cho phép sản xuất đại trà, đưa vào bản đồ nông nghiệp trồng lúa của Đồng bằng sông Cửu Long.

Ba Nhựt kể, trình độ chỉ hết lớp 12, nhưng do đam mê với cây lúa, hay tin ở đâu có giống lúa mới lạ, xa cỡ nào ông cũng quyết tâm bỏ thời gian đến đem giống về lai tạo thử.

Gạo tím giá khoảng 35.000 đồng mỗi ký, không bón phân, thuốc hóa học. Ảnh: Hoàng Nam
Gạo tím hữu cơ giá khoảng 35.000 đồng mỗi ký, không bón phân, thuốc hóa học. Ảnh: Hoàng Nam.

5 năm trước, một người quen đem tặng ông một ít hạt giống lúa, gạo có màu tím, xuất xứ Nhật Bản. Sau hai năm trồng thử lúa tím, khi đã thành công, cho năng suất 4 tấn mỗi ha, ông Ba Nhựt chịu thua lỗ khi lúa nằm kho, không bán được vì nông dân thấy màu gạo “quá lạ”.

“Mỗi lần làm giống lúa gì mới là ổng mê lắm, tối ngày ở trong nhà lưới, quên hết mọi thứ xung quanh, cưng lúa hơn cưng vợ, mấy lần đầu thất bại tôi phải bán con bò nái để bù lỗ”, vợ ông Nhựt tươi cười nhớ lại.

Không bỏ cuộc, lão nông đem loại gạo tím đến từng hàng quán mời dùng thử, nhiều người sau đó thấy gạo ngon mới bắt đầu đặt mua. Ông cho biết, loại lúa tím mỗi năm làm được ba vụ, mỗi vụ ba tháng, được trồng theo phương pháp hữu cơ, không dùng phân thuốc hóa học mà chỉ dùng phân chuồng ủ hoai.

“Lúa tươi bình thường khoảng 5.500 đồng mỗi ký, còn lúa tím hữu cơ khoảng 8.500 đồng mỗi ký, chênh lệch chưa nhiều nhưng rất an toàn cho sức khỏe, ít tốn nhiều công chăm sóc”, ông Nhựt lý giải.

Năm ngoái, 3 ha lúa tím hữu cơ của ông được thương lái đặt mua hết từ trước khi thu hoạch. Ba Nhựt dự kiến vụ năm nay mở rộng diện tích lên 5 ha. Hiện ông liên kết với nông dân các địa phương như Vĩnh Long, Tiền Giang ký hợp đồng mở rộng vùng nguyên liệu thêm 25 ha.

Tiếng lành đồn xa, năm ngoái, “kỹ sư chân đất” được một công ty mời sang Lào tập huấn kỹ thuật trồng lúa cho nông dân nước bạn với mức lương 1.000 USD mỗi tháng.

Ngoài hai lần được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, Ba Nhựt cũng là một trong 15 nông dân của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long – Đại học Cần Thơ tôn vinh danh hiệu “Nhà nông lai chọn giống lúa và bảo tồn đa dạng sinh học” giai đoạn năm 2010 – 2015.

Mẫu giống lúa tím được ông Phạm Văn Nhựt bảo quản trong hộp nhựa. Ảnh: Hoàng Nam
Mẫu giống lúa tím được ông Phạm Văn Nhựt bảo quản trong hộp nhựa. Ảnh: Hoàng Nam.

Hiện với cơ ngơi hơn 4 ha đất, tổ sản xuất lúa giống 15 ha cùng đàn bò 20 con, mỗi năm lão nông thu nhập ngót nghét 300-400 triệu đồng. 

“Bên Lào nông dân họ còn nghèo, nhưng rất ít xài phân thuốc hóa học như ở mình, là cái rất đáng học hỏi, tao đang nhờ người thuê đất bên đó, năm sau sẽ sang làm lúa hữu cơ”, lão nông nói.

Hoàng Nam – Vnexpress