– Theo ông, ưu và nhược điểm của Việt Nam ở trận hòa UAE là gì?
– Tôi bằng lòng với một điểm có được trận ra quân. Thứ nữa là một số vị trí, trong đó có thủ môn Bùi Tiến Dũng chơi chắc chắn, đúng với kỳ vọng vốn có. Một số cầu thủ khác từng thi đấu ở Thường Châu như Quang Hải, Thành Chung, Đình Trọng chơi tròn vai, thể hiện được bản lĩnh ở sân chơi số một châu Á dành cho cầu thủ trẻ. Điều cuối cùng cần khen ngợi là tinh thần thi đấu. Việt Nam chơi kiên cường đến tận phút cuối, thậm chí có cơ hội rõ nét từ Quang Hải rồi Tiến Linh, tiếc là không có bàn thắng.
Cảm nhận chung là Việt Nam chơi chưa thật tốt, nói như dân chuyên môn là không đạt điểm rơi phong độ, cả về thể lực lẫn tinh thần. Tôi để ý thấy khả năng bứt tốc và va chạm của nhiều cầu thủ Việt Nam thua sút so với SEA Games 30. Nhiều vị trí bị căng cứng, thiếu tự tin. Khi đối phương pressing rát, họ bị cuống và không có phương án triển khai chuẩn xác lên phía trên.
Những khó khăn này một phần đến từ UAE. Ở cấp đội tuyển, họ đã vào bán kết Asian Cup 2019. Ở cấp trẻ, họ từng thắng chúng ta ở trận tranh HC đồng Asiad 2018. Đó là nền bóng đá hàng đầu châu Á. Trước trận ra quân gặp UAE, nhiều người kỳ vọng vào một chiến thắng, bởi thầy trò Park Hang-seo vừa giành HC vàng SEA Games một cách thuyết phục. Tuy nhiên, thực tế là trình độ châu Á và Đông Nam Á quá khác biệt. Chưa kể, đá trận đầu tiên ở một giải lớn bao giờ cũng khó khăn.
– Vũ khí của Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo là những miếng đánh biên không được thể hiện ở trận gặp UAE. Nguyên nhân là vì đâu?
– Không chỉ những vị trí đá biên, tôi thấy có sự chênh lệch khá rõ giữa nhóm cầu thủ trụ cột ở SEA Games 30 và phần còn lại. Bóng đá là kết quả chung của 11 con người, và chỉ cần hai hoặc ba vị trí chơi dưới sức, thành tích toàn đội bị giảm sút là đương nhiên.
Nói riêng về những cầu thủ đá biên, đây là vị trí quan trọng nhất trong sơ đồ ba trung vệ. Chúng ta thấy ở đội tuyển, ông Park luôn mặc định hai suất đá chính thuộc về Trọng Hoàng và Văn Hậu. Họ tiếp tục chinh chiến SEA Games 30 ở những vị trí này, dù ông có điều chỉnh trong giải như bó Văn Hậu vào đá trung vệ hay đẩy Trọng Hoàng lên đá tiền vệ phải. Có thể nói, nếu hai vị trí đá biên không chơi tốt, đội đá ba trung vệ rất khó mở rộng không gian chơi bóng theo chiều rộng, đồng thời gặp nguy cơ bị đối phương khép chặt tại trung lộ.
Việt Nam bị như vậy vào đầu hiệp hai, và có vài phen thót tim. HLV Park Hang-seo đã điều chỉnh bằng cách tung Trọng Hùng vào thay Đức Chiến, đẩy Việt Anh vào đá tiền vệ trung tâm. Tuy nhiên, Trọng Hùng không phát huy được điểm mạnh tấn công khi vào sân. Điều ấy khiến Việt Nam dứt điểm nhiều nhưng lại ít pha nguy hiểm thực sự. Cũng phải nói thêm là các gương mặt mới chưa có tâm lý vững vàng. Thành thử, nhiều động tác thực hiện bị lỗi nhịp hoặc thiếu chuẩn xác.
– Một nửa số cầu thủ Việt Nam ở miền Bắc, nơi đang có mùa đông lạnh. Đội lại vừa tập huấn ở Hàn Quốc trở về, và phải làm quen với khí hậu nóng ở Thái Lan. Điều này ảnh hưởng thế nào tới thể lực của các cầu thủ?
– Tôi từng dẫn đội U23 Việt Nam tập huấn ở Italy, và phát hiện ra là cầu thủ Việt Nam hợp với khí hậu lạnh. Họ, nhất là những người quê phía Bắc, dẻo dai hơn, chậm xuống sức hơn khi chơi bóng ở nhiệt độ thấp. Đó có thể là nguyên nhân khiến thầy trò Park Hang-seo chơi ngang ngửa ở hai trận tứ kết và bán kết tại Thường Châu, trong suốt 120 phút.
Phải là những chuyên gia theo sát đội tuyển mới có thể kết luận chính xác về sự ảnh hưởng của thời tiết tới thể lực cầu thủ. Nhưng xem qua tivi, tôi thấy nhiều cầu thủ vã mỗ hôi như tắm trong trận gặp UAE. Đối thủ có nền tảng thể lực tốt, cộng với tâm lý đá với đội á quân U23 châu Á, họ đương nhiên có nhiều động lực và quyết tâm hơn bình thường.
– Có nhiều so sánh giữa lứa U23 hiện tại với thế hệ từng vào chung kết ở Thường Châu cách đây hai năm. Quan điểm của ông như thế nào?
– Ngày ấy, tôi từng phân tích về nguyên nhân dẫn tới kỳ tích Thường Châu, trong đó nhấn mạnh là nhiều cầu thủ Việt Nam lúc đó đá chính thường xuyên ở V-League. Dù ông Park mới nắm đội tuyể, lứa cầu thủ này dễ dàng nắm bắt được triết lý của thầy mới, nhờ sự cọ xát liên tục và kinh nghiệm tích lũy dần dần qua các giải đấu quốc tế.
Rất khó để so sánh hai thế hệ cầu thủ với nhau, bởi người làm bóng đá trẻ thường phải dựa “nguyên liệu đầu vào” là cầu thủ từ các tuyến dưới, sau đó lựa chọn lối chơi phù hợp. Mỗi lứa cầu thủ có một cái hay riêng. Chẳng hạn như lứa Thường Châu, các em đa phần chơi kỹ thuật, có tốc độ, nhưng thể hình nhỏ bé. Còn lứa hiện tại, thể hình rất tốt, có nhiều cầu thủ cao trên 1m80, nhưng động tác xử lý chưa thật nhanh, dễ bị đối phương bắt bài. Lứa này khi đá SEA Games 30 đã đi thẳng tới tấm HC vàng mà không gặp khó khăn gì nhiều, bởi thể hình vượt trội. Nhưng khi gặp UAE, một đội cũng có thể hình tốt, ưu thế ấy mất đi.
Lứa U23 ở Thường Châu quy tụ thành viên chủ yếu của ba lò là Hà Nội, HAGL và một số nữa từ SLNA, Viettel. Các cầu thủ chơi cùng tuyến có hiểu biết sẵn từ cấp CLB, chẳng hạn như ba trong năm hậu vệ đều của Hà Nội (Duy Mạnh, Đình Trọng, Văn Hậu). Lứa năm nay đa dạng hơn. Chúng ta có Thanh Thịnh ở Đà Nẵng, Tấn Sinh ở Quảng Nam, Tấn Tài ở Bình Dương… Họ cần thêm thời gian để hiểu nhau.
So về lối chơi, Việt Nam tại Thường Châu đá mềm mại hơn, và luôn tiềm ẩn sự nguy hiểm mỗi khi đưa được bóng vào quanh cấm địa đối phương. Đó là thứ khiến chúng ta được xem là kỵ rơ với các đội Tây Á. Trong khi đó, đội năm nay chủ động và có ý đồ rõ ràng ở các tình huống cố định. Cái thiếu của các em, như tôi nói ở trên, là kinh nghiệm. Có nhiều thời điểm trong trận gặp UAE, chúng ta bị dồn ép và lép vế ở thời lượng kiểm soát bóng. Dù vậy, đây mới là trận đầu, lại gặp đội mạnh nhất bảng, Việt Nam còn thời gian để hoàn thiện mình.
Thắng Nguyễn – Vnexpress