Ông Nguyễn Thành Tài khóc khi nói lời sau cùng

Cựu Phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài dựa hai tay vào bàn để đứng vững, nhận hết lỗi về mình, khóc khi nhắc đến mẹ và nhận là đứa con bất hiếu.

Trưa 19/9, phiên xử ông Nguyễn Thành Tài, 68 tuổi, và đồng phạm về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí kết thúc phần tranh tụng, các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi toà nghị án.

Video minh hoạ lời nòi cuối cùng ông Tài
Ông Nguyễn Thành Tài nói đây là trải nghiệm “vô cùng nghiệt ngã và cay đắng”. Video: Nguyễn Điệp.
   

Là người cuối cùng được toà gọi, giọng ông Tài run rẩy, nói rất xấu hổ khi cuối đời phải chịu cảnh vô cùng nghiệt ngã. Ông nhắc việc tham gia cách mạng, hơn 55 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng và nhiều lần đối mặt cái chết khi tham gia giải phóng Sài Gòn – Gia Định.

Bị cáo nói không đổ lỗi cho ai, sẽ chịu trách nhiệm khi vi phạm pháp luật. Giờ phút này, ngay cả khi phát hiện mình làm chưa tốt, ông đã cố gắng hết sức để bảo vệ lợi ích chung của đất nước.

“Dĩ nhiên kết quả có thể không như tôi mong đợi. Qua sự việc này tôi biết đã gây ra lo lắng cho xã hội, đặc biệt là các đồng đội của tôi, về việc phải chăng phẩm chất của một người được trui rèn trong lửa đỏ chiến tranh đã suy thoái hết?”, ông Tài nêu vấn đề, rồi khẳng định: “Tôi không có động cơ trục lợi, không chủ tâm làm chuyện xấu để hưởng lợi”.

Người thân khóc, ôm ông Nguyễn Thành Tài trước khi các bị cáo được đưa về trại giam, trưa 19/9. Ảnh: Hữu Khoa.
Người thân khóc, ôm ông Nguyễn Thành Tài trước khi các bị cáo được đưa về trại giam, trưa 19/9. Ảnh: Hữu Khoa.

Cựu Phó chủ tịch TP HCM cho biết, sau khi về hưu dành 8-9 năm cho công việc giảng dạy. Dù lương thấp nhưng ông cảm thấy hạnh phúc bởi có thể truyền đạt lại những kinh nghiệm thành công và thất bại cho thế hệ sau.

Nhiều lần nghẹn giọng, ông Tài gửi lời xin lỗi đầu tiên đến người mẹ 97 tuổi. “Mẹ tôi đưa tiễn 4 đứa con tham gia kháng chiến, giờ chỉ còn lại tôi. Mẹ tôi giống như ngọn đèn dầu sắp tắt”, ông nói.

Bị cáo cũng gửi lời xin lỗi các lão thành cách mạng, xin lỗi tất cả người dân, đặc biệt là người Sài Gòn: “Tôi muốn nói với đồng bào rằng, Nguyễn Thành Tài, đứa con của Sài Gòn – Gia Định, của TP HCM, không bao giờ phản bội lại lý tưởng của mình, không bao giờ đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Nhưng là một đảng viên, tôi sẽ nhận trách nhiệm trước thiếu sót, lỗi lầm đã gây ra. Tôi mong HĐXX xem xét cả công và tội để có bản án thấu lý, đạt tình”.

Video minh hoạ lời cuối cùng bà Thuý
Bị cáo Thuý nói lời sau cùng. Video: Nguyễn Điệp.
   

Trước đó, bị cáo Lê Thị Thanh Thuý (41 tuổi, Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm, Công ty CP Đầu tư Lavenue) cảm ơn VKS đã không xem việc mình đưa tiền cho ông Tài (đi chữa bệnh) là tiền hối lộ.

“Tôi là doanh nhân nhưng cũng là mẹ của hai đứa nhỏ, những ngày qua đã tạo ra vết sẹo cho hai bé đến hết cuộc đời”, Thuý nghẹn giọng, rồi cho rằng bản thân không làm bất cứ điều gì phải hổ thẹn với lương tâm.

“Lời nói sau cùng của tôi cũng là lời thỉnh cầu HĐXX công tâm nghiên cứu các chứng cứ, mâu thuẫn giữa các quyết định, cũng như bối cảnh thực tế bất cập thời bấy giờ… để có bản án khách quan, thấu tình đạt lý nhất”, bị cáo nói.

Bị cáo Lê Thị Thanh Thuý ra xe về trại giam, trưa 19/9. Ảnh: Hữu Khoa.
Bị cáo Lê Thị Thanh Thuý ra xe về trại giam, trưa 19/9. Ảnh: Hữu Khoa.

Bày tỏ sự hối tiếc, bị cáo Trương Văn Út (cựu Phó phòng Quản lý đất, Sở Tài Nguyên và Môi trường) cho rằng do nhận thức không đúng, không hiểu hết quyết định của Thủ tướng và của thành phố. “Bị cáo chỉ là người soạn văn bản. Mức án VKS đề nghị với bị cáo là quá nặng…”, ông Út nói và xin toà cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ khi lượng hình.

Tương tự, bị cáo Nguyễn Hoài Nam (Trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài Nguyên – Môi trường; cựu Bí thư quận 2) xin HĐXX xem xét. Trong hơn 25 công tác, ông nhận thấy mình không suy thoái, tiêu cực; nhận mình không nguy hiểm cho xã hội. Trong vụ án, bị cáo làm sai là theo chỉ đạo, không hưởng lợi hay có động cơ cá nhân.

Nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Đào Anh Kiệt mong toà có quyết định công bằng với mình vì “ảnh hưởng đến cả cuộc đời”.

Sáng mai, 20/9, toà tuyên án.

Bị cáo Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, tại toà sáng 19/9. Ảnh: Hữu Khoa.
Bị cáo Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường, tại toà sáng 19/9. Ảnh: Hữu Khoa.

Sau 4 ngày xét xử, VKS giữ nguyên quan điểm truy tố, cho rằng bị cáo Lê Thị Thanh Thúy lợi dụng mối quan hệ tình cảm với ông Tài, gửi văn bản cho Công ty Quản lý Kinh doanh nhà, tự nhận Hoa Tháng Năm là công ty “có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, nhà hàng, khách sạn, có năng lực tài chính” để xin tham gia dự án.

Trên cương vị Phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM, ông Tài biết rõ khu đất “vàng” rộng 5.000 m2 tại 8-12 Lê Duẩn, quận 1, thuộc sở hữu Nhà nước nhưng do muốn đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và mối quan hệ cá nhân với Thúy nên đã ký nhanh và ký nhiều văn bản sai quy định, khiến khu đất chuyển dịch từ tài sản Nhà nước qua cho tư nhân, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho ngân sách.

Tuy nhiên, hậu quả vụ án được ngăn chặn kịp thời, khu đất được thu hồi trả lại cho Nhà nước, chỉ còn hơn 4,7 tỷ đồng thiệt hại chưa thu hồi… nên có thể áp dụng mức án dưới khung hình phạt cho các bị cáo.

Theo đó, ông Nguyễn Thành Tài bị đề nghị mức án 8-9 năm tù; Thúy 7-8 năm tù; Đào Anh Kiệt 6-7 năm tù; Nguyễn Hoài Nam 5-6 năm tù; Trương Văn Út 3-4 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị tòa hủy quyết định giao và cho thuê khu đất 8-12 Lê Duẩn, buộc Công ty Lavenue giao trả khu đất cho thành phố.

Bào chữa cho các bị cáo, luật sư cho rằng vụ án chưa gây thiệt hại, đề nghị HĐXX xem xét lại cáo buộc của VKS, áp dụng khoản 1 Điều 29 miễn trách nhiệm hình sự cho ông Tài và đồng phạm.

Quốc Thắng – Vnexpress