Cựu danh thủ Thể Công hài lòng với màn trình diễn và kết quả 2-2 của Việt Nam ở lượt đi chung kết AFF Cup 2018 với Malaysia.
– Ở chung kết lượt đi AFF Cup 2018, HLV Park Hang-seo đã sử dụng hai cầu thủ chưa đá chính lần nào tại giải là Huy Hùng và Đức Chinh. Ông đánh giá như nào về cách bố trí nhân sự này?
– HLV Park Hang-seo có cái lý của mình khi sắp xếp như vậy. Đức Chinh là một tiền đạo có tốc độ, tì đè và làm tường tốt. Ở mặt trận phòng ngự, cậu ấy có thể pressing tuyến phòng ngự Malaysia ngay trên phần sân đối phương nhờ thể lực và sức trẻ. Ông Park có thể muốn sử dụng Đức Chinh như dạng một “chim mồi”, để nhả những đường bóng lại cho tuyến hai băng lên dứt điểm, giống như cách Văn Đức dọn cỗ cho Đức Huy nâng tỷ số lên 2-0. Một khả năng nữa khi sử dụng Đức Chinh, đó là ông Park muốn giữ sức cho tiền đạo chủ lực Anh Đức. Chúng ta đều biết, Malaysia có thể lực rất tốt. Trong những phút cuối trận, họ chứng tỏ được ưu thế này trước Việt Nam. Với thể thức đá chung kết lượt đi và về, một HLV cần phải tính toán làm sao để cầu thủ chơi tốt cả hai trận, chứ không phải bung hết sức trong 90 phút là xong. Tôi nghĩ, nhiệm vụ chính của Đức Chinh khi làm khách của Malaysia là quấy phá. Bằng chứng là khi thay cầu thủ này, HLV Park Hang-seo cũng sử dụng một tiền đạo trẻ là Tiến Linh để ngăn không cho Malaysia tăng sức ép lên phần sân Việt Nam.
Về vị trí của Huy Hùng, tôi nghĩ cũng là xứng đáng. Cậu ấy đã được làm quen với không khí ở AFF Cup khi hai lần vào sân từ ghế dự bị. Ở trận bán kết lượt về, Huy Hùng được đá khoảng 30 phút. Như thế có nghĩa, ông Park đã tính tới khả năng sử dụng cầu thủ này từ trước, và tạo cho học trò cơ hội bắt nhịp với đồng đội. Huy Hùng là một tiền vệ phòng ngự đúng nghĩa, khi kết hợp với Đức Huy sẽ tạo thành bức tường vững chắc trước hàng thủ. Thực tế cho thấy, tiền vệ này không những hoàn thành nhiệm vụ đánh chặn, phòng ngự từ xa mà còn xuất sắc ghi bàn mở tỷ số.
– Có nhiều người tỏ ra tiếc nuối khi Việt Nam dẫn hai bàn từ sớm nhưng lại chỉ có được kết quả hòa 2-2. Ông nghĩ sao về điều này?
– Nếu bỏ qua diễn biến trận đấu, hòa có bàn thắng trên sân Bukit Jalil là kết quả tốt. Thái Lan thậm chí đã không thể ghi bàn ở đây, trong một trận đấu họ có phần lép vế trước chủ nhà. Tỷ số 2-2, theo tôi, đáng để khích lệ bởi Việt Nam đã gặp không ít bất lợi từ khách quan trước trận. Chúng ta phải thích nghi với sự thay đổi thời tiết, phải đối mặt với sự cuồng nhiệt từ hơn 80.000 CĐV… Ngoài ra, trước khi bóng lăn vài tiếng, trời đổ mưa khiến mặt sân sũng nước, ngăn cản lối chơi thiên về kỹ thuật của Việt Nam. Chính bởi mặt sân không tốt khiến Công Phượng đỡ hỏng bước một trong một tình huống tấn công ở hiệp hai, và hàng thủ chúng ta gặp khó khăn khi truy cản những đường treo bóng bổng hoặc sút xa của Malaysia.
Một điểm đáng khích lệ nữa của Việt Nam là tinh thần thi đấu. Có thể nói, các cầu thủ đã cố gắng giảm thiểu những tác động bên ngoài. Ngoài ra, khi bị gỡ hòa 2-2, họ không rơi vào trạng thái hoảng loạn. Việt Nam vẫn bình tĩnh triển khai đấu pháp mà ban huấn luyện đề ra, dù những phút cuối, thể lực chúng ta bị đuối và để Malaysia dồn ép.
– Ông đánh giá thế nào về sự ổn định của bộ ba trung vệ Ngọc Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh sau khi Việt Nam lần đầu tiên nhận hai bàn thua một trận tại AFF Cup 2018?
– Đúng là vì Việt Nam chưa tìm ra cách hóa giải cho những pha treo bóng bổng. Hậu vệ của chúng ta có thể che chắn tốt, ngăn không cho đối phương xuống biên tạt vào, cũng có thể chọn vị trí và bọc lót hợp lý khi bóng được rót từ hai biên. Nhưng ở các tình huống cố định, phạt góc hoặc đá phạt sát đường biên, việc kèm người còn thiếu sót và mất tập trung. Bàn thua đầu tiên là ví dụ. Chúng ta hoàn toàn bỏ quên Shahrul Saad, để trung vệ này thoải mái băng lên từ phía sau và dứt điểm thành bàn.
Tuy nhiên, nếu nói hậu vệ Việt Nam chơi không tốt, e là khiên cưỡng. Chúng ta chỉ để lọt ở những tình huống cố định. Ngoại trừ bàn thua từ chân Patrick Reichelt ở bán kết lượt đi, ba lần thủng lưới còn lại của Việt Nam đều xuất phát từ bóng chết. Trong khi đó, những tình huống bóng sống, hậu vệ Việt Nam đã chơi tuyệt vời. Tôi ấn tượng nhất với trung vệ Đình Trọng tối 11/12. Cậu ấy chơi lăn xả, quả cảm, đọc bài rất tốt. Nhiều tình huống, Đình Trọng bị quây bởi hai, ba cầu thủ áo vàng trong cấm địa Việt Nam, nhưng vẫn bình tĩnh che bóng, tìm người rồi mới chuyền, thay vì phá vu vơ lên phía trên. Một điểm sáng nữa là Văn Lâm. Nếu không nhờ phản xạ xuất thần của thủ thành này trong những phút bù giờ, lưới của Việt Nam đã có thể rung lên lần thứ ba.
– Anh Đức không được vào sân tối qua, dù là tiền đạo chủ lực của Việt Nam ở giải lần này. Đâu là nguyên nhân?
– Trong triết lý của ông Park, không ai là chính thức và chẳng ai là dự bị. Cầu thủ nào cũng được trao cơ hội, tùy thuộc vào điểm mạnh của họ, và đối thủ Việt Nam sẽ gặp. Việc sử dụng cầu thủ của ông Park chỉ nhằm một mục đích duy nhất là đảm bảo thắng lợi cho toàn đội. Anh Đức là một tiền đạo giỏi, có phong độ cao tại AFF Cup 2018, nhưng có thể những tố chất của anh ấy không phù hợp với mục tiêu hoặc chiến thuật mà HLV đề ra tối qua. Một lý do khác, có thể là ông Park để dành Anh Đức cho lượt về. Cậu ấy đã đá chính cả hai trận gặp Philippines. Tôi nhớ ở lượt về, Anh Đức được thay ra sau chừng một giờ đồng hồ. Với một cầu thủ 33 tuổi, chơi với cường độ bốn ngày một trận, đồng thời phải di chuyển liên tục, rất khó để họ đảm bảo thể lực sung mãn trong mọi trận đấu.
– Trong bảy trận đã đấu ở AFF Cup 2018, Việt Nam là đội mở tỷ số sáu lần. Đâu là nguyên nhân giúp thầy trò Park Hang-seo nhập cuộc tốt đến vậy?
– Người ta thường nói “biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”. Mấu chốt vấn đề là ông Park rất hiểu cầu thủ. Ông ấy thuyết phục được từng VĐV rằng ai nên đá trước, ai nên đá sau, và chứng minh bằng kết quả thực tiễn trên sân. Khi có trong tay những kết quả thuận lợi, HLV vừa có thêm tự tin để toan tính những trận kế tiếp, vừa có sự nể phục từ cầu thủ. Ví dụ trận gặp Malaysia vừa rồi, ai cũng nghĩ là Đức Chinh dứt điểm không tốt, nhưng đặt một người khác thay cậu ấy, chắc gì người đó đã nhìn thấy cơ hội hoặc đủ tốc độ băng lên từ những đường chuyền tuyến dưới. Nhiệm vụ của tiền đạo là ghi bàn, nhưng ở một trận đấu cụ thể, có thể họ sẽ phải sắm những vai khác.
– Từng là một cầu thủ và chơi nhiều trận quan trọng, ông có cho rằng Việt Nam đã đánh mất sự tập trung sau khi dẫn hai bàn sớm?
– Đúng là sau khi dẫn 2-0, cầu thủ Việt Nam có nhiều pha bóng xử lý không khéo, chẳng hạn tình huống đối mặt của Đức Chinh, hoặc trong hiệp hai là pha phạm lỗi của Văn Hậu dẫn đến bàn thua thứ hai. Tuy nhiên, tôi nghĩ cầu thủ mình không hề chủ quan. Đã vào đến trận đấu này, bản thân mỗi người đều tự tích lũy được sự dày dạn. Họ đủ khôn ngoan để nhận ra rằng dẫn hai bàn chưa thể nói lên điều gì. Ngay cả ở đẳng cấp cao nhất, một đội khi dẫn hai, ba bàn vẫn có thể thua ngược, ví dụ như Real Madrid gặp Juventus ở Champions League mùa trước. Cầu thủ đẳng cấp cao còn như vậy, và khó có thể nói là họ đã chủ quan.
Dưới góc độ cầu thủ, tôi nghĩ thế này: Khi dẫn bàn, nhất là với cách biệt 2-0, sự tập trung của cầu thủ phải nhân đôi so với khi tỷ số cân bằng. Bởi lúc ấy, đối thủ bị dồn vào thế chân tường và sẽ bung ra mọi thứ họ có, thay vì chơi thăm dò như tính chất của một trận chung kết. Tôi biết, HLV Park Hang-seo thường ra sát đường biên và hét lớn bằng tiếng Việt: “Tập trung, tập trung, tập trung” để học trò tránh xao nhãng. Việt Nam ở AFF Cup 2018, tôi nghĩ là rất hay rồi, nhưng ở từng thời điểm riêng biệt, chúng ta chưa biết cách tăng sự tập trung. Như lời HLV Park Hang-seo phát biểu sau trận, Việt Nam cần phải mổ băng trận đấu, đặc biệt là những bàn thua để rút kinh nghiệm.
– Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng Việt Nam đánh mất lợi thế dẫn hai bàn trên sân khách vì đội hình có quá nhiều cầu thủ trẻ?
– Việt Nam đã chơi phản công rất tốt trong nhiều giải đấu, nhiều trận đấu. Như vậy, không thể nói các cầu thủ này đá hay là phong độ nhất thời. Những miếng chuyền vượt tuyến từ phần sân nhà lên thẳng cho tiền đạo, tôi nhớ đã xem từ vòng chung kết U23 châu Á 2018. Khi ấy trung vệ Tiến Dũng nhiều lần đưa Quang Hải hoặc Công Phượng vào thế trống trải, đủ khả năng tạo cơ hội thành bàn. Ở trận gặp Malaysia, Việt Nam đâu có chuyền vượt tuyến ngay từ đầu. Phải tới khi hậu vệ Malaysia bắt đầu nôn nóng dâng cao, Văn Hậu mới mở đường bóng dài lên cho Văn Đức, trước khi Huy Hùng mở tỷ số. Không riêng gì tôi, nhiều người có chuyên môn cao như HLV Ong Kim Swee cũng phải thừa nhận, Việt Nam đá hay. Đó mới là cái được lớn nhất của một đội tuyển quốc gia. Chúng ta chơi có bài bản, có tổ chức, phòng ngự, tấn công nhịp nhàng, và biết cách giành kết quả tốt. Còn chuyện thắng thua cụ thể trong một trận, nó bao gồm nhiều yếu tố, trong đó có cả may mắn.
Thắng Nguyễn (VnExpress)