Ông Nguyễn Bắc Son có cơ hội thoát án chung thân?

Luật sư Vũ Quang Đức cho rằng việc gia đình ông Son nộp 66 tỷ đồng không phải là tình tiết giảm nhẹ mới để tòa phúc thẩm giảm án cho cựu bộ trưởng.

Theo luật sư, cơ hội được giảm từ chung thân xuống án tù có thời hạn của ông Son phụ thuộc vào việc HĐXX phúc thẩm nghiên cứu hồ sơ, áp dụng các tình tiết. Vụ án này có nhiều tài liệu mật, thậm chí tối mật mà chỉ HĐXX mới được quyền tiếp cận.

Việc gia đình giúp bị cáo Son khắc phục 66 tỷ đồng nhận hối lộ đã được áp dụng làm tình tiết giảm nhẹ ở phiên sơ thẩm vì thế không là tình tiết mới ở phiên phúc thẩm. Tuy nhiên, HĐXX có quyền đánh giá lại nếu cho rằng cấp sơ thẩm áp dụng “chưa tương xứng”.

Ngày 7/1, gần 10 ngày sau kết thúc phiên sơ thẩm, TAND Hà Nội đã nhận được đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son với lý do án tù chung thân là “quá nặng”.

Trong đơn, ông Son nhiều tình tiết giảm nhẹ như có nhiều thành tích, cống hiến trong công tác; hơn 45 năm chiến đấu, cống hiến trong quân ngũ; chiến đấu ở ba chiến trường, huy hiệu 40 tuổi Đảng… Ở giai đoạn điều tra, ông đã thành khẩn khai nhận hành vi nhận hối lộ và nay đã khắc phục hết hậu quả. Hơn nữa, ông bước sang tuổi 67, sức khỏe yếu. 

Son xin được sống
Ông Sơn xin được khoan hồng trong lời nói sau cùng, ngày 24/12/2019.

Đánh giá cơ hội được giảm án của ông Son, luật sư Vũ Tiến Vinh (Hà Nội) cho biết tòa án cấp phúc thẩm sẽ chỉ xem xét sửa bản án hay giảm một phần hình phạt cho bị cáo khi xuất hiện tình tiết giảm nhẹ mới mà chưa được xem xét ở cấp sơ thẩm. Trong khi đó tại bản án sơ thẩm, TAND Hà Nội công bố đã áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ với cựu bộ trưởng như: có nhiều thành tích, có huân huy chương, sức khoẻ yếu, gia đình có công cách mạng… 

Tại phiên phúc thẩm, ông Son có thể nêu thêm tình tiết ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo (trước đó chối tội), bồi thường, khắc phục hậu quả, bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt (nếu có)… Tuy nhiên, những tình tiết mới đó phải có ý nghĩa, giá trị nhất định trong tương quan vụ án thì có cơ hội được xem xét.

Hơn nữa, tòa án phúc thẩm có chấp nhận kháng cáo hay không còn tùy thuộc vào kết quả xét hỏi.

Ông Nguyễn Bắc Son sau khi nhận bản án tù chung thân, ngày 28/12/2019. Ảnh: Giang Huy.
Ông Nguyễn Bắc Son sau khi nhận bản án tù chung thân, ngày 28/12/2019. Ảnh: Giang Huy.

Ông Son là một trong 14 bị cáo tại vụ án MobiFone mua AVG gây thiệt hại cho nhà nước gần 6.600 tỷ đồng. Trong 15 ngày kể từ khi có bản án sơ thẩm (28/12/2019), các bị cáo có quyền kháng cáo. Hiện, TAND Hà Nội xác nhận đã có đơn kháng cáo của ông Son và cựu phó tổng MobiFone Nguyễn Mạnh Hùng.

Theo điều 346 Bộ luật Tố tụng hình sự, với vụ án do TAND Cấp cao thụ lý, thời hạn mở phiên phúc thẩm là 90 ngày kể từ ngày toà nhận hồ sơ.

Điều 345 quy định, trong phạm vi xét xử, tòa án cấp phúc thẩm xem xét phần nội dung của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết, có thể xem xét các phần khác của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị.

Tuyên án Son, Trà, Hải
Tòa sơ thẩm tuyên án với ông Son và cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn, ngày 28/12/2019.

Bảo Hà – Vnexpress