Ông Mai Tiến Dũng: ‘Rừng thủ tục phiền hà đã được cắt giảm’

Tổ công tác của Thủ tướng đã kịp thời phát hiện nhiều bất cập, chồng chéo về cơ chế, chính sách, cắt giảm “rừng thủ tục” là rào cản gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng – trả lời báo chí về những kết quả đạt được của Tổ công tác sau gần 5 năm hoạt động.

– Sau gần 5 năm hoạt động, Tổ công tác của Thủ tướng đã đạt được những kết quả nổi bật nào, thưa ông?

– Sau gần 5 năm hoạt động, chúng tôi đã tiến hành 104 cuộc kiểm tra; tổ chức 16 buổi làm việc với các cơ quan, Hiệp hội doanh nghiệp trong nước và một số Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, để lắng nghe, nắm bắt những khó khăn về cơ chế, chính sách, rào cản hành chính mà doanh nghiệp đang gặp phải.

Qua đó góp phần giúp các bộ, cơ quan, địa phương chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động, theo đúng quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”. Đồng thời, kết quả xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo sự minh bạch trong hoạt động của các cơ quan hành chính. Chính phủ điện tử đã thay đổi, cải tiến căn bản lề lối, phương thức làm việc thông qua ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hướng tới một nền hành chính hiện đại, hiệu quả, phi giấy tờ.

Một số hệ thống thuộc Chính phủ điện tử đã được xây dựng, vận hành, bước đầu có những kết quả tích cực. Trục liên thông văn bản quốc gia giúp tiết kiệm được hơn 1.200 tỷ đồng mỗi năm. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến khoảng 8.000 tỷ đồng mỗi năm, trong đó riêng Cổng Dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng mỗi năm.

Bên cạnh đó, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ e-Cabinet giúp tiết kiệm chi phí khoảng 169 tỷ đồng mỗi năm. Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng tiết kiệm khoảng 460 tỷ đồng mỗi năm…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: VT
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: VT

– Tổ công tác đã góp phần vào việc giảm chồng chéo, giảm văn bản nợ đọng ra sao?

Với 21 cuộc kiểm tra chuyên đề, chúng tôi đã kịp thời phát hiện nhiều quy định bất cập, chồng chéo về kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, cần được bãi bỏ.

Từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay, 87 luật, nghị định, thông tư về kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh được rà soát, sửa đổi, bổ sung và thay thế, để cắt giảm 3.893 điều kiện kinh doanh và 6.776 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Ngoài ra, 1.501 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành có chồng chéo đã được các bộ, ngành có phương án xử lý.

Các cuộc làm việc, kiểm tra có tác động lan tỏa, tạo áp lực, thúc đẩy các bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt thực hiện nhiệm vụ được giao ngày càng nghiêm túc, hiệu quả hơn. Kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao chuyển biến rõ nét, ngày càng thực chất, năm sau tiến bộ hơn năm trước, đáp ứng yêu cầu cả về tiến độ và chất lượng.

Đầu năm 2016, số nhiệm vụ quá hạn chiếm tới 25,3%. Đến tháng 12/2016 – chỉ sau khi Tổ công được thành lập được 4 tháng, đã kéo giảm tỉ lệ nợ đọng nhiệm vụ xuống còn 2,82%. Đến nay, tỉ lệ nợ đọng nhiệm vụ còn 1,7%.

Các cuộc kiểm tra chuyên đề về bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, tháo gỡ, khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đã kịp thời phát hiện nhiều bất cập, chồng chéo về cơ chế, chính sách; những rào cản liên quan đến thể chế, chính sách; những khoảng trống pháp lý cần khẩn trương ban hành để đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước.

Những nỗ lực và kết quả đạt được nêu trên góp phần quan trọng nâng cao thứ hạng của Việt Nam trên các xếp hạng quốc tế. Đơn cử, theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới, Việt Nam đứng thứ 70/190 quốc gia về môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016 – 2020.

Xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam giai đoạn 2018 – 2019 tăng 10 bậc, từ 77 lên 66/141 quốc gia. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020 của Việt Nam xếp thứ 42/131 quốc gia, nền kinh tế, giữ vị trí số một trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập.

– Thực trạng “quyền anh quyền tôi”, “rừng thủ tục” đã được giải quyết như thế nào trong gần 5 năm hoạt động của Tổ công tác? 

Tôi còn nhớ, tại cuộc kiểm tra các bộ, ngành do Tổ công tác tiến hành cuối tháng 8/2017 về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, thực tế được nêu ra là, để sản xuất mặt hàng chocolate cần 13 giấy phép, một mặt hàng nguyên liệu sản xuất bánh kẹo phải theo 4 văn bản của cùng một bộ…

“Rừng thủ tục” kiểm tra chuyên ngành khiến cộng đồng doanh nghiệp phải chi tới 14.300 tỷ đồng mỗi năm. Vào thời điểm đó, số mặt hàng chịu sự kiểm tra của 2-3 bộ rất lớn, lên tới 58% tổng số mặt hàng, trong khi thủ tục kiểm tra quá phức tạp…

Từ trước tới nay, cải cách chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Rất nhiều vấn đề thực tế như thế chúng tôi phải xử lý.

Với vai trò là Tổ trưởng Tổ công tác, khi làm việc tôi không thể tránh khỏi đụng đến “quyền anh, quyền tôi”. Nhưng với tinh thần làm việc khách quan, công tâm, đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, Tổ công tác rất thẳng thắn nêu rõ những kết quả tích cực và hạn chế, bất cập để các đơn vị điều chỉnh, khắc phục, xử lý dứt điểm.

Đặc biệt, với 21 cuộc kiểm tra chuyên đề của Tổ công tác về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm điều kiện kinh doanh, đã phát hiện nhiều chồng chéo không cần thiết, đang là rào cản cho doanh nghiệp. Thậm chí, có sự co kéo lợi ích, “quyền anh, quyền tôi” ngay trong một bộ và giữa các bộ. Tổ công tác đã quyết liệt kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo khắc phục tình trạng này. Ngoài 1.501 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành chồng chéo được xử lý, còn có 6.776 danh mục hàng hóa, 3.893 điều kiện kinh doanh không cần thiết được cắt giảm, giúp tiết kiệm 18 triệu ngày công mỗi năm, tương đương 6.300 tỷ đồng.

Vì vậy, tình trạng “quyền anh, quyền tôi” từng bước đã được chấn chỉnh, khắc phục. Tư duy xây dựng chính sách, pháp luật được đổi mới, cải cách, bảo đảm nguyên tắc minh bạch, hướng tới sự thống nhất, đồng bộ, tháo gỡ để phát triển. Việc quản lý từ thắt chặt chuyển sang tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích phát triển, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

– Sau gần 5 năm hoạt động của Tổ công tác, đến nay ông còn trăn trở điều gì? 

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, thì thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong nhiều lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp và vẫn là rào cản đối với doanh nghiệp. Hơn nữa, còn tình trạng cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh này nhưng lại “mọc” thêm thủ tục, điều kiện kinh doanh khác. Việc giải quyết thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực vẫn còn tình trạng quá hạn…

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị triển khai nghiêm túc, hiệu quả về cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi gắn với xây dựng Chính phủ điện tử. Đồng thời, các đơn vị có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản; không để nợ đọng sang năm sau; cắt giảm tối đa số lượng văn bản chi tiết.

Chúng tôi đề xuất Chính phủ giao Tổ công tác tiếp tục đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng, Chính phủ giao, nhất là về hoàn thiện thể chế; tháo dỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính.

Tháng 8/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định thành lập Tổ công tác do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng, hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng.

Chức năng của Tổ này là tham mưu, giúp Thủ tướng trong việc theo dõi, đôn đốc các cơ quan thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng; được Thủ tướng ủy quyền kiểm tra các bộ ngành, địa phương.

Viết Tuân – Vnexpress