Ông Đinh La Thăng phủ nhận chỉ định nhà thầu sai quy định

Ông Thăng 4 lần khẳng định “chỉ nhắc nhở về tiến độ”; mọi vấn đề thẩm định năng lực, chỉ định nhà thầu và giá thầu hoàn toàn do chủ đầu tư tự quyết.

Ngày 8/3, sau hơn 3 giờ cách ly với các bị cáo khác để lấy lời khai, ông Đinh La Thăng bị HĐXX triệu tập để xét hỏi về các sai phạm tại dự án Ethanol Phú Thọ.

Cựu chủ tịch PVN Đinh La Thăng trong phiên toà ngày 8/3. Đây là vụ án thứ 4, ông bị xét xử. Ảnh: TTXVN
Cựu chủ tịch PVN Đinh La Thăng trong phiên toà ngày 8/3. Đây là vụ án thứ 4, ông bị xét xử. Ảnh: TTXVN

Trong hai giờ khai và đối chất với các bị cáo khác, ông Thăng đều khẳng định “không liên quan” việc chỉ định nhà thầu không đủ năng lực cho dự án Ethanol Phú Thọ, dẫn đến thiệt hại 543 tỷ đồng, như cáo buộc của VKS Tối cao.

Với tư cách trưởng ban chỉ đạo các dự án nhiên liệu sinh học, ông khai, nhiệm vụ của mình chỉ là đôn đốc tiến độ thực hiện. Các nội dung khác, chủ đầu tư là Công ty CP hóa dầu nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) phải tự chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật. “Cụ thể, về gói thầu TK05 trị giá 59 triệu USD của Nhà máy Ethanol Phú Thọ, bị cáo không có bất kỳ chỉ đạo nào”, cựu chủ tịch Tập đoàn Dầu khí khai.

Trong khi đó, theo VKSND Tối cao, trước khi PVB tổ chức đấu thầu, ông Thăng chủ trì nhiều cuộc họp của PVN, định hướng “ưu tiên giao cho PVC” các công trình trong ngành dầu khí. Ông biết rõ liên danh nhà thầu của PVC không đủ năng lực, song trong cuộc họp ngày 7/5/2009, vẫn chỉ định nhà thầu này thực hiện dự án, thay vì mở đấu thầu rộng rãi.

Trước cáo buộc này, ông Thăng thừa nhận có chủ trì, tham gia một số cuộc họp “nhưng những cuộc họp nào thì không nhớ”. Bị cáo khẳng định có giới thiệu PVC song không có bất kỳ văn bản nào giới thiệu hay ra nghị quyết “định hướng” để PVC làm nhà thầu chỉ định.

Theo ông Thăng, PVB là đơn vị độc lập, không thuộc PVN, nên chủ đầu tư này không có nghĩa vụ phải báo cáo việc lựa chọn nhà thầu cho PVN, cũng không có lý do gì phải làm theo chỉ đạo của ông. “Nhà thầu không đồng ý với giá chủ đầu tư đưa ra thì chủ đầu tư làm việc lại với nhà thầu, cái này tôi cũng từng có ý kiến”, ông Thăng quả quyết.

“Vậy tại sao trong cuộc họp ngày 7/5/2009, bị cáo lại đề nghị PVC nhận giá thầu 59 triệu USD?”, chủ toạ hỏi. Ông Thăng đáp: “Do thấy các bên đàm phán quá lâu về giá, nhưng nếu PVC không chấp nhận được giá đó thì PVB có quyền tìm nhà thầu khác, tôi không bắt buộc”.

Bị cáo Trần Thị Bình tham giá đối chất lời khai của ông Đinh La Thăng tại phiên xét xử chiều 8/3.
Bị cáo Trần Thị Bình đối chất lời khai của ông Đinh La Thăng. Ảnh: TTXVN

Trước nhiều câu trả lời “không liên quan” của bị cáo Thăng, HĐXX đã cho đối chất với bà Trần Thị Bình, cựu phó tổng giám đốc PVN. Bà Bình khẳng định, có nhận được văn bản kèm bút phê của ông Thăng với nội dung “đề nghị chị Bình chỉ đạo 2 đơn vị”, tức PVC và PVB. Ông Thăng cũng ghi rõ “PVC phải có nghị quyết tự nguyện nhận thầu giá 59 triệu USD”. Bà Bình vì thế phải làm theo chỉ đạo.

Trước đó, tại phần xét hỏi, bị cáo Vũ Thanh Hà, cựu thành viên HĐQT, Tổng giám đốc PVB cũng khai khi làm việc giới liên danh nhà thầu PVC để đánh giá các vị trí chủ chốt thực hiện, năng lực của thầu phụ, biện pháp kỹ thuật đều thấy không đạt yêu cầu.

PVB do đó có công văn báo cáo PVOil và PVN. Song trong cuộc họp ngày 7/5/2009, ông Thăng chỉ đạo “lấy tiêu chí giá là trên hết”, không bàn về việc khắc phục tồn tại về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu.

Nghe hết trả lời của các thuộc cấp, ông Thăng tiếp tục khẳng định “chỉ làm đúng trách nhiệm”. “Tôi nhắc lại ban chỉ đạo không làm thay việc của chủ đầu tư. Tôi không có quyền bắt chủ đầu tư PVB ký kết hợp đầu với nhà thầu nào”, ông phân trần lần thứ tư.

Theo cáo trạng, năm 2007 ông Thăng ký nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy sản xuất Ethanol khu vực phía Bắc. Cuối năm 2007, Công ty Cổ phần hoá dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) được thành lập để làm chủ đầu tư dự án, vốn điều lệ ban đầu hơn 405 tỷ đồng.

Tháng 8/2008, PVB và Công ty cổ phần thiết kế Công nghiệp hoá chất (CECO) ký hợp đồng tư vấn lập dự án đầu tư xây dựng công trình và hồ sơ mời thầu. Tháng 2/2009, dự án được phê duyệt xây dựng tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, thực hiện trong 18 tháng.

Thực hiện chỉ đạo của ông Thăng về việc chỉ định thầu, PVB không tổ chức đấu giá theo kế hoạch mà chuyển sang chỉ định thầu cho liên danh của PVC. Tháng 3/2013, PVC đơn phương dừng thi công dự án, chưa có hạng mục nào hoàn thành.

Cáo trạng xác định, biết PVC chưa từng thực hiện dự án nào về Ethanol và tình hình tài chính đang khó khăn, ông Thăng vẫn “quyết liệt” định hướng giao thầu cho PVC. Hành vi làm trái của ông Thăng, Thanh và các bị can dẫn đến thiệt hại cho PVB 543 tỷ đồng.

Thanh Vân – Phạm Dự – Vnexpress