Suốt vài thập kỷ qua, nhiều người đã nỗ lực hướng sự chú ý của dư luận Mỹ vào vai trò của cảnh sát trong xã hội, cũng như tình trạng phân biệt chủng tộc trong hệ thống tư pháp hình sự. Tuy nhiên, mãi tới khi hình ảnh George Floyd bị cảnh sát ghì chết lan truyền trên mạng xã hội, vấn đề mới được dư luận đồng cảm và các lãnh đạo chính trị lắng nghe.
Lưỡng đảng ở Mỹ đã đạt được sự đồng thuận hiếm hoi, rằng việc cải tổ lực lượng cảnh sát là hành động cần thiết để đáp ứng mong muốn của đông đảo công chúng hiện nay. Từ những quan chức thuộc đảng Cộng hòa tại các bang bảo thủ như Texas, tới các bang chiến trường như Wisconsin, hay những nghị sĩ tại Washington, dường như đều cố gắng đáp ứng lời kêu gọi thay đổi.
Các nghị sĩ Dân chủ hôm 8/6 công bố một dự luật cải tổ cảnh sát. Một ngày sau, phe Cộng hòa tại Thượng viện và Hạ viện cho biết họ dự định đưa ra những đề xuất cải cách riêng.
Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy còn bày tỏ sẵn sàng ủng hộ một số điều khoản trong dự luật của phe Dân chủ, như sử dụng ngân sách liên bang cho quá trình huấn luyện cảnh sát, giúp loại bỏ dễ dàng hơn những sĩ quan bị cáo buộc sai phạm, hay ngăn cảnh sát chuyển công tác giữa các thành phố để thoát cáo buộc trong quá khứ.
“Tôi muốn hành động và thấy được rằng chúng ta có luật pháp. Đã đến lúc làm việc này. Đây là thời điểm phải tìm ra chúng ta có thể cùng nhau đi đến đâu”, McCarthy trả lời tờ LA Times. Tại bang Texas, nơi Floyd trưởng thành, Thống đốc Greg Abbott dường như còn tiến xa hơn, khi liên hệ trực tiếp việc cải cách với vấn đề phân biệt chủng tộc.
“Tôi đã hứa với gia đình Floyd rằng những cuộc thảo luận về con đường phía trước sẽ không do giới chính trị gia tiếp quản, mà được dẫn dắt bởi các thành viên gia đình, những nạn nhân phải chịu đựng nỗi đau vì nạn phân biệt chủng tộc tồn tại quá lâu tại bang Texas, cũng như đất nước này”, Abbott phát biểu bên ngoài nơi tưởng niệm Floyd tại thành phố Houston, nói thêm rằng các hành động khác cũng đang được thực hiện nhằm đảm bảo không lặp lại sự việc tương tự.
Đảng Dân chủ lâu nay vẫn thúc đẩy cải tổ lực lượng cảnh sát. Họ từng phản đối tăng cường quân sự hóa lực lượng cảnh sát địa phương, đặc biệt sau các cuộc biểu tình hồi năm 2014 tại thành phố Ferguson, bang Missouri, vì vụ cảnh sát bắn chết thiếu niên da màu 18 tuổi Michael Brown.
Mặc dù vậy, một số cải cách từng được thực hiện kể từ đó vẫn không giúp giảm tỷ lệ người không có vũ khí bị cảnh sát giết chết. Do đó, các nhà hoạt động hiện nay đang thúc đẩy những thay đổi đáng kể hơn. Các phong trào đòi “cắt ngân sách” hay “giải tán” lực lượng cảnh sát phản ánh một số đề xuất quyết liệt được thúc đẩy ở cấp cơ sở.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố “sẽ không cắt giảm ngân sách và giải tán cảnh sát”. “Lực lượng cảnh sát giúp chúng ta sống trong yên bình. Đôi lúc bạn sẽ thấy những điều tồi tệ, nhưng tôi nghĩ 99% cảnh sát là những người tuyệt vời và họ đã làm được các công việc kỳ tích”, ông cho hay.
Phe Cộng hòa dường như còn cố tìm cách “chuyền bóng” những đề xuất bị giới chuyên gia đánh giá “điên rồ” này sang đảng Dân chủ. Nhưng hầu hết thành viên phe Dân chủ ở cấp quốc gia, bao gồm cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden, người sẽ chạy đua vào Nhà Trắng với Trump, cũng không ủng hộ việc cắt ngân sách của cảnh sát.
Trong cuộc phỏng vấn với CBS, Biden cho biết ông “hoàn toàn” tin có tình trạng phân biệt chủng tộc trong hệ thống thực thi pháp luật, nhưng điều này cũng xuất hiện trong nhiều lĩnh vực khác như nhà ở hay giáo dục. “Không phải tất cả sĩ quan hành pháp đều phân biệt chủng tộc. Một số người thực sự rất tốt”, ông nói.
Dù đang tìm kiếm những phương án riêng, cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều thể hiện nhất trí cải tổ lực lượng cảnh sát, bởi lý do rất rõ ràng rằng phần lớn công chúng Mỹ ủng hộ thay đổi. Trong những cuộc thăm dò hai tuần qua, các cử tri đều tỏ ra tin rằng chính sách của nước Mỹ đang có vấn đề.
Theo kết quả khảo sát mới đây của CNN/SSRS, 67% người Mỹ đánh giá hệ thống tư pháp hình sự nương tay cho người da trắng nhiều hơn da màu. Tỷ lệ tương tự nói rằng phân biệt chủng tộc là vấn đề lớn hiện nay của nước Mỹ, trong khi con số này hồi năm 2015, một năm sau cái chết của Brown, chỉ có 49%.
Trong cuộc thăm dò của Đại học Monmouth, 57% người Mỹ tin rằng cảnh sát có khả năng sử dụng vũ lực quá mức với người da màu nhiều hơn, trong khi tỷ lệ này năm 2016 là 34%.
“Trong suốt 35 năm tiến hành khảo sát, tôi chưa bao giờ chứng kiến quan điểm của mọi người thay đổi nhanh và sâu sắc đến vậy. Giờ đây, chúng ta là một quốc gia khác so với chỉ 30 ngày trước. Hệ quả về chính trị, kinh tế và xã hội của việc này không thể gói gọn trong một dòng tweet”, nhà tư vấn chính trị Frank Luntz, người chuyên thực hiện các cuộc thăm dò, cho hay.
Theo bình luận viên Abby Phillip của CNN, để hiểu được lý do của sự thay đổi, cũng như việc phe Cộng hòa đang tỏ ra lắng nghe, cần nhìn vào các cuộc biểu tình trên toàn quốc. Không chỉ ở các thành phố lớn, người dân trong những thị trấn nhỏ cũng xuống đường.
Tại thị trấn Whitefish, bang Montana, nơi chủ yếu là người da trắng sinh sống, cuộc biểu tình “Mạng người da màu quan trọng” vẫn được tổ chức nhằm kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo lực của cảnh sát. Cảnh tượng tương tự diễn ra tại Vidor, bang Texas, nơi người da trắng cũng lấn át. Cư dân thành phố đã quỳ gối trong im lặng để tưởng nhớ Floyd.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitt Romney hôm 7/6 tham gia cuộc tuần hành hướng về Nhà Trắng, đồng thời kêu gọi chống lại nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực. Cựu tổng thống Mỹ George W. Bush cũng lên tiếng về tình trạng bất công trong quá trình giữ trật tự xã hội.
“Những người Mỹ da trắng có phải chịu áp lực giống như các gia đình da màu hay không? Họ có phải lo sợ con cái mình bị bắt chẳng vì lý do gì ngoài màu da hay không? Câu trả lời là không. Vì vậy, họ không quan tâm đến vấn đề giống nhau”, Karl Rove, cố vấn chính trị đứng sau thành công của cựu tổng thống Bush, cho hay.
“Tuy nhiên, tôi nghĩ mọi người đã kết nối với nhau nhiều hơn so với 10 hoặc 20 năm trước, giúp tạo ra sự thay đổi về vấn đề đảng phái ở mức độ nào đó”, ông nói thêm.
Ánh Ngọc (Theo CNN) – Vnexpress