Khi phát biểu trước hội trường chật kín người tại trường trung học Marshfield ở Coos Bay, bang Oregon, Herron muốn các học sinh hiểu giá trị của việc tìm ra đam mê và theo đuổi đam mê bằng mọi giá. Marshfield chính là nơi biểu tượng chạy bộ Mỹ Steve Prefontaine tốt nghiệp năm 1969.
Herron, 38 tuổi, kể lại chính câu chuyện về đam mê của cô và cách duy trì niềm đam mê ấy. Cô là chân chạy ultramarathon từng nhiều lần lập kỷ lục thế giới, có những chiến thắng đầy thuyết phục.
“Khi 33 tuổi, tôi nhận ra mình được sinh ra để chạy đường siêu dài”, Herron chia sẻ với Runner’s World. “Lần chạy đường siêu dài đầu tiên của tôi giống lần đầu tiên Billy Elliot múa ba lê vậy. Tôi chỉ muốn các học sinh hiểu rằng họ nên tìm ra niềm vui của họ trong cuộc đời, và dành trọn con tim để theo đuổi”.
Herron hiện giữ bốn kỷ lục thế giới các cự ly từ chạy 80 kilomet cho đến chạy trong 24 giờ, nữ runner mặc đồ hóa trang chạy marathon nhanh nhất với thành tích 2 giờ 48 phút 51 giây. Tuy nhiên, điều cô muốn chia sẻ lại là những thất bại trong cuộc đời, như bị lốc xoáy phá hủy nhà khi còn vị thành niên và vươn lên từ những tổn thương.
Herron cũng từng có những cuộc đua đáng thất vọng. Gần đây nhất là ngày 29/12, cô bị viêm gân và phải từ bỏ ý định lập kỷ lục thế giới tại giải chạy 48 giờ có tên Across the Year Running Festival ở Phoenix, bang Arizona, Mỹ, khi mới chạy được 8 giờ 40 phút.
Cuộc đời có những thất bại, nhưng Herron luôn không bao giờ nói “không” khi theo đuổi các mục tiêu. Dù đó là cạnh tranh để nhận tài trợ cho sự nghiệp chạy đường siêu dài hay lập kỷ lục, cô luôn tìm ra cách riêng để chiến thắng.
Tháng 5/1999, cuộc đời Herron, 17 tuổi, thay đổi mãi mãi, khi ngôi nhà của gia đình bị phá hủy trong trận lốc xoáy gần Oklahoma City, bang Oklahoma. Bố yêu cầu Herron nhanh chóng sắp xếp những thứ quý giá nhất của bản thân. Cô bỏ đồ vào balo, đeo đôi giày chạy và cùng gia đình sơ tán tới nơi an toàn.
Lốc xoáy đi qua khu nhà Herron ở làm bốn người thiệt mạng. Hầu hết đồ đạc bị phá hủy, nhưng The Lore of Running – cuốn sách đầu tiên về chạy bộ của Herron – bằng cách nào đó vẫn còn nguyên vẹn. 20 năm sau, cuốn sách vẫn là một trong những tài sản đáng giá nhất của nữ runner. Cô vẫn giữ đôi giày đeo ngày hôm đó như lời nhắc phải biết trân quý mọi người và những thứ có được.
“Tôi thực sự cảm thấy biết ơn cuộc đời và tôi cần hoàn thành mục đích sống của mình. Thay vì đi tới nhà thờ mỗi Chủ Nhật cùng gia đình, tôi bắt đầu chạy dài vào ngày đó”.
Hai năm sau trận lốc xoáy định mệnh, Herron gặp chồng, Conor Holt tại một lễ hội nhạc jazz năm 2001.
“Anh ấy cứ như thiên thần bước vào cuộc đời tôi bởi tôi đã phải trải qua rất nhiều chuyện”, Herron chia sẻ. Holt lúc đó là sinh viên Đại học Oklahoma còn Herron vừa nhập học Đại học Tulsa.
“Chúng tôi hẹn đi ăn tối vào ngày hôm sau nhưng tôi quá say và không nhớ gì. Cô ấy gọi tôi và nói ‘này, có phải chúng mình sắp hẹn hò không?'”, Holt kể lại. “Đó là điều tôi thích ở Camille. Cô ấy rất can đảm và không ngại phải theo đuổi điều gì”.
Herron và Holt luôn bên nhau kể từ đó. Holt luôn hỗ trợ Herron về mặt cảm xúc khi cô bị gãy, rạn xương bảy lần. Sau đại học, Holt cũng chính là người khuyến khích Herron quay trở lại các cuộc đua khi biết cô chạy hơn 110 kilomet mỗi tuần chỉ để “cho vui”. Năm 2004, Holt bắt đầu hướng dẫn Herron tập luyện cho cự ly marathon. “Chúng tôi phát hiện ra cô ấy càng chạy dài, thời gian chạy càng giảm”, Holt nói.
Herron đạt chuẩn dự Olympic Marathon Trials – kỳ thi tuyển chọn VĐV marathon đại diện Mỹ thi đấu tại Olympic – ba lần, với thành tích tốt nhất là 2 giờ 37 phút 14 giây tại Houston, bang Texas, năm 2012. Nhưng sau đó, cô nhận ra thế mạnh lớn nhất của bản thân chính là chạy vượt cự ly marathon.
“Có vẻ tôi đã làm rất tốt”, Herron nói về marathon, cự ly cô cảm thấy chỉ như một cuộc chạy nước rút.
Herron khám phá ra đam mê thực sự khi cô chạy 100 kilomet lần đầu tiên. Tại giải vô địch USATF 100K Championships 2015 của Liên đoàn Điền kinh Mỹ, Herron phá kỷ lục quốc gia của Ann Trason, về nhất nữ với thời gian 7 giờ 26 phút 24 giây (đạt pace trung bình 4 phút 28 giây/km). Trải nghiệm quãng đường siêu dài đó cùng cảm giác bắt kịp các VĐV nam chính là bước ngoặt với Herron.
“Tôi thấy mình phù hợp cho việc này. Thành thật, tôi đã tìm ra đam mê của cuộc đời trong lần chạy 100 kilomet đầu tiên đó”.
Trong năm 2015, Herron còn vô địch thế giới chạy 50 kilomet và 100 kilomet. Chiến thắng của cô tại cự ly 100 kilomet ở Hà Lan, thời gian 7 giờ 8 phút 35 giây, nhanh thứ hai lịch sử, chỉ chậm hơn 8 phút so với kỷ lục thế giới do Trason thiết lập năm 1991.
Herron cũng tìm ra niềm vui trong chạy bộ mà cô chưa từng cảm nhận được trước đó.
“Tôi vẫn nhớ lúc đứng trước vạch xuất phát tại giải vô địch thế giới chạy 100 kilomet, niềm vui đó khiến tôi luôn nghĩ ‘hôm nay mình sẽ chạy thế nào?’. Cảm giác trên vẫn hiện hữu trước mỗi cuộc chạy đua, rằng tôi được dành cho vị trí đó, tôi sẽ làm nên điều tuyệt vời và tôi chỉ cần để cho sự kỳ diệu xảy đến”.
Với ba chiến thắng lịch sử, Herron muốn tiếp tục đà thăng hoa trong năm 2016. Bị một công ty giày hủy tài trợ, Herron thuê một người đại diện và tìm cách nâng thành tích chạy đường siêu dài. Tuy nhiên, trái với những đột phá như năm trước, 2016 lại là một trong những mùa giải tệ nhất sự nghiệp của Herron.
“Người đại diện khiến cảm xúc của tôi tan vỡ, rằng tôi không xứng đáng”, cô cho biết. “Tôi cảm thấy sụp đổ khi ông ấy nói không ai quan tâm việc tôi là VĐV chạy đường siêu dài, và tôi cần phải trở thành runner chạy đường mòn để được các nhà tài trợ đánh giá cao”.
Tháng 4/2016, Herron tham gia giải chạy đường mòn đầu tiên, Lake Sonoma 50. Cô bị chấn thương gân kheo và về đích thứ tư, chấp nhận phải nghỉ vài tháng để hồi phục. Tháng Bảy cùng năm, cô tham gia giải White River 50 ở bang Washington. Dù chấn thương đã lành, cô vẫn cảm thấy chán nản. Cô vượt núi Rainier và nhận ra một điều rõ ràng: “Khung cảnh thật đẹp. Tôi thấy niềm vui trong chạy bộ của tôi đã trở lại khi ở trên đỉnh núi đó”.
Sau giải White River 50, Herron và người đại diện “đường ai nấy đi”. Cô tìm kiếm một hệ thống hỗ trợ khuyến khích sự nghiệp chạy bộ đường siêu dài. Mùa thu năm 2016, Herron thuê Mark Mastalir, khi đó là người đại diện của vận động viên chạy đường siêu dài Jim Walmsley và hiện là đồng giám đốc điều hành Halo Neuroscience ở San Francisco, bang California.
“Mark có nhiều điểm giống tôi. Anh ấy là kiểu người rất kiên định”.
Trong quá trình tìm nhà tài trợ giày cho Herron, Mastalir tiếp cận Nike nhưng lập tức bị công ty này từ chối. Herron phản ứng bằng cách viết một email và tình thế thay đổi.
“Tôi đang tiến đến mốc 10 năm chạy tích lũy 100 dặm (hơn 160 kilomet) mỗi tuần. Tôi sinh ra để chạy dài! Tôi sẽ vượt qua và nâng tầm môn thể thao này xa hơn những gì Ann Trason từng làm”, Herron viết email cho Mastalir. “Tôi từ chối nhận câu trả lời ‘không’ từ Nike”.
Mastalir chia sẻ email của Herron với John Capriotti, phó chủ tịch về marketing VĐV toàn cầu, và Pat Werhane, người phụ trách chạy đường mòn, của Nike. Sau khi đọc email. Hai người đồng ý ký hợp đồng chuyên nghiệp với Herron vào mùa thu 2016.
“Tôi chỉ muốn ngôn từ của Herron lên tiếng cho chính cô ấy”, Mastalir nói. “Điều đó xuất phát từ trái tim và tôi nghĩ sẽ tạo ra được khác biệt”.
Tháng 6/2017, Herron trở thành người Mỹ đầu tiên thắng Comrades Marathon kể từ khi Trason về nhất năm 1997.
Tháng 12/2018, cô phá kỷ lục chạy 24 giờ và 100 dặm (160 kilomet) tại Desert Solstice Invitational, Phoenix, bang Arizona.
Tháng 10/2019, Herron tiếp tục có thành tích chạy trong 24 giờ tốt nhất thế giới với tổng cự ly hơn 270 kilomet tại giải vô địch thế giới chạy 24 giờ của Hiệp hội VĐV chạy siêu dài Quốc tế (IAU) ở Pháp.
Bên cạnh hàng loạt kỷ lục, nữ ultramarathon này còn gây sốc với tiết lộ về sở thích trên đường chạy – uống bia, ăn bánh tacos (một loại bánh kẹp truyền thống của Mexico), và lợi ích của việc này.
Tại Desert Solstice Invitational 2018, khi chạy được khoảng 18 giờ, Herron cảm thấy cơ thể và trí óc trĩu nặng. Tầm 2 – 3h sáng, nữ runner bắt đầu chóng mặt nhưng đội hỗ trợ của cô đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống ấy. Họ đưa cho cô một tacos vỏ kép của Taco Bell và chai bia Rogue Ales. “Tôi xử chúng trong 10 – 15 phút, và dần thấy khỏe hơn. Tôi như được nạp đầy năng lượng để tiếp tục cuộc đua”, Herron chia sẻ với Runner’s World năm 2018.
6 giờ sau bữa ăn nhẹ giữa đêm, Herron về nhất, lập kỷ lục với tổng cự ly 162,9 dặm (hơn 262 kilomet) trong 24 giờ. Tổng cộng, cô chạy hơn 650 vòng quanh sân vận động trường trung học Central High School với tốc độ trung bình 8 phút 40 giây/dặm (khoảng 5 phút 25 giây/kilomet). “Tôi ăn tacos trước mọi lần lập kỷ lục thế giới. Do đó, tôi nghĩ tacos có vai trò lớn, giúp tôi đạt những thành tích đó”, Herron vừa cười vừa chia sẻ.
Trước đó, khi vô địch Comrades Marathon 2017, Herron uống hai lít bia vị gừng trên đường chạy. “Tôi yêu bia. Tôi cùng chồng tôi rất thích các bữa tiệc, và muốn thưởng thức các loại bia ngon”, chân chạy sinh năm 1981 kể. Tháng 12/2017, sau khi về nhất, lập kỷ lục thế giới nữ chạy 100 dặm (xấp xỉ 161 km) ở giải Tunnel Hill 100-Miler ở Vienna, Illinois (Mỹ) với thành tích 12 giờ 42 phút 40 giây, Herron kể: “Tôi uống đâu đó một lít rưỡi bia dọc đường. Thật kỳ diệu, bia giúp dạ dày tôi êm hơn, và nhờ đó, tâm trí tôi hoàn toàn tập trung”.
Trong quá trình vượt qua các rào cản, Herron bày tỏ mong muốn truyền thông đưa tin nhiều hơn về những phụ nữ chạy siêu dài. “Tôi từng bị người khác làm cảm thấy mình không phải một VĐV dù tôi biết thực tế không phải vậy. Tôi vẫn đang tạo ra những điều phi thường và tôi cần giúp nâng tầm phụ nữ trong thể thao”, cô nhấn mạnh.
Khi gặp khó khăn trong cuộc đua, như buồn nôn, các vấn đề đường ruột và chóng mặt, mệt mỏi về thể chất và tinh thần, Herron thường tìm động lực để tiếp tục bằng cách gán nỗ lực của bản thân cho một người đã truyền cảm hứng cho cô.
Vài tuần trước khi tranh tài tại Desert Solstice Invitational năm 2018, David Manguno, bạn của Herron, được coi là “Forrest Gump chính hiệu” trong cộng đồng chạy bộ tại nơi cô sinh sống, qua đời. Khi về nhất và lập kỷ lục thế giới, cô dành tặng chiến thắng cho Manguno.
Khi bắt đầu nỗ lực lập kỷ lục tại Across the Years, Herron tìm kiếm cảm hứng bằng cách đọc sách “In Search of Al Howie”, tiểu sử về biểu tượng chạy đường siêu dài qua đời năm 2016. Howie là người chạy bộ lập dị, sống trong đói nghèo, bị tiểu đường và vẫn chiến thắng các giải chạy siêu dài trong lúc uống bia. 30 năm sau, ông vẫn giữ kỷ lục chạy xuyên Canada trong 72 ngày 10 giờ. Giải chạy cuối cùng Howie hoàn tất là sự kiện 72 giờ Across the Years năm 1998.
“Nếu có ước mơ, ý chí và quyết tâm, điều bạn làm được với những thứ đó sẽ rất tuyệt vời”, Herron nói.
Như Tâm – Vnexpress