“Các bạn không khỏe à?”, đôi vợ chồng người Pháp hỏi Phương do thấy đeo khẩu trang khi làm thủ tục check-in chuyến bay CZ8315, đi từ Quảng Châu (Trung Quốc) tới Hà Nội.
Phương nói đoàn mình vừa đi ra từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), nơi đang có dịch về đường hô hấp. Hai khách ngoại quốc mỉm cười, chúc họ sức khỏe.
Đó là 11h ngày 17/1, khi nhóm người Việt đi cùng nhau, ai cũng che khẩu trang kín mặt nên gây chú ý với người xung quanh.
Cuối tháng 10/2019, chị Phương, 40 tuổi, trở thành một trong những nhân viên đầu tiên của Nihon Plast – công ty của Nhật Bản, chuyên sản xuất vô lăng ôtô, đóng tại Khu công nghiệp Bình Xuyên (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc).
“Chúng tôi sẽ cử đi Trung Quốc tập huấn 3 tháng, bạn có đồng ý không?”, ban giám đốc đặt câu hỏi trong ngày tuyển dụng. Chị lo cho 2 đứa con nhỏ và chồng, không muốn đi lâu nhưng vẫn nhận lời sắp xếp công việc gia đình.
1/11/2019, Phương cùng 5 đồng nghiệp của Nihon Plast bay đến Vũ Hán, hai người còn lại bay sau đó 15 ngày. Tám người đều biết tiếng Nhật, bảy trong số họ đến từ Vĩnh Phúc, một người ở Thanh Hóa, chưa từng quen biết nhau.
Hai tháng tập huấn bắt đầu. “Vũ Hán khi đó rất lạnh, thường mưa đá và tuyết rơi mỏng”, Phương nhớ lại khung cảnh thành phố trong những ngày đầu tiên không như tưởng tượng về Trung Quốc trước đó. Đường phố Vũ Hán đông đúc, nhưng vuông vắn, sạch và nhiều xe đạp điện.
8 công nhân không có nhiều thời gian thăm thú thành phố này. Họ được đưa về khu sản xuất và ở tại ký túc xá công nhân cách khá xa trung tâm. Hai nam ở riêng phòng dưới tầng một, sáu phụ nữ sống ở hai phòng tại tầng hai. Một ngày làm việc của họ kéo dài từ 8h30 đến 17h30. Chỉ có 2 tháng và quá nhiều thứ phải học, họ phải lĩnh hội thêm kiến thức vào cả ngày thứ bảy, chủ nhật.
Nơi “giải trí” gần nhất của họ cách phân xưởng khoảng 500 m. Hai tháng ở đây, 6 lần họ tới siêu thị bán hoa quả mua táo, lê, rồi đi dạo quanh khu công viên.
Trong phân xưởng khoảng 600 công nhân, Zhou, phiên dịch người Trung Quốc là bạn thân nhất, giao tiếp với họ bằng tiếng Nhật. “Từ nay đi siêu thị mua quả cũng phải đeo khẩu trang nhé”, Zhou nói và cảnh báo Vũ Hán đang có “dịch gì đó về đường hô hấp”. Đồ bảo hộ hằng ngày của họ luôn có khẩu trang, nhưng từ hôm đó, công ty yêu cầu khử trùng tay chân trong khi làm việc, khi sinh hoạt, ăn uống. Chị Phương không biết tiếng Trung Quốc, toàn bộ thông tin về đại dịch, chỉ được họ biết qua lời nhắc nhở của phiên dịch Zhou.
Tháng 12/2019, đường phố Vũ Hán đã bắt đầu ngập trong tuyết. Trong lần đi siêu thị cuối tháng 12, chị Phương thấy mọi người đều đeo khẩu trang.
17/1 (23 tháng Chạp Tết Nguyên đán), Phương cùng nhóm đồng nghiệp dậy từ sáng sớm đếm ngược từng giờ để trở về. Nhưng sân bay Vũ Hán đã khác hẳn lúc họ đến. Lực lượng an ninh và y tế sân bay kiểm tra thân nhiệt họ 3 lần khi vào sân bay: khi làm thủ tục check in và lần cuối, trước khi lên máy bay. “Chúng tôi đợi khoảng 2 giờ để check in, rất nhiều người bị giữ lại”, Phương nhớ lại.
Nhóm Phương ngồi rải rác trên máy bay. Phương không nhớ rõ số ghế của mình, chỉ nhớ ngồi khoảng giữa cùng với một số người Trung Quốc. Ngôn ngữ hạn chế, chị cũng không giao tiếp nhiều với họ.
Nhóm công nhân làm thủ tục quá cảnh tại sân bay Quảng Châu trong khoảng 2 giờ. Ngoài hai vợ chồng du khách Pháp, họ không trò chuyện thêm cùng ai.
15h ngày 17/1, xe của công ty đón họ tại sân bay, đưa về trụ sở ở khu công nghiệp Bình Xuyên. Chỉ khi đó, chiếc khẩu trang mới được bỏ ra. Họ chia tay nhau về nhà đón Tết. 5 công nhân nữ giữ liên lạc qua nhóm chat chung.
“Em bị sốt, thấy tức ngực. Em nhập viện rồi chị Phương ơi!”, Thu Trang, 25 tuổi, quê Yên Định (Thanh Hóa) nhắn trong nhóm vào đêm 24/1 (30 Tết). Mọi người đều động viên Trang lạc quan, chóng khỏe. Sáu ngày sau, xe cấp cứu của Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cơ sở 2 chở Dung (23 tuổi, ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) nhập viện. Chị Phương hỏi thăm đồng nghiệp, biết thêm Cảnh, 29 tuổi (ở Tam Dương, Vĩnh Phúc), cùng nhóm tập huấn đã nằm viện từ 23/1.
Ngày 30/1, kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tế Trung ương, cả 3 công nhân trong nhóm 8 người trở về từ Vũ Hán trở thành những người đầu tiên nhiễm nCoV tại Việt Nam. Cùng ngày, WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Thế giới lúc này có tổng 7.816 ca mắc và 170 người chết do nCoV.
Chị Mai Phương hốt hoảng tự cách ly với chồng, cùng hai con nhỏ, đeo khẩu trang, theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Ngày 3/2, chị nhận tin thêm 2 người trong nhóm tập huấn mắc nCoV. Đến lúc này, Phương cùng hai nữ công nhân còn lại cách ly bắt buộc tại Trung tâm y tế huyện Tam Đảo.
“Công ty bên này không ai bị cả Phương ạ!”, Zhou thốt lên khi biết tin về nhóm đồng nghiệp vừa về Việt Nam. Cô phiên dịch người Trung Quốc hằng ngày vẫn ăn ngủ trò chuyện, uống nước chung cốc với Phương và ôm hôn họ khi tiễn ở sân bay Vũ Hán giờ là người cập nhật thông tin cho Phương mỗi ngày. Công ty đã dừng sản xuất gần một tháng, tuy không nhân viên nào nhiễm bệnh.
“Bọn mình đã rất cẩn thận, thời gian ở bên ngoài rất ít, không hiểu được lây từ khi nào”, Phương tự đặt câu hỏi.
Ngày 3/2, Thu Trang đã khỏi bệnh, xuất viện. “Em ốm yếu gầy bé thế này còn khỏi rồi, các chị lạc quan lên, nhanh còn đi ăn chanh với em nhé”. Cô nhắn trong nhóm chat, gửi kèm hình một đĩa chanh lớn đã gọt vỏ, món ăn vặt ưa thích của cả nhóm hồi còn ở Vũ Hán.
Năm ngày trong khu cách ly trôi qua “chậm như 5 tháng”, chị Phương cùng hai nữ công nhân đang cùng chờ đợi kết quả xét nghiệm. Tối 7/2, Bộ Y tế công bố, thêm một công nhân trong nhóm của chị Phương có kết quả dương tính với nCoV và là ca thứ 13 tại Việt Nam.
Thanh Lam – Tất Định – Vnexpress
Tên nhân vật đã thay đổi.