Nóng thiêu đốt Nam Cực, làm tan chảy 20% tuyết trên đảo

Một đợt nóng kéo dài 9 ngày thiêu đốt vùng phía Bắc của Nam Cực vào đầu tháng 2 đã làm tan chảy 20% lượng tuyết bao phủ một hòn đảo.
Nóng thiêu đốt Nam Cực, làm tan chảy 20% tuyết trên đảo - Ảnh 1.
Hình ảnh Đảo Đại Bàng ở Nam cực trước và sau đợt nóng. Ảnh: cnn.com

Theo kênh CNN, các hình ảnh do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố cho thấy gần 1/4 lượng tuyết bao phủ một hòn đảo ở Nam Cực đã tan chảy trong đợt nóng vừa qua – một dấu hiệu đang ngày càng phổ biến của cuộc khủng hoảng khí hậu với Trái đất.

Những hình ảnh do NASA ghi nhận cho thấy tình trạng của Đảo Đại bàng nằm gần bán đảo phía Đông Bắc của lục địa băng vào thời điểm bắt đầu và kết thúc đợt nóng tại Nam Cực đầu tháng này. Tới khi kết thúc đợt nóng kéo dài 9 ngày, hầu hết nền đất bên dưới mỏm băng của đảo đã bị phơi lộ và nhiều hồ nước tan chảy để lộ ra bề mặt.

Nam Cực đã trải qua ngày nóng nhất được ghi nhận vào đầu tháng này, đạt đỉnh là 64,9 độ F (18,3 độ C). Cùng ngày hôm đó, nhiệt độ ở thành phố Los Angeles, Mỹ cũng ở mức tương tự.

Đài Quan sát Trái đất của NASA cho biết, chỉ trong hơn một tuần, 10cm tuyết của Đảo Đại Bàng đã tan chảy – tương đương khoảng 20% ​​tổng lượng tuyết tích lũy theo mùa của hòn đảo.

‘Tôi chưa từng thấy các hồ nước do tuyết tan chảy mở rộng nhanh chóng như vậy ở Nam Cực’, nhà địa chất học Mauri Pelto tại Đại học Nichols ở Massachusetts (Mỹ) phát biểu với Đài Quan sát Trái đất của NASA. ‘Bạn đã chứng kiến những kiểu tan chảy như vậy ở Alaska và Greenland, nhưng không thường như thế ở Nam Cực’.

Nhà khoa học khí hậu Xavier Fettweis đã chú ý tới việc nước tan chảy từ bán đảo của Nam Cực đã chảy tới đại dương. Theo ông, đợt nóng vừa qua là yếu tố lớn nhất khiến mực nước biển dâng trong mùa hè này.

Trong khi đó, nhà địa chất Pelot lưu ý, các sự kiện tan chảy như vừa qua là rất hiếm ở Nam cực, kể cả trong mùa hè, bởi đây là một trong những nơi lạnh giá nhất trái đất.

Đợt nóng vừa qua là kết quả của nền nhiệt duy trì cao, vốn hầu như không bao giờ xảy ra tại Nam Cực cho đến thế kỷ 21 này. Đó là một kiểu hiện tượng thời tiết ngày càng trở nên phổ biến khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên.

Trong tháng này, áp lực cao tại khu vực Cape Horn của Chile đã khiến nhiệt độ tăng, cho phép hoạt động đi lại. Bán đảo cực Bắc của Nam Cực thường được bảo vệ khỏi nền nhiệt độ cao này do gió mạnh đi qua Nam Bán cầu, tuy nhiên theo báo cáo của NASA, những cơn gió đó đã yếu bất thường và không thể ngăn nhiệt độ cao xâm nhập vào mũi phía Bắc của lục địa băng.

Các tảng băng ở Nam Cực đang tan chảy nhanh chóng do ô nhiễm khí bẫy nhiệt (heat-trapping gas) từ con người. Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới, mực nước biển dâng cao có thể là thảm họa đối với hàng triệu người sống dọc theo các đường bờ biển của thế giới. Các dải băng ở Nam Cực chứa đủ nước để nâng mực nước biển toàn cầu lên gần 60 mét.

Và đầu tháng này, một tảng băng khổng lồ dọc theo rìa phía Tây của Nam Cực đã vỡ ra từ sông băng Đảo Thông (Pine Island Glacier). Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết, khối băng có diện tích 116 dặm vuông có thể đã bị vỡ ra do nhiệt độ nước biển ấm hơn và đó là bằng chứng cho thấy sông băng đang phản ứng nhanh chóng với biến đổi khí hậu.

Theo Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam – Tuổi Trẻ