Nông dân ‘mắc màn’ cho cây cam

Anh Đinh Công Hữu Đức ở huyện Hương Khê mua hàng nghìn chiếc màn, quây kín các cây cam Khe Mây trong trang trại để chống côn trùng.
Trang trại cam được mắc màn của gia đình anh Đức. Ảnh: Đức Hùng
Trang trại cam Khe Mây được “mắc màn” của gia đình anh Đức. Ảnh: Đức Hùng.

Trang trại cam của gia đình anh Đức rộng 20 ha, trồng hơn 7.000 gốc, nằm trên đồi Khe Mây, thuộc xã Hương Đô, huyện Hương Khê, được gây dựng từ năm 1992 bởi bố anh.

Mùa thu hoạch cam Khe Mây bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 3 (âm lịch) năm sau. Giữa tháng 7, để tránh quả cam bị ruồi vàng, bướm và bọ xít đốt, anh Đức đặt mua hàng nghìn màn lưới hình vuông, cạnh 2-5 m, giá 130.000 đồng một chiếc về trùm lên cây cam để chống côn trùng. Mỗi ha cam sẽ dùng 500 chiếc màn mắc cho 500 cây.

Cây cam Khe Mây cao khoảng 2 m, tán rộng 2,5 m, cần hai nhân lực trùm màn. Một người cầm sào tre nâng màn vắt qua cây, người đối diện sẽ gom màn trùm cây lại, sau đó lấy đá đè xuống đất để không bị bung ra. Một ngày, bốn người có thể trùm màn cho 150 gốc cam.

Anh Đức kể, khoảng 5 năm trước, trang trại cam đến mùa ra quả thì bị côn trùng tấn công, có cây rụng sạch quả. Gia đình phải giăng bóng điện ra giữa vườn, huy động tất cả thành viên dùng đèn pin đi soi, bắt sâu, bắt bướm cả đêm. Túi nylon loại to được mua về để trùm lên cây cam, song không hiệu quả vì nhiều quả ủng.

“Năm 2014, bố tôi thử áp dụng phương pháp mua màn về trùm cho cây cam, thấy rất hiệu quả nên thực hiện từ đó tới nay”, anh Đức nói.

Anh Đức vén màn kiểm tra sự phát triển của quả cam. Ảnh: Đức Hùng
Anh Đức vén màn kiểm tra sự phát triển của quả cam. Ảnh: Đức Hùng

Theo chủ trang trại, màn được bọc xuyên từ tháng 7 cho đến khi kết thúc vụ. Sau 2 năm, khi màn bị mục, hư hỏng thì anh Đức thay cái mới. Khi mắc màn, quả cam vẫn hấp thụ được ánh nắng mặt trời. Nhược điểm duy nhất là sức nặng của màn đè lên bộ lá, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của cây.

Dù vậy, trang trại cam luôn đạt năng suất một cây 15-20 kg quả. Đến mùa, thương lái lên tận vườn mua 80.000 đồng một kg, đem nhập tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước… “Kết thúc mỗi vụ,  trừ chi phí, gia đình thu khoảng 5 tỷ đồng”, anh Đức cho hay.

Ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Khê cho biết, vùng đất Khe Mây (xã Hương Đô) hiện trồng gần 400 ha cam. Khí hậu mùa hè ngày nóng, đêm lạnh giúp cho cây trồng dễ sinh trưởng, tạo nên đặc sản cam Khe Mây có vị ngọt đậm, thơm và giòn.

Theo ông Vinh, cây cam Khe Mây trồng mỗi năm hai đợt, lần thứ nhất bắt đầu từ tháng 8, lần hai là sau Tết. Sau ba năm, cây sẽ cho lứa quả đầu tiên. Một cây cam có vòng đời 15 năm. Để chống côn trùng, người dân ngoài “mắc màn” còn dùng các biện pháp thủ công như bắt bằng tay, dùng thuốc bảo vệ thực vật không chứa chất hóa học.

“Tháng 9 vừa qua, Sở Khoa học và Công Nghệ Hà Tĩnh đã trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cam Khe Mây cho huyện Hương Khê. Việc này nhằm bảo vệ thương hiệu đặc sản của địa phương, giúp người dân tăng thêm thu nhập, xây dựng vùng sản xuất sinh thái bền vững”, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Khê, nói.

Tháng 12 đang là giữa vụ thu hoạch cam Khe Mây, giá bán 80.000 đồng một kg. Ảnh: Đức Hùng
Tháng 12 đang là giữa vụ thu hoạch cam Khe Mây, giá bán 80.000 đồng một kg. Ảnh: Đức Hùng