Nông dân châu Á điêu đứng vì dịch tả lợn

Alland San Juan phải thuê máy xúc đào hố chôn 250 con lợn khi trang trại của gia đình anh ở Philippines bị dịch tả lợn châu Phi tàn phá.  

Dịch tả lợn châu Phi chưa từng xuất hiện ở Philippines, nhưng tới đầu tháng 9, dịch bệnh này đã cướp đi toàn bộ đàn lợn của San Juan, nông dân nuôi lợn ở tỉnh Bulacan, phía bắc Manila, Philippines. Gia đình anh phải thuê máy xúc đào hố chôn lợn ngay trong trang trại bởi các ao hồ giờ đã đầy xác lợn chết.

“Chúng tôi khóc rất nhiều bởi tất cả giấc mơ đều tan thành mây khói”, Geraldine San Juan, vợ của San Juan và mẹ của 6 người con, chia sẻ.

2019 là năm Kỷ Hợi, năm con lợn, biểu tượng cho sự giàu có theo quan niệm của người Trung Quốc. Tuy nhiên, đây cũng là năm nhiều nước châu Á điêu đứng vì dịch tả lợn châu Phi hoành hành, gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong ngành chăn nuôi và chế biến thịt toàn cầu suốt nhiều thập kỷ qua.

Một quầy bán thịt lợn ế khách ở thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.
Một quầy bán thịt lợn ế khách ở thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

“Chúng tôi đang nói về những tác động chưa từng có và một dịch bệnh chưa từng xuất hiện ở quy mô này”, Justin Sherrard, chiến lược gia về protein động vật tại công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng Rabobank, cho biết.

Dịch tả lợn châu Phi lan sang các nước Đông Nam Á trong năm nay đã đẩy giá thịt lợn và nhiều sản phẩm thịt khác tăng cao, khi người dân châu Á tìm kiếm các nguồn thịt thay thế. Nhiều chuyên gia cho rằng dịch bệnh này sẽ làm thay đổi ngành chăn nuôi và buôn bán thịt toàn cầu trong suốt thập niên 2020.

“Khi vắcxin chống dịch tả lợn châu Phi chưa có trong hiện tại và thậm chí tương lai gần, cuộc khủng hoảng này có thể được xem là một trong các vấn đề quan trọng nhất của ngành chăn nuôi trong nhiều thập kỷ tới”, Tổ chức Thú y Thế giới viết trong email gửi Financial Times. 

Virus tả lợn châu Phi không truyền trực tiếp sang người, nhưng nhiều chuyên gia khuyên mọi người không nên ăn thịt lợn nhiễm bệnh.

Nhiều người tiêu dùng Philippines xa lánh thịt lợn dù đây từng là loại thực phẩm được yêu thích ở quốc gia này. La Loma ở thành phố Quezon thuộc vùng thủ đô Manila là nơi nổi tiếng với nhiều nhà hàng lợn sữa quay. Tuy nhiên, Ramon Ferreros, người đứng đầu hiệp hội nhà hàng heo sữa quay cho biết doanh thu đã giảm gần một nửa từ tháng 10, dù họ có giấy chứng nhận an toàn về chất lượng thịt từ hiệp hội thú y địa phương.

Dù Ferreros đảm bảo thịt lợn không nhiễm bệnh, nhiều khách hàng vẫn tránh món ăn họ từng rất yêu thích này. Thay vào đó, họ chỉ tới nhà hàng uống bia và đặt cược các trận đấu gà trên truyền hình.

Giới chuyên gia nhận định sự chậm trễ trong công tác báo cáo và nâng cao nhận thức phòng chống đã khiến dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh ở Trung Quốc. Thống kê cho thấy đàn lợn Trung Quốc có 191 triệu con vào tháng 10, giảm 41% so với năm 2018, khi dịch bệnh lần đầu bùng phát. Mức sụt giảm thực tế có thể lớn hơn do nhiều thành phố đã khai giảm số lượng đàn lợn thực tế để cắt bớt trợ cấp cho nông dân.

Giá thịt lợn tăng cao đỉnh điểm hồi đầu tháng 11 và chỉ hạ nhiệt sau khi giới chức đẩy mạnh nhập khẩu và bơm vào thị trường hàng nghìn tấn thịt đông lạnh từ kho dự trữ quốc gia, nhưng giá vẫn tăng hơn một nửa so với năm ngoái.

Nhân viên thú y phun thuốc khử trùng cho trang trại lợn ở Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Nhân viên thú y phun thuốc khử trùng cho trang trại lợn ở Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Lạm phát tiêu dùng ở Trung Quốc hồi tháng 10 đạt 3,8%, mức cao nhất trong 7 năm qua, chủ yếu là do giá thịt lợn và thịt đã qua chế biến tăng. Yang Zhenhai, giám đốc một cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, tháng trước cho biết quy mô đàn lợn của nước này sẽ phục hồi 80% như thời điểm trước dịch vào năm 2020. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng thời gian phục hồi sẽ lâu hơn.

“Cần phải đảm bảo các trang trại lợn tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn vệ sinh. Không ai có thể đảm bảo điều đó”, Ernan Cui, nhà nghiên cứu tại công ty nghiên cứu kinh tế Gavekal Dragonomics có trụ sở ở Bắc Kinh, cho biết.

Giới chức Philippines cho biết số lợn nhiễm dịch mới ở nước này đang giảm dần sau khi nhiều biện pháp kiểm soát thú y nghiêm ngặt được các tỉnh áp dụng. Dù dịch tả lợn châu Phi đã được khoanh vùng trong đảo Luzon, họ vẫn thận trọng trong việc thông báo dịch bệnh đã được kiểm soát.

Gia đình San Juan cho biết họ dự định chuyển sang nuôi vịt sau khi hồi phục về tài chính. Trong lúc chờ đợi, họ chuyển trang trại nuôi lợn của gia đình thành nơi phân loại nhựa và rác thải. “Bạn có thể khóc cả đêm hay cả tuần, nhưng cuối cùng vẫn phải gạt nước mắt để bắt đầu lại”, vợ San Juan nói.

Thanh Tâm (Theo Financial Times) – Vnexpress