Nỗi buồn của nam phạm nhân canh cánh nỗi lo vợ đi lấy chồng

Phạm nhân Đồng Văn Đại trong trại giam

5 năm sống trong trại giam là chừng ấy ngày Đại nơm nớp lỗi lo mất vợ, chỉ sợ vợ đi lấy người khác, đứa con trai nhỏ đang học lớp 2 sẽ bơ vơ.

Người đàn ông, hạt nhân văn nghệ ở trại giam Tân Lập, trong lòng lúc nào cũng canh cánh một nỗi lo vợ đi lấy người khác ấy là Đồng Văn Đại (sinh năm 1979, quê ở bản Khen, xã Thạch Lương, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái). 5 năm trước, chỉ vì bức xúc trước việc bị mất trộm quá nhiều hàng, Đại tham gia vào một vụ đánh trộm, làm một người chết, một người thành thương tật.

Chuyện của 5 năm trước

Cho đến giờ khi đã vào trại giam cải tạo song khi được hỏi có nhận xét gì về bản thân, Đại vẫn khẳng định rằng so với đám trai làng thời bấy giờ, anh là người tháo vát nhất. Cả bản số người học hết cấp hai đếm trên đầu ngón tay vậy mà Đại thi đỗ vào THPT, xuống thị xã học hết năm lớp 10 rồi mới nghỉ.

Lý giải về việc tại sao đang học lại nghỉ, Đại khẽ cười, ánh mắt hơi chùng xuống. Anh bảo, tại thấy học không vào nữa nên quyết định nghỉ chứ ngày mới bước chân xuống thị xã cũng nhiều ao ước lắm. Thấy nhiều nhà cao tầng cũng muốn làm kỹ sư xây dựng, rồi cũng muốn làm thầy giáo về bản dạy học nhưng rốt cuộc Đại chẳng làm được gì cả.

Không muốn ở nhà cuốc đất, chăn trâu, Đại xuống nhà anh trai khi đó bán hàng ở chợ thị xã Nghĩa Lộ, phụ bán hàng với vợ chồng anh trai. Những ngày bán hàng ở đây, thấy có nhiều công trình xây dựng, Đại quyết định đi học lái xe và với lợi thế là con út trong một gia đình có 5 anh chị em, kinh tế nhà ai cũng khá giả nên trước nguyện vọng của cậu em út, ai cũng hưởng ứng.

Mọi người góp tiền vào cho Đại đi học lái xe rồi cùng sốt sắng tìm chỗ làm cho em trai. Cuộc đời của Đại xem ra toàn gặp những may mắn cho tới khi anh trở thành người chuyên chở vật liệu xây dựng tới các công trình ở các huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai.

Phạm nhân Đồng Văn Đại trong trại giam
Phạm nhân Đồng Văn Đại trong trại giam

Vốn tháo vát và có một chút kinh nghiệm học được từ những ngày bán hàng cho anh trai, Đại nhanh chóng nhận ra sự khan hiếm hàng tiêu dùng ở các chợ vùng cao nên những chuyến chở hàng cho công ty lên công trình, bao giờ Đại cũng mang kèm một bao hàng của riêng mình. Những thứ tưởng như chẳng ăn nhập gì với xi măng, sắt thép, gạch đá như xà phòng, khăn mặt, dầu gội… mà Đại mang theo nhưng lại là món hàng lúc nào cũng cần ở chợ.

Nhìn các bà, các cô tranh nhau mua những thứ mình mang ra, Đại quyết định bỏ nghề lái xe, đi bán hàng. Hàng lấy từ cửa hàng của anh trai dưới thị xã, đóng thành bịch, chất lên lưng ngựa thồ rồi cả người cả ngựa cắt rừng, vượt suối lên chợ bán. Tiền rủng rỉnh trong túi nhưng một mình thui thủi, Đại quyết định rủ thêm bạn, tính chuyện làm ăn lớn.

Rủ được ba người bạn dưới thị xã, bốn người thuê xe chở hàng lên huyện Bảo Yên (Lào Cai), vào tận những bản xa nhất bày bán. Họ mượn một nhà dân gần chợ vừa có chỗ để ở vừa để cất hàng những khi hết phiên chợ trong lúc  quay xuống thị xã lấy thêm hàng. Thời gian đầu mọi chuyện đều suôn sẻ, ai cũng vui vì tiền kiếm được nhiều nhưng càng về sau, ai cũng cảm thấy dường như có điều không ổn đang diễn ra nên hàng lấy mỗi ngày một nhiều mà lãi chẳng thấy đâu. Để ý một thời gian, cả nhóm đều nhận ra rằng nguyên nhân khiến hàng của mình bị “bốc hơi” là bị lấy trộm nên bàn nhau rình bắt.

Giả vờ quay về lấy hàng, nhóm của Đại nhờ chủ nhà trông hàng hộ rồi khăn gói lên đường nhưng đến nửa đường thì họ quay lại. Đập vào mắt mọi người khi về đến nhà trọ là cảnh bốn, năm người đang mở tấm bạt trùm đống hàng, lấy đi. Không kìm nổi giận dữ, cả nhóm xông vào đánh người, giữ hàng. Sự tức giận nhường chỗ cho nỗi hoảng sợ khi cả bốn người nhìn thấy hai người trong số 5 tên trộm nằm gục. Hai người trong nhóm sợ hãi bỏ trốn, chỉ có Đại và Nguyễn Thanh Bình ở lại đưa người bị thương đi BV nhưng chủ nhà Hờ A Giang chết trên đường đi cấp cứu còn một người nữa bị tổn hại 12% sức khỏe. Bị bắt giam về hành vi đánh chết người, cả Bình và Đại đều không hiểu nổi tại sao đã đối xử rất tốt với chủ nhà mà vẫn bị Giang trộm đồ. Mãi tới lúc ra tòa, nghe ba người bị đánh khai, Đại mới biết họ đều là những kẻ  nghiện trong bản, vì đói thuốc nên đã trộm hàng đi đổi thuốc phiện. Bình bị kết án 23 năm tù, Đại nặng hơn với án chung thân, cả hai cùng lên trại Tân Lập một ngày.

Và… nỗi lo

Đại bảo 5 năm sống trong trại giam là chừng ấy ngày anh ta nơm nớp lỗi lo mất vợ, chỉ sợ vợ đi lấy người khác, đứa con trai nhỏ đang học lớp 2 sẽ bơ vơ. Nghĩ đến vợ, ánh mắt người đàn ông này trở nên se sắt. Đại thương người vợ một mình hiu quạnh.

Ngày còn đi học, Đại nổi tiếng là đẹp trai, hát hay và múa giỏi. Vợ Đại cũng là cô gái đẹp nổi tiếng ở bản, với nước da trắng ngần. Họ học cùng nhau một lớp, cùng tham gia các buổi văn nghệ của trường, của chi đoàn và tình yêu đôi lứa đã nảy nở từ những buổi sinh hoạt đoàn, những lần đi thi văn nghệ ấy.

Học hết lớp 9, người yêu Đại nghỉ ở nhà làm ruộng còn Đại tiếp tục theo học song những ngày sống ở thị xã càng khiến Đại quay quắt nhớ cô bạn gái hát hay, xinh xắn. Không thể học được vì lúc nào cũng sợ người yêu bị kẻ khác nẫng mất, Đại bỏ về, bỏ dở cả ước mơ trở thành thầy giáo để làm anh  kỹ sư xây dựng gia đình trẻ. Từ ngày cưới được người mình yêu thương về làm vợ, trong đầu Đại lúc nào cũng chỉ khao khát một ước mơ kiếm thật nhiều tiền để xây nhà to, mua quần áo đẹp cho vợ diện.

Người đàn ông lúc nào cũng vun vén cho tổ ấm của mình đã mừng đến phát khóc lên khi nghe đứa con trai cất tiếng khóc chào đời. Đại bảo đã đi rất nhiều nơi, được rất nhiều cô gái bản xinh hơn vợ đem lòng thương nhớ nhưng chưa ai xóa được hình ảnh vợ anh cười hạnh phúc khi bế đứa con đỏ hỏn trên tay. Đại bảo lúc ấy nhìn thấy vợ đẹp quá, chỉ muốn nói với vợ một lời cảm ơn nhưng lại không dám vì sợ làm bay mất những sợi tóc mai ướt bết hai bên thái dương trắng mịn của vợ lúc đó.

Tiếng là chung một trại nhưng Bình và Đại mỗi người một đội, mỗi phân trại. Đại cải tạo ở đội làm mi giả còn Bình làm ở đội thi đua nên hiếm khi họ có dịp gặp nhau. Chỉ khi nào Đại tham gia tập luyện văn nghệ, được vào hội trường luyện tập thì đấy mới là cơ hội để hai người gặp nhau, ôn lại chuyện cũ để rồi cùng một nỗi lo về gia đình, con cái.

“Một năm, ba bốn lần vợ em lên thăm, lần nào gặp nhau, hai đứa chỉ nhìn nhau rồi khóc” – Đại tâm sự, giọng nói nhỏ đi như gió thoảng. Chưa lúc nào hết yêu vợ nên việc Đại đi tù là cú sốc lớn cho cả hai vợ chồng. Ngày anh hầu tòa, vợ đã khóc ngất khi biết chồng mình chịu cái án không có kỳ hạn. Chị bế con theo chồng, tiễn đến khi không còn sức nhìn theo nữa, đành phải quay về. Vì học hết lớp 9 nên ngoài những lần lên thăm chồng, tháng nào vợ Đại cũng đều đặn viết thư lên thăm, kể về chuyện gia đình, con cái. Ngay sau khi nhận được thư chồng, vợ Đại đã lên thăm, nước mắt nhạt nhòa hứa sẽ ở vậy nuôi con, chờ ngày chồng về đoàn tụ. “Lúc cô ấy lên thăm, bế cả con lên, em hơi bất ngờ nhưng vui lắm khi được nghe tiếng con trẻ bi bô, nghe được những lời hứa chờ đợi của vợ” – Đại khẽ cười nhẹ để lộ hàm răng trắng đều tăm tắp.

Hởi lòng hởi dạ khi nghe những lời hứa thủy chung của vợ song thâm tâm Đại lúc nào cũng cảm thấy bất an, chỉ lo những lá thư qua lại sẽ thưa dần để rồi một ngày nào đó nhận được tin vợ theo người khác. Đại bảo biết mình lo thế là hơi quá, giữ vợ cho riêng mình là ích kỷ nhưng chưa hình dung được bản thân sẽ ra sao nếu một ngày nào đó biết tin vợ không còn là của mình nữa. Anh đã ân hận, day dứt lắm khi tham gia đánh chết người nên không cầu mong sự tha thứ, chỉ ao ước một điều sớm được ra trại để ngày trở về có người phụ nữ tựa cửa ngóng trông.

Theo Nguyễn Vũ (Đời sống & Pháp luật)

Để lại một bình luận