Báo cáo tài chính quý III.2018 của Công ty CP Ôtô Trường Hải (Thaco) cho thấy tuy đạt lợi nhuận trước thuế hơn 1.360 tỷ đồng, tăng tới 74% so với cùng kỳ nhưng đang gánh khoản vay ngân hàng ngắn và dài hạn lên đến 24.644 tỷ đồng, tăng hơn 9.500 tỷ đồng so với quý II.2018. Với nợ vay tăng vọt, mỗi ngày tỷ phú Trần Bá Dương phải gánh 2 tỷ tiền lãi vay ngân hàng.
Ba tháng, vay nợ ngân hàng tăng hơn 9.500 tỷ đồng
Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) do tỷ phú Trần Bá Dương làm Chủ tịch HĐQT mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý III.2018 với mức tăng trưởng khá ấn tượng.
Chỉ tính riêng quý III.2018, doanh thu của Thaco đã đạt 12.060,9 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi giá vốn tăng thấp hơn giúp lợi nhuận gộp công ty thu về tăng gần 60% đạt 2.420 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu quý III, bán ôtô vẫn là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất của Thaco khi mang về cho doanh nghiệp tới 10.874 tỷ đồng, tăng 22% cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu từ bất động sản cũng tăng mạnh lên gần 980 tỷ quý vừa qua, tăng 83%. Còn doanh thu bán phụ tùng cũng có mức tăng 42% đạt 194 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương ghi nhận khoản lãi trước thuế hơn 1.360 tỷ đồng, tăng tới 74%. Trừ đi chi phí thuế phải nộp, lãi ròng công ty này thu về vẫn tăng hơn 70% so với cùng kỳ đạt 1.260 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Thaco ghi nhận 39.812 tỷ doanh thu và 4.263 tỷ lãi ròng. So với kế hoạch 73.548 tỷ doanh thu thuần và 7.075 tỷ lợi nhuận sau thuế, đến nay Thaco đã thực hiện hơn 54% kế hoạch doanh thu thuần và 60% kế hoạch lãi sau thuế.
Tổng tài sản của Thaco tính tới ngày 30.9.2018 đã tăng gần 6.700 tỷ lên mức 72.400 tỷ đồng so với thời điểm 30.6.2018. Trong đó, tài sản tăng chủ yếu từ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng 2.217 tỷ do Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương trước đó đã chi để mua 221.688 trái phiếu chuyển đổi của Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) của Bầu Đức.
Ngoài ra, khoản phải thu ngắn hạn khác của Thaco cũng tăng thêm 2.400 tỷ lên 8.211 tỷ đồng, chủ yếu do các khoản tạm ứng, thuế nhập khẩu, tiền thuê đất tăng mạnh. Bất động sản đầu tư tăng từ 569 tỷ lên 1.748 tỷ đồng.
Doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng nhanh, song tổng nợ phải trả của Thaco tính đến cuối quý III.2018 cũng tăng lên gần 42.200 tỷ đồng. Vay ngân hàng ngắn và dài hạn chiếm tỷ trọng lớn trong số này với 24.644 tỷ, tăng hơn 9.500 tỷ đồng so với thời điểm kết thúc quý II.2018. Đồng thời, chiếm 34% tổng tài sản và tương đương 82% vốn chủ sở hữu.
Việc bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh bằng các khoản vay ngân hàng kéo theo chi phí lãi vay của Thaco tăng lên 178,11 tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi ngày trong quý III.2018, Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương phải trả gần 2 tỷ đồng lãi vay. Điều này cũng là một phần nguyên nhân khiến chi phí tài chính của Thaco tăng mạnh, tăng lên 365 tỷ đồng.
Dù kết quả kinh doanh ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng, song việc thuế suất nhập khẩu ô tô khu vực ASEAN đã về 0% từ ngày 1.1.2018 đã và đang gây một sức ép đáng kể đối với các nhà sản xuất trong nước. Do đó, việc tăng năng lực sản xuất, đặc biệt là tăng tỷ lệ nội địa hóa trên 40% để được hưởng thuế suất 0%, gia tăng xuất khẩu đang là bài toán cho các doanh nghiệp lớn như Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương.
Gánh nặng thuế xuất nhập khẩu của Thaco
Còn nhớ, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, tại phiên thảo luận ở hội trường về các vấn đề kinh tế – xã hội hằng năm và giữa kỳ 2016 -2020 diễn ra vào chiều 26.10, ĐBQH Phan Thái Bình (Quảng Nam) đã kiến nghị sửa đổi quy định về thuế TTĐB với ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống.
Theo đại biểu Bình, ngành công nghiệp sản xuất ô tô những năm gần đây có sự chuyển biến và được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Điều này cho thấy bước đầu cho thấy hiệu quả mang lại là rất lớn nhất là giải quyết việc làm tăng thu ngân sách nhà nước.
Đơn cử như riêng ô tô Trường Hải (Thaco) tại Quảng Nam của tỷ phú Trần Bá Dương đã tạo việc làm cho hơn 8.000 lao động trực tiếp đóng góp vào ngân sách 2017 hơn 12.000 tỷ đồng góp phần Quảng Nam tự cân đối ngân sách và đóng góp vào ngân sách trung ương 10%.
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực và thế giới thì ngành sản xuất ô tô nước ta vẫn còn nhiều thua kém, vẫn còn ở mức độ lắp ráp đơn giản. Hiện nay, ô tô trong nội khối ASEAN nhập về Việt Nam rất lớn, cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp ô tô trong nước. Do đó, ô tô trong nước gặp nhiều khó khăn, bất lợi trong việc cạnh tranh và trực tiếp là cạnh tranh về giá.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, nguyên nhân chính làm cho giá xe của trong nước tăng cao là do thuế, phí và sản lượng trong nước tích lũy trong nước thấp, sản xuất thấp hơn nhiều so với công suất thiết kế trong khi đó xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ các nước khu vực ASEAN được hưởng thuế suất 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN.
“Trước thực trạng này việc bảo vệ ô tô trong nước là hết sức cần thiết”, đại biểu Bình nhấn mạnh.
Đại biểu Phan Thái Bình đề nghị Chính phủ, Quốc hội sớm xem xét sửa đổi giá tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng không tính thuế TTĐB đối với giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.
“Nếu ngành ô tô trong nước được bảo vệ bằng chính sách thuế này sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Một trong số đó là giá thành ô tô sản xuất trong nước sẽ giảm, người tiêu dùng trong nước được lợi, ô tô sản xuất trong nước đủ sức cạnh tranh với ô tô nhập khẩu. Đây là điều kiện tiên quyết để ngành sản xuất ô tô trong nước tồn tại và phát triển”, đại biểu Bình chia sẻ.
(Theo danviet.vn)