Nợ hơn 3.000 tỷ, ông Dương Ngọc Minh dùng chiêu “khất nợ” cho Hùng Vương

Lỗ lũy kế tại ngày 30.09.2018 của HVG là 423 tỷ đồng

CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG) của ông Dương Ngọc Minh đã liên tục bán ra khối tài sản hiện có, thế nhưng con số lỗ lũy kế vẫn còn tới hàng trăm tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ ngân hàng của “vua cá tra” lên trên 3.000 tỷ. Nợ nhiều, ông chủ HVG đành phải xin “khất nợ” ngân hàng.

Báo cáo tài chính niên độ 2017-2018 vừa được Công ty cổ phần Hùng Vương (mã chứng khoán: HVG) công bố ghi nhận hàng loạt khoản mục bị thay đổi sau kiểm toán.

Nợ phải trả tăng, HVG xin gia hạn khoản vay

Điển hình là nợ phải trả tăng thêm 150 tỷ, lên 6.440 tỷ đồng mà nguyên nhân chủ yếu đến từ vay tài chính và các khoản phải trả ngắn hạn như hoàn tạm ứng, cổ tức…

So với đầu niên độ, nợ phải trả của HVG giảm đến 43%, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn hơn 6.298 tỷ đồng. Riêng khoản vay nợ ngắn hạn, dài hạn lần lượt là 3.124 tỷ đồng và 135 tỷ đồng tương ứng giảm 56% và 80% so đầu kỳ.

Giảm 3.300 tỷ đồng so với đầu năm nhưng vay ngân hàng vẫn chiếm hơn phân nửa trong cơ cấu nợ phải trả, tương ứng 3.358 tỷ đồng.

Trong đó, chủ nợ lớn nhất của “vua cá tra” Hùng Vương là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khi tổng số dư bằng đôla Mỹ và đồng Việt Nam lên đến 2.146 tỷ đồng. Trong đó, hơn 1.842 tỷ đồng với lãi suất 6,5% – 8,9%/năm; 304 tỷ lãi suất từ 4,5% đến 5,8%/năm và trên 83 tỷ vốn vay dài hạn. Những khoản này lần lượt đáo hạn vào tháng 6 và tháng 8 năm nay.

HVG của vua cá Dương Ngọc Minh còn vay ngắn hạn 619 tỷ đồng từ Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) với lãi suất 5,3-7% một năm. Đây là khoản nợ có giá trị lớn thứ hai, phát sinh từ giữa tháng 10.2017 và đáo hạn vào cuối tháng 3 năm nay. Tuy nhiên, đến cuối tháng 9 năm ngoái, công ty chưa thanh toán phần vay đến hạn trả 550 tỷ đồng và đang xin ngân hàng chấp thuận giãn thời gian thanh toán trong vòng 8 năm tiếp theo.

Loay hoạy bài toán giảm lỗ

Báo cáo tài chính sau kiểm toán của HVG còn cho thấy, doanh thu thuần của công ty đạt 8.105 tỷ đồng, giảm gần nửa so với niên độ trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của HVG tăng gần 9 tỷ đồng so với trước kiểm toán. Lợi nhuận sau thuế tăng lên 16 tỷ đồng, nhưng vẫn kém xa kế hoạch lợi nhuận 800 tỷ đồng được ban lãnh đạo công ty đề ra hồi đầu niên độ nhằm xóa sạch lỗ lũy kế kéo dài suốt hai năm.

Bên cạnh đó, kiểm toán còn đưa ra các vấn đề cần nhấn mạnh, như lưu ý đến thuyết minh về khoản lỗ lũy kế tại ngày 30.09.2018 của HVG là 423 tỷ đồng và dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của HVG.

 Lỗ lũy kế tại ngày 30.09.2018 của HVG là 423 tỷ đồng
Lỗ lũy kế tại ngày 30.09.2018 của HVG là 423 tỷ đồng

Theo đó, khả năng hoạt động kinh doanh của HVG phụ thuộc vào khả năng sắp xếp dòng tiền và kinh doanh có lợi nhuận trong tương lai cũng như việc được tái cơ cấu các khoản nợ ngân hàng. Ban giám đốc đã lập kế hoạch lợi nhuận và dòng tiền trong 12 tháng tiếp theo dự kiến sẽ được tạo ra từ hoạt động kinh doanh.

Đáng chú ý, trong niên độ 2017-2018, HVG đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) vào ngày 15.11.2017 với giá trị chuyển nhượng 487 tỷ đồng. Theo đó, số tiền lãi 132 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng này được ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính.

Vào ngày 15.07.2018, HVG cũng hoàn thành chuyển nhượng 60 triệu cp (57.22%) CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF) với giá 861 tỷ đồng. Số tiền lãi 335 tỷ đồng được ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính

Như vậy, năm 2018, 39% khối tài sản của HVG lần lượt bốc hơi, từ mức 13.877 tỷ về chỉ còn 8.434 tỷ đồng. HIện hệ thống HVG còn 24 công ty con liên kết, từ đơn vị nuôi trồng, nhà máy chế biến thức ăn thủy sản, đến trang trại nuôi heo.

Từng báo cáo với cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2018, Chủ tịch Dương Ngọc Minh nhấn mạnh HVG vẫn đang có kế hoạch rất rõ ràng, nếu trong trường hợp xấu nhất HVG sẽ bán hết tài sản hiện có. Trên thực tế thì tổng số tiền thu về sẽ rất lớn, khu Tân Tạo đã định giá 250 USD, tổng diện tích đất nuôi trồng hơn ngàn tỷ… đây cũng chính là yếu tố quyết định sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng. “Nếu không có được những giá trị trên, ngân hàng chắc đã không cho vay rồi”, ông Minh khẳng định.

Trước đó vào cuối tháng 3.2018, trong công văn gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, chủ tịch HĐQT của HVG cũng từng cho biết doanh nghiệp này sẽ triển khai 4 phương án khắc phục lỗ.

Cụ thể, là thoái vốn hai công ty con gồm Thực phẩm Sao Ta và Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, đóng cửa một số nhà máy chế biến thủy sản hoạt động không hiệu quả do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu. Công ty dự kiến thỏa thuận với ngân hàng về việc tiếp tục tài trợ nguồn vốn trung và dài hạn để hoàn thành các dự án dở dang, khoanh nợ và ưu đãi lãi suất đối với các khoản vay hiện tại.

HVG đặt mục tiêu tham vọng với tổng kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2019 ở mức 255 tỷ đồng.

Theo danviet.vn

 

Để lại một bình luận