Những nội dung này nằm trong chương trình công tác năm 2020 UBND TP HCM vừa đăng ký với Văn phòng Chính phủ. Trong đó, đề án nâng cấp Ban An toàn vệ sinh thực phẩm thành Sở An toàn thực phẩm sẽ được trình Thủ tướng trong quý một. Ban này được giao nhiệm vụ của cơ quan tương đương cấp sở, hoạt động thí điểm 3 năm qua, nhưng luật hiện hành không quy định cơ chế hoạt động cụ thể cho lực lượng thanh tra khiến họ chỉ có thể duy trì hình thức thanh tra chuyên ngành như cấp chi cục. Hiệu quả hoạt động của ban vì thế chưa cao.
Tiếp đó, thành phố trình đề án Thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ để xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, do hiệu quả từ việc phạt “nguội” qua hình ảnh còn rất thấp, chỉ đạt 20%.
Theo đó, thành phố xây dựng quy trình xử phạt theo 6 bước: ghi hình ảnh vi phạm; trích xuất; lập hồ sơ vi phạm; gửi thông báo; làm việc và lập biên bản vi phạm; cập nhật kết quả, kết thúc hồ sơ. Đối với chủ xe không chấp hành, cơ quan chức năng (Sở Giao thông Vận tải, Thanh tra GTVT, CSGT) đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chỉ đạo Cục Đăng kiểm từ chối đăng kiểm cho phương tiện.
Ngoài ra, thành phố cũng kiến nghị trung ương bổ sung quy định buộc chủ xe có trách nhiệm nộp phạt thay cho tài xế, trong trường hợp không xác định được người vi phạm.
Đến giữa năm sau, đề án Xây dựng tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố (giai đoạn 2021-2025) sẽ được trình Chính phủ để tạo nguồn lực giúp TP HCM tái đầu tư, phát triển.
Vấn đề tỷ lệ chia ngân sách bất hợp lý đã được thành phố kiến nghị nhiều lần vì “làm ra nhiều nhưng được giữ lại quá ít” khiến không có tiềm lực phát triển và chăm lo cho người dân. Cụ thể, dân số TP HCM chỉ chiếm hơn 9% nhưng đóng góp 24% GDP, 27% ngân sách cả nước – tức là mỗi người dân thành phố đóng góp ngân sách bằng 3 lần người vùng khác. Tuy nhiên, ngân sách thành phố nhận lại (ngoài khoản 18% tổng thu ngân sách thành phố được giữ lại theo tỷ lệ điều tiết) chỉ có 5% – bằng nửa bình quân cả nước.
Tổng thu ngân sách của TP HCM năm 2019 bằng 55 tỉnh (tính từ dưới lên) cộng lại, song tỷ lệ điều tiết ngân sách lại giảm qua các năm, từ 33% vào năm 2003 và đến nay chỉ còn 18%. Theo đề án đang được hoàn thiện, thành phố đề xuất tỷ lệ phân chia ngân sách giai đoạn 2021-2025 khoảng 24%.
Đề án thí điểm Chính quyền đô thị sẽ được thành phố trình Chính phủ trong quý ba. Đây cũng là lần thứ ba thành phố đưa vấn đề này lên trung ương, sau hai lần bị bác.
Đề án có 4 nội dung chính là: định hướng tổ chức lại các đơn vị hành chính (quận 2, 9, Thủ Đức) thuộc Khu đô thị sáng tạo phía Đông (lập thành phố mới thuộc TP HCM); đề xuất về cơ chế, chính sách phân cấp quản lý (cơ chế phân cấp giữa trung ương với chính quyền thành phố, phân cấp giữa chính quyền thành phố và chính quyền cấp quận huyện).
Nội dung thứ ba là thí điểm xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (quận huyện, thành phố thuộc thành phố và phường, xã, thị trấn). Ở mô hình này sẽ không tổ chức HĐND cấp quận huyện, thành phố thuộc thành phố và phường, xã, thị trấn. Chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND.
Nội dung cuối cùng của đề án là đổi mới cơ chế quản lý, phương thức hoạt động và xây dựng đội ngũ cán bộ công chức theo mô hình chính quyền đô thị.
Trong quý 4, thành phố sẽ trình đề án thí điểm kiểm soát khí thải đối với xe máy nhằm giảm ô nhiễm môi trường, trong khi chờ Bộ GTVT có quy định chính thức tại Luật Giao thông đường bộ được sửa đổi.
Thành phố hiện có gần 9 triệu phương tiện bao gồm hơn 825.000 ôtô và 8,12 triệu xe máy (chiếm khoảng 95%). Số lượng xe máy tiêu thụ 50% xăng (không tính diesel) nhưng thải ra cỡ 94% khí HC (hydrocacbon), 87% khí CO (cacbon monoxit), 57% khí NOx (oxit nitơ) và 33% bụi mịn PM1O trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới.
Lượng khí thải khổng lồ từ xe máy là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí tại TP HCM. Sở GTVT TP HCM từng đề xuất Bộ GTVT cho thí điểm làm đề án riêng để kiểm soát nhưng còn vướng pháp lý, phải chờ sửa đổi Luật Giao thông đường bộ.
Ngoài ra, UBND TP HCM cũng trình Chính phủ một số nội dung khác như thí điểm lập Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc UBND quận huyện trên cơ sở tổ chức lại Ban bồi thường giải phóng mặt bằng hiện nay; lập Ban quản lý phát triển đô thị thành phố và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng tuyến Metro Số 5, giai đoạn một (ngã tư Bảy Hiền – cầu Sài Gòn) trong quý 3; nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn 2060 vào quý 4.
Trung Sơn – Vnexpress