Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, Donald Trump đã giành chiến thắng vang dội khi đánh bại trong vòng bầu cử sơ bộ ứng viên được ưa thích của đảng Cộng hòa, Jeb Bush, con trai tổng thống Mỹ thứ 41 và em trai tổng thống Mỹ thứ 43, để rồi sau đó vượt qua bà Hillary Clinton, phu nhân của tổng thống Mỹ thứ 42.
Nhưng ngay cả như vậy, Tổng thống Trump vẫn vấp phải sự kháng cự từ bộ ba “con cháu” của những thành viên cộm cán, có sức ảnh hưởng lớn trong đảng Cộng hòa. Các tiếng nói đối lập này gần đây lại càng có cơ hội thỏa sức chĩa mũi dùi về phía Trump.
Người đầu tiên trong bộ ba này là Larry Hogan, thống đốc bang Maryland, người đã công khai thể hiện sự thất vọng với cách Tổng thống Trump ứng phó đại dịch Covid-19 mạnh mẽ nhất. Hồi năm 2016, ông là một trong số ít thống đốc đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ không ủng hộ ứng viên của đảng mình.
Thay vào đó, ông điền trên lá phiếu tên người cha quá cố của mình, nghị sĩ Lawrence J. Hogan, thành viên duy nhất thuộc đảng Cộng hòa bỏ phiếu tán thành cả ba điều khoản xem xét bãi nhiệm đối với tổng thống Richard M. Nixon trong vụ Watergate.
Người thứ hai là nghị sĩ Cộng hòa bang Wyoming Liz Cheney, con gái cựu phó tổng thống Dick Cheney. Bà dường như là thành viên kiên định nhất trong đảng Cộng hòa chỉ trích các chương trình an ninh quốc gia của Trump.
Bà công khai thể hiện ủng hộ với trung tá lục quân Alexander Vindman, người làm chứng trong cuộc điều tra xem xét bãi nhiệm Trump hồi năm ngoái, và Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Mỹ, cố vấn cho chính phủ trong cuộc chiến chống Covid-19. Cả Vindman và Fauci đều chịu nhiều công kích từ Nhà Trắng và một số đảng viên Cộng hòa khác.
Thượng nghị sĩ bang Utah Mitt Romney, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa năm 2012, thành viên thứ ba trong nhóm, không ngần ngại thể hiện thái độ đối địch Trump trong hàng loạt sự kiện. Cha ông, George Romney, là thống đốc bang Michigan ba nhiệm kỳ và cũng từng tranh cử tổng thống.
Romney là đảng viên Cộng hòa duy nhất bỏ phiếu ủng hộ một điều khoản xem xét bãi nhiệm Trump tại Thượng viện. Tháng trước, ông tham gia một cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc gần Nhà Trắng và hô to “Mạng người da màu cũng quan trọng” (“Black Lives Matter”). Đây là câu khẩu hiệu mà rất ít nghị sĩ Cộng hòa dám nói trước công chúng.
Romney đã lớn tuổi và đang bước vào chặng cuối trong sự nghiệp chính trị của mình tại Thượng viện. Theo ông, điều này giúp ông dễ dàng đưa ra quyết định hơn khi ra mặt phản đối Trump bởi ông không còn phải để tâm quá nhiều tới các triển vọng chính trị.
“Tôi đã học được rằng nếu bạn không làm theo lương tâm mình thì nó sẽ ám ảnh bạn rất rất lâu”, Romney chia sẻ. “Ở giai đoạn này của cuộc đời, tôi sẽ không làm như thế nữa”.
Nhóm tinh hoa đối đầu Trump còn gồm cả cựu tổng thống Mỹ George W. Bush và em trai Jeb Bush. Hồi tháng 5, George W. Bush công bố một video ca ngợi các nhân viên y tế và kêu gọi quốc gia đoàn kết chống Covid-19. Nhưng video của ông, nhận được sự khen ngợi từ cả lưỡng đảng, lại cho thấy nét tương phản rõ rệt so với cách tiếp cận có phần hiếu chiến mà Tổng thống Trump theo đuổi. Trump sau đó phàn nàn trong một dòng tweet rằng George W. Bush đã không bảo vệ ông một cách đúng mực trong suốt quá trình cuộc điều tra xem xét bãi nhiệm diễn ra.
Theo nhà sử học Jon Meacham, lịch sử gia đình và danh tiếng là động lực thúc đẩy nhóm tinh hoa đảng Cộng hòa thể hiện tiếng nói quyết liệt hơn đối với Trump.
Với Thống đốc Larry Hogan, việc cha ông vượt qua mọi thách thức, đi ngược lại số đông đảng viên Cộng hòa khác trong cuộc bỏ phiếu xem xét bãi nhiệm Nixon năm xưa, rõ ràng là một nguồn cảm hứng rất lớn thôi thúc ông hành động.
“Cha tôi đã phải trả cái giá rất đắt”, Hogan nói trong một cuộc phỏng vấn, đề cập tới những chỉ trích mà cha ông phải nhận sau khi bỏ phiếu tán thành các điều khoản xem xét bãi nhiệm Nixon.
“Ông ấy mất hết bạn bè trong quốc hội, ông ấy mất sự ủng hộ của đồng minh và ông ấy khiến Nhà Trắng giận dữ”, Hogan cho hay.
Tuy nhiên, theo Thống đốc Hogan, lịch sử đã đứng về phía cha ông. “Cha tôi bỏ phiếu bằng lương tâm của mình và giờ đây được biết đến như một người đàn ông đầy can đảm”, ông nói.
Không giống thượng nghị sĩ Romney, triển vọng sự nghiệp của nghị sĩ Liz Cheney đang rộng mở. Bà thậm chí được kỳ vọng trở thành lãnh đạo phe Cộng hòa ở Hạ viện và ứng cử tổng thống Mỹ.
Cheney đặc biệt khéo léo khi chỉ trích Trump và luôn cố không tỏ ra quá xa lánh ông. Trong khi Trump không ít lần thể hiện thái độ coi thường khả năng lãnh đạo của cựu tổng thống George W. Bush, ông hầu như không động chạm đến cha bà, cựu phó tổng thống Dick Cheney.
Ở tuổi 79, ông vẫn là cố vấn thân cận nhất của con gái mình, người đứng thứ ba trong hàng ngũ đảng viên Cộng hòa ở Hạ viện. Cheney mới đây đăng một bức ảnh cha bà đội mũ cao bồi và đeo khẩu trang y tế màu xanh với dòng bình luận: “Dick Cheney nói hãy đeo khẩu trang”, cùng dòng hashtag #realmenwearmasks (Đàn ông thực thụ đeo khẩu trang).
Thông điệp trên được coi là lời chỉ trích tinh tế nhằm vào Trump, người luôn từ chối đeo khẩu trang.
Nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Oklahoma Tom Cole cho biết Cheney, giống như cha bà, có quan điểm về chính sách đối ngoại phù hợp hơn với quan điểm truyền thống của đảng Cộng hòa và trái ngược với phong cách “không giống ai” của Trump. “Cha con Cheney đặt niềm tin lớn vào đồng minh, trong khi Tổng thống Trump lại luôn theo đuổi tôn chỉ ‘Nước Mỹ trên hết'”, Cole nói.
Hồi năm ngoái, tại một sự kiện ở Georgia, Dick Cheney khi trò chuyện với Phó tổng thống Mike Pence đã không che nỗi giấu hoài nghi về chính sách đối ngoại của Mỹ.
“Chúng ta đang rơi vào tình thế mà bạn bè, đồng minh trên toàn thế giới, những người mà ta cần dựa vào, đang mất dần niềm tin vào chúng ta”, ông nói.
Nhưng không đòn công kích nào từ cha con Cheney khiến Nhà Trắng lên tiếng phản ứng. Thực tế, bà là người phản đối cuộc điều tra xem xét bãi nhiệm Trump. Năm ngoái, Liz và Dick Cheney còn tổ chức một buổi gây quỹ cho Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa và chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Mỹ.
Về phần mình, thượng nghị sĩ Romney khẳng định ông không quan tâm đến việc lịch sử nhớ tới ông như thế nào bằng việc gia đình nghĩ gì về ông. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng ở tuổi 73, ông còn quá trẻ để sống bằng quá khứ.
“Tôi mới chỉ bắt đầu với những công việc ở Thượng viện”, Romney nói.
Vũ Hoàng (Theo NYTimes) – Vnexpress