Những người nước ngoài mắc kẹt ở Vũ Hán

Khamis Hassan Bakari, bác sĩ 39 tuổi người Tanzania, là một trong hơn 4.000 người nước ngoài bị mắc kẹt tại Vũ Hán vì dịch viêm phổi.

Siêu thị vốn đông đúc ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc giờ gần như không một bóng người vì nỗi sợ dịch viêm phổi. Ngoài Bakari, chỉ có hai người khác đi mua sắm trong siêu thị này.

“Mọi người đều sợ hãi. Sợ phải gặp bất cứ ai. Bạn thậm chí không muốn tới siêu thị và chạm tay vào những sản phẩm mình mua”, Bakari nói.

Trung Quốc đã phong tỏa nhiều thành phố với hơn 50 triệu người nhằm kiểm soát dịch viêm phổi do chủng virus corona gây ra. Đường phố trống trơn. Phương tiện giao thông công cộng bị cấm. Kỳ nghỉ Tết âm lịch trở nên hiu quạnh.

Trong khi các nước giàu như Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành kế hoạch sơ tán người dân khỏi Vũ Hán, những người châu Phi như Bakari có rất ít cơ hội rời khỏi thành phố này giữa lệnh phong tỏa. 

“Tôi có cảm giác mình như mắc kẹt ở đây”, Abel, sinh viên Ethiopia ở Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán, nói. Giống nhiều sinh viên khác, Abel lo lắng bị mất học bổng nếu bày tỏ nỗi lo lắng của mình và khiến chính quyền sở tại tức giận vào thời điểm này.

Năm 2018, có hơn 80.000 sinh viên châu Phi ở Trung Quốc, đứng thứ hai sau châu Á về số lượng sinh viên nước ngoài ở quốc gia này, trong đó hơn 4.000 người đang theo học ở Vũ Hán.

Không ai trong số họ lường trước tình cảnh hiện tại. Không ai biết lệnh phong tỏa sẽ kéo dài bao lâu và con đường lây lan của virus. Chính phủ Botswana bày tỏ lo lắng về nguồn cung thực phẩm và nước uống cho sinh viên tại Trung Quốc, trong khi chính phủ Kenya đang tìm cách chống đỡ trước cáo buộc bỏ mặc sinh viên.

Khamis Hassan Bakari đứng trên phố vắng người vì dịch viêm phổi ở Vũ Hán. Ảnh: AP.
Khamis Hassan Bakari đứng trên phố vắng người vì dịch viêm phổi ở Vũ Hán. Ảnh: AP.

Do đó, Bakari và nhóm bác sĩ Tanzania đang theo học ở Trung Quốc thường xuyên cập nhật trên mạng xã hội về sự bùng phát của dịch viêm phổi cho hơn 400 sinh viên đồng hương ở Vũ Hán cũng như hàng trăm người dân quốc gia Đông Phi này ở Trung Quốc.

“Họ không biết chính xác những gì diễn ra ở đây”, Bakari nói và thêm rằng nhóm của anh cập nhật tin tức chủ yếu bằng tiếng Swahili, ngôn ngữ chính ở Đông Phi, để nhiều người dễ dàng theo dõi. “Tất cả chúng ta là một gia đình”, nhóm của Bakari viết trên Twitter hôm 28/1 nhằm khuyến khích người châu Phi tuân thủ biện pháp phòng dịch. 

Lo lắng là điều dễ hiểu khi quốc gia giàu có nhất châu Phi là Nam Phi cũng không có kế hoạch sơ tán người dân ở Vũ Hán. Chính quyền Nam Phi yêu cầu sinh viên học ở Trung Quốc tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của trường đại học và cảnh báo gánh hậu quả nếu tự ý rời khỏi thành phố Vũ Hán.

Trong khi đó, Vua Morocco Mahammed VI đã yêu cầu chính phủ nước này hồi hương 100 công dân ở Vũ Hán. Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune cũng ra lệnh sơ tán lập tức 36 công dân ở Vũ Hán, phần lớn trong đó là sinh viên.

Trao đổi qua điện thoại, Bakari thoải mái chia sẻ về cuộc sống giữa lệnh phong tỏa ở Vũ Hán. “Là một bác sĩ, tôi biết phải làm gì trong tình cảnh căng thẳng hiện tại. Chúng tôi đã bắt đầu tìm cách vượt qua thử thách này”, Bakari cho hay. 

Để trấn an mọi người, nhóm của Bakari đã khuyến nghị họ tập thể dục ít nhất 20 phút mỗi ngày và hạn chế lên mạng để tránh bị ảnh hưởng bởi những tin đồn thất thiệt.

Nhóm này lấy dẫn chứng về video quay cảnh một sinh viên Congo bị ốm tại bệnh viện Trung Quốc lan truyền trên mạng đã làm dấy lên nỗi lo sợ về dịch viêm phổi. “Thực tế nam sinh viên đó bị sỏi thận. Chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp sinh viên nước ngoài nào ở Vũ Hán bị nhiễm virus”, Bakari nói. 

Một sinh viên Ghana cho biết giới chức trường Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán đã khuyến cáo sinh viên không chia sẻ video, hình ảnh hay tin nhắn về dịch viêm phổi trên WeChat và đe dọa ngắt WiFi nếu họ làm như vậy. Người này cho biết sinh viên chỉ cố gắng tìm hiểu về tình hình hiện tại và thêm rằng muốn rời khỏi Trung Quốc ngay khi giao thông được nối lại.

“Đây không phải lúc để mạo hiểm. Không nên gây ra sự hoảng loạn vào thời điểm này”, Edward Boateng, đại sứ Ghana ở Trung Quốc, khuyến cáo. Các cơ quan ngoại giao của châu Phi ở Bắc Kinh đang tìm cách giúp đỡ sinh viên thông qua cơ quan di trú Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức khác.

Tiến sĩ Hilal Kizwi, thành viên trong nhóm của Bakari, cho biết tình cảnh hiện nay khá hỗn loạn, đặc biệt là với sinh viên châu Phi mới đến và người không biết tiếng Trung Quốc. Ông cho biết virus lúc đầu xuất hiện với triệu chứng giống như cúm. Sau đó, giới chức y tế cảnh bảo ông và nhiều người khác trong một bệnh viện địa phương nên cẩn thận và che miệng khi tiếp xúc với người khác.

Bệnh nhân bắt đầu tử vong trong khi số người nhập viện ngày càng tăng. Nguồn cung cấp khẩu trang và nhiều vật dụng y tế khác trở nên ngày càng ít. Cuối cùng, nhiều sinh viên quyết định nghỉ học.

“Tôi thấy mình như bị giam cầm. Điều duy nhất tôi có thể làm là nói chuyện với gia đình rằng tôi khỏe và mọi chuyện vẫn ổn”, Kizwi nói sau buổi cầu nguyện buổi tối. Ông cảm thấy mọi chuyện vẫn ổn cho tới khi nghe tin một bác sĩ địa phương chết vì virus. Kể từ đó, mỗi khi ra ngoài, ông thường đeo hai chiếc khẩu trang thay vì một như trước.

Kizwi cho biết thêm nhiều sinh viên đã liên hệ tới đại sứ quán Tanzania để tìm cách rời Vũ Hán và được thông báo họ đang làm việc với chính quyền địa phương về vấn đề này. “Tuy nhiên, tôi không trông đợi vào điều đó”, Kizwi nói.

Bakari cho biết người nước ngoài không thể làm được gì nhiều trong tình cảnh hiện tại, khi cảnh sát liên tục giám sát những người ra vào thành phố. Hầu hết siêu thị và hiệu thuốc đều đóng cửa. Chỉ có một cửa hàng mở cửa tại Đại học Y Tongji, nơi Kizwi đang theo học, nhưng hàng hóa đều nhanh chóng hết sạch.

Nhân viên y tế đi kiểm tra trên phố ở Vũ Hán hôm 27/1. Ảnh: AP.
Nhân viên y tế đi kiểm tra trên phố ở Vũ Hán hôm 27/1. Ảnh: AP.

Bakari cho biết nhóm của anh đã thu thập số điện thoại của đại diện hội sinh viên quốc tế ở các trường đại học tại Vũ Hán để sinh viên có thể tìm kiếm sự giúp đỡ. Một số sinh viên được phát nhiệt kế và được thăm khám mỗi ngày. Bakari cho biết tại trường của anh, khẩu trang được phát cho sinh viên hàng ngày.

“Cho tới trước ngày hôm qua, trường vẫn cung cấp đồ cho chúng tôi mỗi ngày”, Bakari cho biết được cấp sô cô la, bánh, đường, dầu ăn và nước. “Hôm nay, có thông báo mới rằng nếu muốn đi quanh thành phố, chúng tôi phải đăng ký với chính quyền địa phương. Họ cung cấp cho chúng tôi số điện thoại và chúng tôi phải gọi cho họ để xin phương tiện đi lại hoặc hỗ trợ khác”.

“Chúng tôi đánh giá cao những gì họ đang làm”, Bakari khen ngợi công tác ứng phó với dịch của chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên, Bakari cho biết không có kế hoạch đi ra ngoài lần nữa.

Sau khi tới siêu thị và mua đủ rau quả, sữa bột để bổ sung dinh dưỡng khi trứng, thịt hay cá không còn là lựa chọn phù hợp do lo sợ virus lây lan, Bakari giờ có thể tạm yên tâm ở trong nhà để đảm nhận vai trò như nhà điều tra, trị liệu và người cung cấp thông tin về dịch viêm phổi ở Vũ Hán.

Tình hình hiện tại có thể rất mệt mỏi nhưng Bakari cho biết “chúng tôi thực sự không ngủ được trong những ngày này”. 

 Thanh Tâm (Theo Los Angeles Times) – Vnexpress