Hàng xóm của King còn đề nghị mang thức ăn để sẵn ở cửa mỗi ngày nếu anh đồng ý tự cách ly trong nhà. “Tôi vẫn tôn trọng những người ngang ngược đó”, King nói.
Anh là một trong 650 người Mỹ trở về tháng trước sau khi bị mắc kẹt trên MS Westerdam, du thuyền lênh đênh giữa biển hơn một tuần vì không quốc gia nào cho cập cảng do sợ lây nhiễm nCoV. Campuchia sau đó cho con tàu cập cảng và các hành khách như King được phép bay về nước.
Tuy nhiên, việc một hành khách người Mỹ bị giới chức Malaysia phát hiện nhiễm nCoV khi quá cảnh ở Kuala Lumpur đã gây ra tình trạng hoảng loạn. Những ngày sau đó, 1.580 hành khách và thủy thủ đoàn được xét nghiệm nCoV và cho kết quả âm tính, trong đó có King. Tuy nhiên, quyết định bay về Mỹ trước khi có kết quả xét nghiệm đã khiến King trở thành mục tiêu bị chỉ trích.
Những lời chỉ trích gay gắt đối với King cho thấy áp lực mà xã hội có thể đổ lên đầu bất kỳ ai bị cho là mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng, ngay cả khi họ không gây ra mối nguy hiểm thực sự nào.
Khi Covid-19 lan rộng, ngày càng nhiều người bị ám ảnh bởi dịch bệnh này dù nó cách rất xa. Bạn bè thân thiết hoặc hàng xóm của một số người bỗng biến mất. Người trông trẻ đột ngột bỏ việc. Một số người như Christina Kerby vẫn thấy ngại khi mua đồ ăn trưa ở nơi công cộng, ngay cả khi Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) tuyên bố họ không gây ra bất cứ nguy cơ lây nhiễm virus nào.
“Giờ tôi cảm nhận được những ảnh hưởng trực tiếp của việc bị kỳ thị”, Kerby, hành khách của du thuyền Westerdam, nói và cho biết có người lạ đã cảnh báo trên Twitter rằng cô nên tự cách ly.
“Cần có một sự cố như thế này để mọi người nhận ra ai mới là người thân và bạn bè thực sự”, Michael Parry, hành khách của du thuyền Westerdam, nói. Anh cho biết mình không được mời tới dự bữa tiệc baby shower (tiệc mừng em bé sắp chào đời) của người thân trong gia đình sau khi trở về Mỹ.
Những lời thóa mạ nặng nề nhất được nhắm vào những người bị coi là đe dọa sức khỏe cộng đồng vì không tự cách ly sau khi rời du thuyền về nước.
Vợ chồng Jeri Seratti-Goldman, hành khách của du thuyền Diamond Princess, nơi ghi nhận hơn 600 ca nhiễm nCoV, đã nhận được nhiều tin nhắn động viên, nhưng cũng nhận không ít email cáo buộc họ cố tình mang virus về Mỹ.
“Chúng ta luôn nghĩ về rủi ro qua lăng kính của cảm xúc tiêu cực. Nhưng cách thức thời hơn để đối phó với rủi ro là dựa vào thống kê và khoa học. Nếu chúng ta nghĩ theo cách cũ thì rất khó để giải quyết nó”, Paul Slovic, giáo sư tâm lý tại Đại học Oregon và là chủ tịch Decision Research, tổ chức chuyên nghiên cứu về quy trình ra quyết định và rủi ro, cho hay.
Giáo sư Slovic cho biết mọi người thường phản ứng gay gắt nhất với rủi ro khi nó nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Ông thêm rằng vì nCoV có thể truyền từ người chưa xuất hiện triệu chứng nên nó gây ra cảm giác sợ hãi cao độ.
Jane Futcher, hành khách 72 tuổi của du thuyền Westerdam, cho biết một người bạn thân ở San Francisco từ chối để vợ chồng bà ngủ lại qua đêm khi họ trở về Mỹ.
“Tôi thật sự thấy tổn thương, nhất là khi chúng tôi đang rất mệt mỏi. Nó khiến tôi nhớ lại thời điểm dịch AIDS bùng phát, nhiều người lo lắng không biết bạn có từng tiếp xúc với người nhiễm bệnh không”, Futcher nói, cho biết vợ chồng bà đã phải đến một nhà nghỉ ngủ đêm đó.
Sau khi Campuchia đồng ý cho du thuyền Westerdam cập cảng, King, diễn viên hài tự do từng biểu diễn trên du thuyền, tìm cách trở về nhà. Anh đặt vé trên một chuyến bay thương mại ngay sau khi lấy mẫu xét nghiệm nCoV và về Mỹ trước khi có kết quả.
Holland America, công ty sở hữu du thuyền Westerdam, thông báo hành khách phải đợi kết quả xét nghiệm trước khi lên máy bay. Nhưng King cho biết một nhân viên CDC nói rằng anh không có lý do gì để ở lại bởi anh không có triệu chứng và cũng chưa từng tới Trung Quốc đại lục.
“Tôi ước mình có được văn bản ghi lại những lời đó. Nếu nhân viên CDC kia yêu cầu tôi chờ đợi, tôi chắc chắn đã ngồi im ở đó. Tôi sẽ không khiến cho mọi người xung quanh gặp nguy hiểm”, King nói. Một nữ phát ngôn viên của CDC cho biết cô không thể xác nhận hay bác bỏ tuyên bố của King.
Sau khi King trở về, nhiều người đã gửi tin nhắn và nói rằng họ hy vọng anh chết vì nCoV. Một người còn phẫn nộ tuyên bố sẽ hủy hoại sự nghiệp của anh và đảm bảo anh không bao giờ được mời đi biểu diễn ở bất cứ đâu.
“Họ đang khiến cuộc sống của vợ tôi trở nên thật khó khăn khi luôn hỏi ‘Chồng cô có xin lỗi không?'”, King nói. Anh lúc đầu từ chối nhận phỏng vấn, nhưng sau đã quyết định kể lại câu chuyện của mình. Mặc dù CDC tuyên bố hành khách của du thuyền Westerdam có “nguy cơ nhiễm bệnh rất thấp”, King vẫn muốn nói, “Tôi xin lỗi nếu khiến bất kỳ ai cảm thấy sợ hãi”.
King cho hay nhờ có chuyện này, anh mới có thể hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của những cậu bé bị bắt nạt trên mạng. Bên cạnh những lời đe dọa, anh cũng nhận được nhiều tin nhắn động viên từ bạn bè và người lạ. Một bác sĩ thú y còn không lấy tiền của anh vì cho rằng anh đã trải qua khoảng thời gian thực sự khó khăn.
“Những hành động tốt đẹp đó khiến tôi vô cùng cảm động”, King nói.
Thanh Tâm (Theo NY Times) – Vnexpress