Công ty của cô – MD Ally – cho phép những người điều phối đường dây khẩn cấp 911 chuyển hướng các cuộc gọi và bệnh nhân không cấp bách đến bác sĩ trực tuyến. Việc này sẽ giúp các chính quyền địa phương cải thiện tốc độ phản ứng với các trường hợp khẩn cấp.
“Có một điều rất nhiều người không biết, là hơn nửa cuộc gọi đến 911 không phải trường hợp khẩn cấp”, Fields nói. Cha cô là môt nhân viên cấp cứu tình nguyện. Chính công việc của cha đã giúp cô nảy ra ý tưởng này. “Những cuộc gọi không cấp bách sẽ khiến phòng cấp cứu quá tải và và làm chậm các xe cấp cứu”.
Tuy nhiên, cô cũng thừa nhận rằng khởi nghiệp trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế là điều điên rồ. Cô biết rằng trong khi công ty mình đang tuyển dụng, rất nhiều công ty nhỏ khác lại đang lo lắng không biết họ có thể mở cửa trở lại hay không.
Dù vậy, cô không phải là người duy nhất. Rất nhiều người cũng khởi nghiệp trong đại dịch, dù tốc độ chậm hơn đáng kể so với trước đây.
Cục Thống kê Mỹ đã ghi nhận hơn 500.000 đơn đăng ký mã số thuế liên bang (được dùng để nhận diện doanh nghiệp) từ giữa tháng 3. Con số này thấp hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Giai đoạn giữa tháng 3 – giữa tháng 4, Cục Quản lý Doanh nghiệp nhỏ (SBA) cấp gần 300 khoản vay khởi nghiệp, trị giá gần 153 triệu USD, giảm 36% so với năm ngoái. Stripe – hãng xử lý các thanh toán bằng thẻ tín dụng, cũng cho biết đã ghi nhận hơn 1 triệu USD doanh số cho các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trong thời kỳ này.
“Suy thoái hoặc thời kỳ khó khăn được coi là cơ hội tốt để khởi nghiệp vì 2 lý do”, Rashmi Menon tại Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp Zell Lurie thuộc Đại học Michigan cho biết, “Một là tài nguyên ít bị cạnh tranh hơn. Hai là dù chúng ta phải đối mặt với thay đổi gì, tích cực hay tiêu cực, điều đó cũng tạo ra nhu cầu mới cho khách hàng. Và nhu cầu khách hàng là điều cốt lõi của bất kỳ việc kinh doanh nào”. Những đợt suy thoái trước đã sản sinh ra hàng loạt cái tên nổi tiếng, như Airbnb, Disney, General Motors, Hewlett-Packard, Microsoft, Slack, Uber và Venmo.
Với Fields, khởi nghiệp vào thời điểm này sẽ giúp cô tiếp cận được những người tài năng nhất. Cô vừa tuyển nhân viên thứ 4 và đã nhận được hơn 200 hồ sơ đạt tiêu chuẩn. Việc tham gia vào ngành chăm sóc sức khỏe trong đại dịch cũng giúp cô quảng bá tên tuổi với giới chức và các nhà tài trợ. MD Ally gần đây đã có khách hàng đầu tiên và chốt vòng huy động vốn thứ nhất với 1 triệu USD.
Còn với những người khác, thời điểm này có lợi vì lãi suất vay khởi nghiệp thấp, chi phí trang thiết bị rẻ do các doanh nghiệp thanh lý máy móc, đồ dùng vì phải đóng cửa. Tiền thuê mặt bằng cũng thấp hơn vì các chủ đất sốt sắng muốn lấp đầy chỗ trống.
Dù vậy, các số liệu liên bang cho biết trong thời kỳ thuận lợi, 20% doanh nghiệp mới không thể tồn tại năm đầu tiên. Trong thời kỳ khó khăn, thách thức sẽ càng lớn hơn. Dù vậy, một cửa hàng hay hiệu sách mở cửa ở phố lớn sẽ đối mặt với rủi ro khác hoàn toàn so với các hãng công nghệ mới, có thể làm việc từ xa và khách hàng không cần tập trung một chỗ.
“Sẽ có những ngành công nghiệp chiến thắng, và số khác thất bại”, David Brown – đồng sáng lập tổ chức hỗ trợ startup Techstars trong thời kỳ khủng hoảng 2008 cho biết, “Tôi bây giờ có lẽ không muốn làm việc trong ngành phục vụ người hay đi công tác đâu, nhưng nếu là công ty giúp chăm sóc sức khỏe từ xa thì khác”.
Biết khách hàng cần gì ở thời điểm hiện tại, chứ không phải trước đại dịch, là điều quan trọng. Menon và Brown nhìn thấy cơ hội trong việc đưa ra giải pháp với những thách thức hiện tại: Giáo dục trẻ em, làm việc từ xa, quản lý chuỗi cung ứng, cắt tóc hay dọn dẹp nhà cửa, gặp bác sĩ, giải trí tại gia. Kể cả việc mở nhà hàng mới cũng có thể thành công nếu cân nhắc đến dịch vụ khách hàng trong tương lai, thay vì làm theo hệ thống cũ.
“Nếu anh có thể tìm ra các cách sáng tạo, giúp mọi người có đồ ăn, điều đó hoàn toàn khả thi. Anh chỉ cần thỏa mãn nhu cầu khách hàng thôi”, Menon nói.
Tìm ra cách mở một hàng ăn cho tương lai cũng là nhiệm vụ khó khăn với Maarten Jacobs – giám đốc phụ trách cộng đồng tại quỹ từ thiện Allyn Family Foundation ở New York. Đó cũng không phải nhiệm vụ Jacobs mong đợi được giao. Anh hiện quản lý việc đầu tư của quỹ này vào một tòa nhà 4 tầng, rộng hơn 7.400m2 được thiết kế để làm nơi tụ họp và hỗ trợ các doanh nhân nhỏ trong lĩnh vực thực phẩm tại thành phố này. Trung tâm của dự án hiện tại là Salt City Market – cung cấp các quầy bán thực ăn do phụ nữ và người da màu quản lý.
Dự án dự kiến mở cửa vào tháng 11. Vì thế, Jacobs đang tập trung tìm cách an toàn nhất để mở một khu chợ hơn 2.200m2 khi cả thế giới đang băn khoăn về bao giờ và bằng cách nào mọi người sẽ tập trung trở lại. “Việc này khiến tôi trằn trọc cả đêm”, Jacobs nói.
Ông đang đánh giá xu hướng toàn cầu về cách các cửa hàng mở trở lại và biện pháp an toàn đang được sử dụng để xem liệu mình có thể làm gì vào mùa thu này. Jacobs cũng đang cân nhắc áp dụng cửa mở bằng chân, bình đựng gel sát khuẩn di động và mô hình nội thất kiểu mới.
“Trong quá khứ, chúng ta chỉ muốn nội thất nhìn thật bắt mắt. Còn hiện tại, nó không chỉ bắt mắt, mà còn phải bền khi bị lau chùi nhiều”, ông nói.
Dù vậy, mối lo lớn nhất của ông là các doanh nhân khởi nghiệp. Ông không muốn họ thất bại.
Ngoc Huynh là một trong những đầu bếp tham gia dự án Salt City Market. Bà sẽ mở một quầy đồ ăn Việt Nam tại đây. “Tôi muốn lạc quan và hy vọng vào điều tốt nhất”, Huynh cho biết.
Bà biết rằng mở nhà hàng là việc rất thách thức. Mẹ và dì của bà cũng từng có một cửa hàng ăn nhỏ để làm thêm. Tuy nhiên, Huynh được trấn an rằng bà không chỉ có một mình. Bà và các đầu bếp khác được hỗ trợ từ quỹ. Họ cũng giúp đỡ nhau trong việc mở hàng ăn giữa thời kỳ giãn cách xã hội. Nhóm của bà đang cân nhắc thực đơn mới và tuyển tài xế giao hàng để phục vụ tất cả các quầy ăn.
“Chúng tôi đang suy nghĩ việc này cùng nhau”, Huynh nói, “Đây là điều rất tuyệt vời. Chúng tôi là đối thủ, nhưng cũng hỗ trợ nhau nữa”.
Hà Thu (theo NYT) – Vnexpress