Shinzo Abe hôm nay kết thúc vai trò thủ tướng tại vị lâu nhất nước Nhật, chấm dứt thời kỳ lãnh đạo với nhiều khoảnh khắc đáng chú ý, trong đó có những hình ảnh gắn liền với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Abe coi việc xây dựng mối quan hệ cá nhân thân thiết với Trump là nền tảng để bảo vệ đồng minh chủ chốt. Năm 2016, ông bay đến New York để gặp Trump, khi đó mới đắc cử, trở thành lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp Trump tại tòa nhà chọc trời của Tổng thống Mỹ ở Manhattan.
Hai người thường xuyên cùng nhau chơi golf. Trump là nguyên thủ quốc gia đầu tiên gặp tân hoàng của Nhật Bản. Abe có rất nhiều khoảnh khắc đáng nhớ cũng như khó xử với Trump.
Một trong những khoảnh khắc đó là cú bắt tay dài 19 giây với Tổng thống Mỹ năm 2017 trong đó Trump như vật tay với Abe. Video kết thúc bằng cảnh nhà lãnh đạo Nhật Bản nhăn mặt, tỏ ra nhẹ nhõm khi cuộc gặp kết thúc, thành chủ đề nóng trên mạng xã hội. Một video nữa là trận golf tháng 11/2017, khi Abe ngã ngửa xuống hố cát còn Trump đang quay lưng lại, tiếp tục đi mà không hề nhận ra.
Abe cũng từng gây bất ngờ khi hóa thân thành nhân vật biểu tượng của trò chơi điện tử Super Mario năm 2016, khi thể hiện quyết tâm tổ chức thế vận hội Tokyo tại lễ bàn giao sau Thế vận hội ở Rio de Janero ở Brazil.
“Tôi muốn thể hiện sức mạnh mềm của Nhật Bản với thế giới nhờ sự giúp đỡ của các nhân vật nổi tiếng của Nhật Bản”, ông nói với phóng viên.
Rất hiếm chính trị gia nào có thể nói nhiệm kỳ của họ liên quan tới việc kết thúc một kỷ nguyên, nhưng ở Nhật Bản, việc Nhật hoàng Akihito thoái vị đồng nghĩa với việc kết thúc kỷ nguyên triều đại Heisei (Bình Thành) năm 2019.
Triều đại Reiwa (Lệnh Hòa) bắt đầu vào tháng 5/2019 và Tân hoàng Naruhito chính thức lên ngôi vào tháng 10 trong một buổi lễ truyền thống hoành tráng.
Trong vai trò thủ tướng, Abe từng đứng trên sân khấu, phát biểu trước tân hoàng, cam kết người dân Nhật Bản sẽ “tôn trọng hoàng đế bệ hạ như biểu tượng của đất nước và đoàn kết của người dân Nhật Bản”. Sau đó, ông giơ tay lên ba lần, hô to cụm từ “Banzai” (Hoàng thượng vạn tuế).
Ông cũng từng bị chỉ trích khi tới thăm đền Yasukuni năm 2012, ngôi đền thờ những người đã chết trong chiến tranh của Nhật Bản, bao gồm một số người bị tòa án tội ác chiến tranh của Mỹ kết tội.
Một số quốc gia trong khu vực coi đó là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản. Chuyến thăm của Abe khiến Trung Quốc và Hàn Quốc phẫn nộ, đồng thời bị Mỹ chỉ trích. Abe cho hay không có ý định làm gia tăng căng thẳng và những năm sau ông không tới nữa, chỉ gửi đồ lễ.
Abe không nói nhiều về di sản mà mình sẽ để lại, nhưng rất tự hào khi nhắc tới việc đã đưa tổng thống Mỹ Barack Obama tới Hiroshima năm 2016. Obama là tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới thăm nơi nay, bày tỏ lòng kính trọng với nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới, dù không đưa ra lời xin lỗi.
Cuối năm đó, hai nhà lãnh đạo đã tới Trân Châu Cảng. Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo của Nhật Bản tới thăm nơi này, đưa ra tuyên bố mang tính biểu tượng về sức mạnh hòa giải và gióng hồi chuông cảnh báo nguy cơ xung đột trên khắp thế giới.
Hồng Hạnh (Theo AFP) – Vnexpress