Chiến lược đổi mới đảo chiều được Giáo sư Vijay Govindarajan (Đại học Dartmouth) giới thiệu vào năm 2008. Song khái niệm này chỉ được biết đến rộng rãi hơn vài năm gần đây qua câu chuyện thành công của các ông lớn ngành ôtô, công nghệ, di động…
General Electric đã dùng chiến lược đổi mới đảo chiều để trình làng những mẫu laptop tầm trung nhưng sở hữu thiết kế và tính năng đặc trưng của phân khúc cao cấp. Chiến lược này giúp Ford giành lại thị phần toàn cầu, khi mang loạt công nghệ ôtô mới vào thị trường mới nổi ở Ấn Độ, trước khi đem chúng trở lại phân khúc hạng sang ở Mỹ.
Đổi mới đảo chiều còn được Mercedes-Benz áp dụng cho hai dòng xe C-Class và E-Class. Mặc dù giá bán chỉ hướng tới phân khúc trung cấp hạng sang, song E-Class lại được ưu ái là dòng xe đầu tiên của Mercedes-Benz ứng dụng công nghệ phun xăng điện tử, chiếc xe đầu tiên trên thế giới trang bị 2 nút điều khiển cảm ứng trên tay lái… chứ không phải dòng xe siêu sang cỡ lớn S-Class.
Thay vì E-Class, thì dòng xe nhỏ C-Class lại sở hữu trước tiên triết lý thiết kế “Sensual Purity (Gợi cảm thuần khiết) đầy tự hào của Mercedes-Benz. C-Class cũng là chiếc ôtô đầu tiên của hãng xe Đức trang bị nền tảng khung gầm MRA nhẹ hơn tới 100kg so với thế hệ trước, chứ không phải các đàn anh lừng lẫy như E hay S-Class.
Chiến lược này cũng góp phần tạo ra thành công cho Samsung. Chỉ sau hai năm, series Galaxy A đã gây dựng được vị thế vững chắc trong phân khúc tầm trung. Khác với dòng J từng làm mưa làm gió thị trường 2 năm trước, lấy các đối thủ cùng phân khúc giá làm thước đo cải tiến, thì dòng A lấy các tính năng tương lai của các thiết bị đầu bảng làm chuẩn mực phục vụ người dùng.
Suốt 2 năm qua, những công nghệ tân tiến của làng di động được Samsung âm thầm đưa lên serries Galaxy A trước tiên, thay vì Galaxy S hay Note. Cụ thể, chế độ sạc siêu nhanh có từ thời Galaxy A50s và camera góc siêu rộng được đưa lên Galaxy A7 trước, rồi mới đến Galaxy S10. Cuối năm 2019, Galaxy Note10+ ra mắt bộ 4 camera đánh dấu bước nhảy vọt của nhiếp ảnh di động, thế nhưng trước đó một năm, chúng đã được trang bị lần đầu tiên trên chiếc Galaxy A9.
Hầu hết các tính năng đổi mới của Samsung đều hướng tới công nghệ camera trên smartphone, nhằm đáp ứng nhu cầu nhiếp ảnh ngày càng cao cấp hơn của giới trẻ. Đầu năm 2020, Samsung ra mắt Galaxy A51 với ống kính thứ 5 – camera macro chụp cận cảnh ở cự ly 3cm – chưa từng trên các thiết bị cao cấp của hãng. Chưa đầy một tháng sau, hãng tiếp tục trình làng Galaxy A71 – chiếc smartphone thứ hai trang bị camera macro và lần đầu tiên sở hữu camera 64 megapixel.
Không chỉ dừng lại ở đổi mới đảo chiều với camera 64 megapixel và macro 5 megapixel trên Galaxy A71, Samsung còn đang phá vỡ rào cản bằng những thông số như màn hình 6,7inch lớn trong phân khúc, thân máy 7,7mm mỏng nhẹ, pin 4.500mAh kèm sạc nhanh siêu tốc 25W, chip Snapdragon 730 tám nhân. Mức giá của thiết bị bằng một nửa so với dòng S hoặc Note.
2020 là năm thứ ba Samsung theo đuổi chiến lược đổi mới đảo chiều. Hãng muốn giới trẻ hiểu rằng, không cần đợi thành doanh nhân thành đạt vẫn có thể trải nghiệm trọn vẹn các công nghệ mới nhất trên di động.
Theo Carscoop, chiến lược đổi mới đảo chiều đã giúp Mercedes-Benz rũ bỏ hoàn toàn hình ảnh xe sang cho người đứng tuổi, doanh số tăng trưởng, vượt qua các đối thủ để trở thành thương hiệu xe sang đắt khách tại nhiều quốc gia.
Còn Samsung đưa Galaxy A trở thành dòng sản phẩm thành công tại nhiều thị trường trên toàn cầu. Năm 2019, chỉ tính riêng thị trường Việt Nam đã bán ra kỷ lục 5 triệu chiếc. Theo GfK, mỗi năm người Việt tiêu thụ 15 triệu máy, tức là cứ 3 smartphone các hãng bán ra thì có một chiếc là Galaxy A. Dù thị trường smartphone suy giảm, thì Samsung vẫn liên tục tiến lên với 21,8% thị phần vào quý III/2019, tăng trưởng 8,3% so với cùng kỳ.
Bảo An – Vnexpress