Tối hôm qua, có rất nhiều bạn nhắn tin hỏi mình về tính xác thực của bài viết “VinFast chuyện không ai nói” trên FB. Đọc qua thì thấy các luận điểm của bài viết đó rất cùi và đặc mùi Dìm hàng. Cũng bởi thấy bạn bè trên FB mình chia sẻ bài đó với tốc độ nhanh chóng mặt nên mình viết bài này để anh em hiểu rõ hơn về công nghệ động cơ N20 sắp được lắp trên 2 mẫu xe LUX A2.0 và SA2.0 của VinFast. Bên cạnh đó, mình cũng muốn cho anh em thấy những luận điểm của bài viết dìm hàng kia cùi như thế nào trong mắt những người có chuyên môn.
1. BMW không bán phần mềm điều khiển và hệ thống Valvetronic nên bộ tăng áp của động cơ N20 VinFast không hoạt động.
Sự thật: động cơ N20 BMW chia sẻ với VF vẫn được gắn bộ tăng áp (turbocharger). Dĩ nhiên là bộ tăng áp này sẽ hoạt động nhờ Map (phần mềm điều khiển động cơ) được VF phát triển riêng thông qua một đối tác rất nổi tiếng trong lĩnh vực hiệu chỉnh hệ truyền động (AVL). Chứ không thằng nào rảnh gắn bộ tăng áp vào động cơ xong rồi để không cho nặng xe chơi cả.
Ngoài ra, động cơ N20 trên xe VF vẫn giữ nguyên công nghệ tăng áp cuộn đôi (twin scroll Turbo) giống y chang của xe BMW. Cũng nói thêm nhiều anh em đọc cụm từ “tăng áp cuộn đôi” xong lại tự suy diễn xe VF có tăng áp kép (Twin Turbo) là Sai. Twin scroll Turbo và Twin Turbo chả liên quan gì.
Twin Turbo là 2 bộ tăng áp riêng biệt gắn trong động cơ. Còn Twin Scroll Turbo thực ra chỉ là một bộ tăng áp, nhưng đường ống dẫn khí xả kéo bộ tăng áp được chia ra làm 2 đường, thay vì chỉ một đường như chúng ta thường thấy. Về lý thuyết, thiết kế đặc biệt này sẽ giúp đảm bảo lưu lượng khí xả kéo bộ tăng áp được đều hơn và từ đó cũng giảm được một chút độ trễ, vốn là nhược điểm của động cơ tăng áp.
Túm cái váy lại là động cơ N20 của xe VF chỉ có một bộ tăng áp. Nhưng bộ tăng áp này là loại twin scroll với 2 đường ống khí xả kéo bộ tăng áp liên tục.
2. Truyền thông trong nước gọi quá trình “độ” phần mềm động cơ của AVL là “tinh chỉnh”. Đây là sự lừa bịp câu chữ.
Tới đây thì cạn lời. Người viết bài này chắc chắn không hiểu gì về thuật ngữ chuyên ngành xe mà cố tỏ ra nguy hiểm, dám lên án truyền thông trong nước lừa bịp câu chữ.
Không sao, cũng là dịp để mình giúp các bạn hiểu hơn về vấn đề này. Từ “độ” là dành cho các hãng độ thứ 3, chuyên nâng cấp các xe chính hãng. Vd: Brabus, Dinan,…
Còn các hãng xe phát triển phần mềm điều khiển riêng cho từng mẫu xe thì gọi là “tinh chỉnh”. Đây là một cách gọi tôn trọng các hãng xe, vì không ai nói một hãng xe đi “độ” phần mềm điều khiển động cơ cho các xe nguyên bản mình bán ra cả. Nghe sai trái lắm.
3. Chu kỳ Atkinson của động cơ N20 xe VF chỉ áp dụng trên các động cơ cũ những năm 90.
Một màn bóp méo sự thật trắng trợn. Chu kỳ Atkinson của động cơ hiện giờ các xe lai hybrid (xăng + điện) xài đầy ra đấy. Kể sơ sơ có: Toyota Prius, Chevrolet Volt, Hyundai Ioniq, Lexus ES 300h, Honda Accord Hybrid,…Quen không?! Lý do là vì chu kỳ Atkinson cho hiệu quả tiết kiệm tốt hơn so với chu kỳ Otto thông dụng.
Bằng chứng là động cơ xăng với chu kỳ Atkinson đạt hiệu suất nhiệt (Thermal Efficiency) cao hơn nhiều so với động cơ xăng xài chu kỳ Otto. Thermal Efficiency của chu kỳ Atkinson hiện giờ đạt mức cao nhất là hơn 40%. Còn Thermal Efficiency của chu kỳ Otto đâu đó khoảng hơn 30%.
Hiệu suất nhiệt cho chúng ta biết hiệu quả chuyển đổi năng lượng trong nhiên liệu thành năng lượng hữu ích dùng để kéo chiếc xe. Nói nôm na dễ hiểu thì năng lượng do nhiên liệu bị đốt cháy trong buồng đốt chuyển thành 2 dạng. Thứ nhất là động năng để kéo xe, đây là dạng năng lượng hữu ích. Thứ 2 là chuyển thành nhiệt năng tạo nhiệt, đây là dạng năng lượng lãng phí. Hiệu suất nhiệt càng cao thì cho thấy năng lượng của nhiên liệu được sử dụng càng hiệu quả.
Cũng nói thêm, nhược điểm của chu kỳ Atkinson là công suất ở dải tua thấp cho ra không tốt bằng chu kỳ Otto. Nói cho dễ hiểu là nước đề của chu kỳ Atkinson không bốc bằng chu kỳ Otto. Đó là lý do vì sao chu kỳ Atkinson thường ứng dụng cho động cơ xăng của hệ truyền động hybrid. Vì ở tua thấp, động cơ điện với mô men xoắn đạt cực đại ngay từ lúc xe lăn bánh sẽ hỗ trợ cho động cơ xăng chu kỳ Atkinson có được nước đề tốt hơn.
Cá biệt, có một số xe ứng dụng cả 2 chu kỳ Otto và Atkinson trong động cơ xăng. Không đâu xa, đó là chiếc Toyota Camry 2.0E đời 2015 về sau tại Việt Nam. Link tham khảo do mình viết về công nghệ động cơ chiếc này tại đây: https://tinhte.vn/threads/nhung-thay-doi-ve-cong-nghe-noi-bat-tren-camry-2-0e-2015-tai-viet-nam.2453068/
Việc VF chọn chu kỳ hoạt động Atkinson cho động cơ xăng N20 của 2 mẫu xe LUX cho thấy 2 chiếc xe này sẽ được tối ưu cho việc tiết kiệm nhiên liệu hơn tiêu chí sức mạnh (performance) mà BMW theo đuổi. Có lẽ đây là lý do công suất đầu ra (output power) của động cơ N20 trên 2 mẫu xe LUX mà VF công bố thấp hơn một chút so với động cơ N20 của xe BMW.
4. VF tháo hệ thống Nâng van biến thiên Valvetronic của động cơ N20 mà xe BMW có
Chưa chắc. Valvetronic là tên thương mại BMW đăng ký cho hệ thống Nâng van biến thiên (Variable Valve Lift) của mình. Cũng giống như Honda gọi cái Nâng van biến thiên là VTEC (có cả điều khiển thời điểm van biến thiên), Toyota gọi là VVTL-i, Porsche gọi là VarioCam Plus. Thế nên VF không thể xài lại tên thương mại của một công nghệ đến từ hãng khác, ở đây là Valvetronic.
Việc VF có ứng dụng công nghệ Nâng van biến thiên (Variable Valve Lift) hay không thì mình vẫn chưa có thông tin. Tuy nhiên, chắc chắn động cơ N20 của xe VF sẽ có hệ thống điều khiển thời điểm đóng mở van biến thiên (Variable Valve Timing). Bởi vì đây là thứ rất cần thiết cho chu kỳ Atkinson của động cơ hoạt động hiệu quả.
5. N20 không phải động cơ tốt , nó chỉ xếp hạng 8/10 trong các động cơ xe ở thị trường Mỹ năm 2011.
Đúng rồi. Động cơ N20 của BMW không có đạt giải gì vào năm 2011 vì năm đó BMW mới giới thiệu ra thị trường thôi. Qua năm 2012 và 2013 thì động cơ N20 này liên tục nằm trong top 10 động cơ của năm (Engine of the Year) do trang Wards Auto đánh giá. Trong khi động cơ B48 thay thế N20 vào năm 2014 vẫn chưa một lần nằm trong top 10 động cơ hằng năm của Wards Auto.
Còn vụ hộp số và thử độ an toàn của xe thì hẹn ở một dịp khác mình sẽ chia sẻ tiếp. Vì tới đây cũng đã quá dài rồi. Chỉ mong qua 5 điểm phân tích trên sẽ giúp cho anh chị em nhận ra bài viết kia quá phiến diện và không có cơ sở thực tế. Cũng hy vọng là mọi người sẽ có thêm kiến thức về động cơ xe sau khi đọc bài này.