Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành quy định 214 về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; thay thế quy định 90 từ năm 2017.
Theo ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, “lâu nay nhiều người vẫn nói việc đánh giá cán bộ còn chung chung, thì quy định này đã cụ thể hoá và định lượng rõ ràng hơn”.
Ngoài ra, đây là văn bản làm cơ sở cho việc nhận xét, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, giới thiệu cán bộ ứng cử… trước thềm đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
Điểm mới đầu tiên của quy định 214 là bổ sung một số chức danh. Theo ông Hà, năm 2017, Bộ Chính trị ban hành quy định số 90 đã nêu khá đầy đủ, song vẫn còn thiếu một số chức danh lãnh đạo thuộc diện Trung ương quản lý, do vậy quy định mới được ban hành để bổ sung cho đầy đủ.
Quy định 214 thể hiện cụ thể cả tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với các chức danh từ Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban bí thư, Phó chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng, trưởng các ban của Đảng, Bộ trưởng, cho tới lãnh đạo khối tư pháp ở Trung ương, lãnh đạo tỉnh, thành (bổ sung thêm cấp phó như Phó chánh án Toà án nhân dân tối cao, Phó bí thư tỉnh, thành uỷ)…
Tiêu chí đánh giá cũng nêu chi tiết về chính trị, tư tưởng; đạo đức, lối sống; tác phong, lề lối làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Điểm mới tiếp theo, quy định 214 đã sửa đổi một số tiêu chuẩn, tiêu chí. Đơn cử, quy định 90 nêu một trong những tiêu chuẩn với cán bộ diện Trung ương quản lý là “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, nay điều chỉnh thành “hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Ông Hà giải thích, điều chỉnh nêu trên nhằm thống nhất với quy định mới đây của Bộ Chính trị về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ hàng năm. Theo đó số hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không vượt quá 20% tổng số hoàn thành nhiệm vụ, nghĩa là cán bộ được xếp loại xuất sắc ít hơn nhiều so với trước. Trong khi đó, “nhiều lãnh đạo cấp cao mặc dù hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng lại khiêm tốn, gương mẫu, chỉ tự nhận mình hoàn thành tốt nhiệm vụ, còn mức hoàn thành xuất sắc nhường cho cán bộ cấp dưới”; nếu không điều chỉnh, những người này tuy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ song lại không đáp ứng tiêu chuẩn và sẽ thiệt thòi.
Liên quan đến tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo cấp cao, PGS.TS Nguyễn Văn Giang (Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng “lần này có điều chỉnh, song chủ yếu để đầy đủ và rõ ràng hơn chứ không phải tạo ra sự khác biệt với quy định trước đây”.
Đơn cử, so với quy định cũ, quy định mới vẫn nêu tiêu chức chức danh Tổng bí thư là “có năng lực chỉ đạo chuẩn bị, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm”, đồng thời bổ sung thêm “cán bộ chủ chốt”.
Như vậy, theo quy định 214, một trong các tiêu chuẩn chức danh Tổng bí thư là “có năng lực chỉ đạo chuẩn bị, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm, cán bộ chủ chốt”. Quy định như vậy giúp làm rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu Đảng trong việc chuẩn bị, xây dựng nhân sự kế nhiệm, cán bộ chủ chốt; cùng với các cấp có thẩm quyền thực hiện việc này theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước.
“Cán bộ chủ chốt ở Trung ương được hiểu là các chức danh Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư”, ông Giang nói thêm.
Trong quy định 90, tiêu chuẩn chức danh Phó chủ tịch nước chưa nêu cụ thể, lần này quy định mới được bổ sung để tiêu chuẩn chức danh này tương đương Phó thủ tướng, Phó chủ tịch Quốc hội. “Ba chức danh đó đòi hỏi tương đương nhau”, ông Hà Nguyễn Đức cho hay.
Ngoài ra, quy định 214 có nội dung mới liên quan đến việc điều động, luân chuyển cán bộ. Lâu nay quy định tiêu chuẩn lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ lãnh đạo chủ chốt ở cấp dưới trực tiếp; nghĩa là muốn làm cán bộ chủ chốt cấp tỉnh phải qua cán bộ chủ chốt cấp huyện.
Trong khi đó, thực tế đã có những trường hợp Trung ương điều động, luân chuyển bộ trưởng, thứ trưởng về làm bí thư tỉnh uỷ, phó bí thư thường trực tỉnh uỷ, chủ tịch tỉnh…, song những người này có thể chưa bao giờ kinh qua bí thư, chủ tịch huyện. Hay điều chuyển cán bộ trong lực lượng vũ trang, tập đoàn kinh tế nhà nước về làm lãnh đạo địa phương. Khi những người này chuyển sang lĩnh vực quản lý nhà nước, nếu yêu cầu trình độ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp thì họ rất khó đáp ứng.
“Nếu quy định cứng sẽ rất khó trong việc điều động, luân chuyển cán bộ Trung ương về địa phương, cho nên phải điều chỉnh”, ông Hà nói.
Ông cho hay, quy định 214 có thể đáp ứng các trường hợp đặc thù đã có trong thực tiễn. Theo đó, nếu cán bộ đang giữ chức vụ A, chuyển sang chức vụ B tương đương thì không nhất thiết phải đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn của chức danh mới; cán bộ giữ chức vụ A, giao kiêm thêm chức vụ B cũng không nhất thiết đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chức danh của chức danh kiêm nhiệm này.