Những đám cưới ‘thấp thỏm’ vì Covid-19

Thu Hà bấm nút nhận cuộc gọi của chồng, màn hình hiện ra toàn cảnh hôn trường. Khách khứa tấp nập, cỗ bàn đã sẵn sàng, chỉ thiếu… cô dâu. – Star.vn Đời sống

Thấy cô buồn, chú rể Nguyễn Hùng (27 tuổi, Hưng Yên) ra sức an ủi. Một người bạn ngó vào camera trêu: “Cưới mình mà nằm nhà vậy hả? Thôi đợi hết cách ly thì bọn anh hộ tống Hùng lên đón về nhé”. Thu Hà nở một nụ cười méo mó.

Ngoài bạn thân và họ hàng của Hùng, không ai biết cô dâu Thu Hà (27 tuổi, ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) đang phải cách ly vì Covid-19. Thiệp mời đã gửi, 85 mâm cỗ đã đặt, chú rể cũng không tiếp xúc với nhà gái, nên tiệc cưới của nhà trai vẫn phải diễn ra.

Đám cưới được lên kế hoạch từ cuối 2019 của Thu Hà bỗng nhiên diễn ra theo một kịch bản không thể ngờ như vậy.

Thu Hà và Nguyễn Hùng dự tính làm lễ ăn hỏi ngày 28/2 và cưới ngày 2/3. Khi Covid-19 xuất hiện tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc – cách TP Vĩnh Yên chỉ 35km, đôi trẻ như ngồi trên đống lửa. Cuối cùng, cô đành gọi điện báo hỷ cho bạn bè, người quen mà không mời dự tiệc vì lý do “quê em ở Vĩnh Phúc”.

Hai gia đình thống nhất gộp đám hỏi và đám cưới vào ngày 28/2, cỗ cưới cũng chỉ có 10 mâm.

Trước ngày cưới của Hà một tuần, Covid-19 bùng phát mạnh ở Hàn Quốc. TP Deagu và tỉnh Bắc Gyeongsang trở thành hai “ổ dịch corona” mới trên thế giới. Bố Hà là người Hàn Quốc và mẹ người Việt, hiện đang sống ở thành phố Pocheon, cách hai tâm dịch của xứ kim chi trên 200km. Tin tưởng rằng chỉ những người từ vùng tâm dịch thì mới phải cách ly nên chiều 26/2, họ đáp chuyến bay từ Hàn Quốc về Việt Nam để chuẩn bị cho hôn lễ của con gái. Sau khi khai báo và kiểm tra y tế, họ về nhà dùng cơm cùng họ hàng. Nhưng cũng từ tối hôm đó, Việt Nam siết chặt quy định, áp dụng với tất cả những người về từ Hàn Quốc. Bữa cơm đó đã khiến 14 người kể cả cô dâu đã phải cách ly tại nhà.

“Tôi sững người mất mấy giây, rồi đành chấp nhận. Dù sao cũng vì sự an toàn của tất cả mọi người”, Hà thở dài. Đêm hôm đó, cô gọi điện cho chồng tương lai thông báo sự cố. “Đám cưới có thể hoãn, nhưng cỗ nhà anh đã đặt rồi, khách cũng đã mời nên không thể hủy bỏ”, anh Hùng nói với vợ.

Cả buổi sáng hôm sau, việc duy nhất của Hà là gọi điện cho các dịch vụ tổ chức đám hỏi, rạp cưới, cửa hàng bánh kẹo, trái cây, chuyên viên trang điểm… để xin hủy hoặc hoãn. “Năm tráp đám hỏi họ làm rồi, nên tôi phải chịu một nửa chi phí. Bánh kẹo và trái cây thì họ ‘ship’ đến cửa nhà mình”, Hà mếu máo kể.

Xem tin tức, thấy Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, cô không biết khi nào lễ cưới của mình mới có thể được diễn ra. 

“Chúng tôi rất tiếc cho trường hợp này vì bị cách ly trước hôm cưới chỉ vài ngày. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, để đảm bảo an toàn cho người dân, đó là điều phải làm”, đại diện Trung tâm y tế TP Vĩnh Yên nói.

Hơn 10 năm làm nghề trang điểm, chưa bao giờ chị Phùng Trang, 33 tuổi, ở Vĩnh Yên gặp cô dâu nào “tội” như Thu Hà. “Đầu tháng tới giờ tôi nhận được 30 cuộc gọi báo hoãn cưới vì dịch corona, nhưng không ai sát ngày mới biết, lại bị cách ly trong ngày cưới như em ấy”, chị Trang nói. Những cô dâu không hoãn lịch của chị Trang, đa phần là người Vĩnh Phúc lấy chồng về tỉnh khác. “Nhưng đám cưới ở nhà gái đìu hiu, cỗ bàn ít và người đưa dâu cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay”.

Đám cưới cặp đôi Hữu Hùng - Phương Giang ở TP Hạ Long đầu tháng 2/2020, khi Việt Nam xuất hiện nhiều ca dương tính với nCoV. Toàn bộ nhân viên khách sạn đều đeo khẩu trang, kiểm tra nhiệt độ cho khách dự cưới. Ảnh: Nguyễn Hữu Hùng.
Đám cưới cặp đôi Hữu Hùng – Phương Giang ở TP Hạ Long đầu tháng 2/2020, khi Việt Nam xuất hiện nhiều ca dương tính với nCoV. Toàn bộ nhân viên khách sạn đều đeo khẩu trang, kiểm tra nhiệt độ khách dự tiệc cưới. Ảnh: Nguyễn Hữu Hùng.

Không rơi vào cảnh éo le như Hà, nhưng ở Hải Phòng, Huy Hoàng, 27 tuổi cũng thấp thỏm vì đã đặt cọc 10 triệu đồng cho nhà hàng tổ chức tiệc cưới mà không dám chốt ngày để in thiệp mời. Tâm lý lo ngại lây bệnh cùng với việc các địa phương vẫn tuyên truyền người dân không chủ quan, mất cảnh giác khiến Hoàng e ngại, cỗ cưới hơn 500 khách mời nhà mình sẽ vắng người. “Ngày trọng đại nên ai cũng muốn đông vui, nhưng khách đến ăn cỗ cưới, mà lỡ có chuyện gì thì căng lắm”, anh nói.

Hôm 3/3, Hoàng và vợ tương lai đã làm hợp đồng thuê váy cưới. Ngoài các điều khoản thông thường, cô dâu, chú rể “mặc cả” để bổ sung thêm khoản cho lùi lịch, nếu Covid-19 có diễn biến phức tạp. Yêu cầu của Hoàng dễ dàng được chấp thuận, bởi mới một tháng, nhưng tiệm váy cưới đã quá quen với điều khoản này.

Chiều 2/3, nghe tin Hải Phòng có thêm 4 trường hợp nghi nhiễm Covid-19, phải cách ly, mẹ Hoàng đứng ngồi không yên. Bà gọi điện cho đơn vị thuê xe, yêu cầu khử trùng xe đón dâu. Bố mẹ anh cũng rà lại danh sách khách mời, để tiết giảm nhất có thể. Dẫu cẩn thận lên kế hoạch, gia đình Hoàng cũng không chắc, xe đón dâu có lăn bánh vào cuối tháng như dự định hay không.

“Nếu có lùi lịch, tôi cũng chưa biết sẽ phải lùi đến bao giờ”, Hoàng than thở.

Anh Ngọc Toàn, chủ một chủ studio ảnh cưới ở Hải Phòng và Hà Nội cho rằng các đôi kết hôn trong nước chủ động hoãn cưới, có thể tổn thất đến tinh thần, nhưng không thiệt hại nhiều về kinh tế. Nhưng nhiều cặp cô dâu Việt lấy chồng ngoại hoặc người Việt làm việc ở nước ngoài về nước cưới xin thì thiệt cả hai.

“Mấy bạn gọi cho tôi báo hủy lịch chụp ảnh mà vừa nói vừa khóc. Có cô dâu đã đặt cọc tiệc cưới cả trăm triệu, có cô đặt lịch cho hai gia đình ở cả nhà hàng trong nam, ngoài bắc, tiền vé máy bay… rất tốn kém”, anh Toản kể.

Trà My, 26 tuổi ở quận Đống Đa và chồng sắp cưới đều là người Hà Nội nên họ khá yên tâm khi tổ chức hôn lễ vào giữa tháng ba. Mối lo của cô chỉ xuất hiện khi đi thử váy, nhiều cô dâu có ý định dời lịch vì sợ Covid-19.

Trà My và chồng dành một ngày rà danh sách khách mời để cắt giảm, chỉ gói gọn trong hơn 300 người. Ngoài đồ dùng cần thiết cho đám cưới, cô dự tính mua thêm nước rửa tay cho khách, nhưng nhà hàng cũng đã chuẩn bị sẵn. “Cưới xin vào lúc dịch bệnh này, nếu không quá thân mà không được mời người ta cũng không trách, không khéo còn cảm ơn”, cô nói.

Chỉ còn hơn một tuần nữa là diễn ra đám cưới, cô và bạn trai đang đếm từng ngày, “cầu mong Hà Nội vẫn bình yên”.

Một đám cưới tổ chức ngày 2/2 ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Hà Nhân.
Một đám cưới tổ chức ngày 2/2 ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Hà Nhân.

Cô dâu, chú rể thấp thỏm trong dịp cưới, cũng kéo theo ngành dịch vụ cưới hỏi bị ảnh hưởng trầm trọng. Khảo sát của ở 20 đơn vị cung cấp các dịch vụ cưới hỏi, hôn lễ như làm phông rạp cưới, hoa cưới, tiệc cưới, trang điểm cô dâu, chụp ảnh cưới… ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh và Hà Nội, chỉ hai trung tâm tiệc cưới không có khách báo dời lịch.

Chị Nguyễn Phương Thảo, quản lý một trung tâm tiệc cưới ở TP Hạ Long, Quảng Ninh là hai trong số đó. Tuy không bị hủy lịch, nhưng đây là lần đầu tiên chị thấy khách “siêu ít”. Mặc dù tuần nào cũng phun khử trùng, phát khẩu trang cho nhân viên và cung cấp nước rửa tay, nhưng mỗi tiệc cưới bên chị “chỉ 400 khách trở xuống”. Trước đó, mỗi tiệc cưới ở chỗ chị thường dao động từ 500 đến 1.000 khách.

“Tháng nào cũng 12-15 đám cưới, giờ một tháng mới được hai cái. Cứ kéo dài thế này thì lỗ nặng”, chị Thảo nói.

Anh Ngọc Toàn, chủ studio ảnh cưới cũng đã bị hoãn hơn 20 hợp đồng trong hai tháng đầu năm nay. Hơn một nửa số cô dâu ngoại quốc đặt lịch của anh không thể về nước do không có đủ thời gian để cách ly 14 ngày. Các cô dâu ở Hải Phòng cũng phải dời lịch vì lo ngại Covid-19 bùng phát trở lại. “Một nửa hoãn đến cuối tháng 12, số còn lại không biết sẽ phải hoãn đến khi nào”, anh cho biết.

Tình cảnh của chuyên viên trang điểm như chị Phùng Trang ở Vĩnh Yên cũng không khá hơn. Có ngày cao điểm, chị nhận được đến 4 cuộc gọi cùng một nội dung báo hoãn cưới.

“Cô dâu lùi lịch vì sợ dịch đã đành, các đám ở mấy tỉnh lân cận còn hủy hợp đồng vì biết tôi ở Vĩnh Phúc. Thời dịch bệnh, ai liên quan đến cưới xin đều thấp thỏm”, chị thở dài.

Phạm Nga – Vnexpress