Cầu Mỹ Thuận 2 sẽ được khởi công vào tháng 1 với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng bằng vốn ngân sách, dự kiến hoàn thành năm 2023.
Công trình này dài 6,6 km, nằm cách cầu Mỹ Thuận hiện nay 350 m về phía thượng lưu sông Tiền, trong đó phần cầu chính dài 1.906 m, rộng 25 m cho 6 làn xe lưu thông, phần còn lại là đường dẫn hai đầu cầu. Cầu được thiết kế tốc độ 100 km/h, đồng bộ với cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ. Trên tuyến còn có 4 cầu nhỏ và 2 nút giao thông lớn.
Cầu Mỹ Thuận 2 là một phần của cao tốc TP HCM – Cần Thơ thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam, có vai trò quan trọng tăng năng lực giao thông qua sông Tiền và kết nối cao tốc TP HCM – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ dài 150km.
Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ giai đoạn 1 được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT, có chiều dài khoảng 23 km, hầu hết nằm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và một phần thuộc huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp). Điểm đầu được kết nối với cầu Mỹ Thuận 2 và điểm cuối tại nút giao Chà Và thuộc thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long), kết nối với cầu Cần Thơ.
Giai đoạn 1 của dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17 m, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến là 4.919 tỷ đồng.
Dự án sẽ khởi công trong năm 2020 và hoàn thành vào năm 2023, cùng thời điểm cầu Mỹ Thuận 2.
8 dự án cao tốc Bắc – Nam đầu tư theo hình thức PPP
Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam là công trình quan trọng quốc gia, đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư với 11 dự án thành phần. Ngoài 3 dự án sử dụng vốn ngân sách, có 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong nước.
8 dự án này gồm các tuyến: Mai Sơn – quốc lộ 45, quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm, Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Đồng Nai. Dự kiến tổng mức đầu tư 8 dự án này hơn 100.000 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước 40.360 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Các dự án đang sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư trong nước. Công tác đấu thấu lựa chọn nhà đầu tư và khởi công sẽ tiến hành trong năm 2020, dự kiến hoàn thành năm 2022.
Cải tạo hạ tầng đường sắt Bắc – Nam
Tuyến đường sắt quốc gia Bắc – Nam đã xuống cấp từ nhiều năm nay. Nhiều đoạn đường sắt, nhà ga, cầu, hầm cần được tu sửa, gia cố để nâng đảm bảo an toàn giao thông và nâng tốc độ chạy tàu.
Năm 2018, Quốc hội đã phê duyệt đầu tư, cải tạo hạ tầng đường sắt Bắc – Nam với 7.000 tỷ đồng, từ nguồn vốn dự phòng đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020.
Hạ tầng tuyến đường sắt Bắc – Nam được cải tạo, nâng cấp theo 4 dự án thành phần, gồm: Các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội – Vinh, tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng; kết cấu hạ tầng đường sắt đoạn Nha Trang – TP HCM, tổng mức đầu tư 1.850 tỷ đồng; gia cố các cầu yếu và trụ chống xô va trên tuyến Hà Nội – TP HCM, tổng đầu tư 1.950 tỷ đồng; gia cố hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh – Nha Trang, tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng.
Bộ Giao thông Vận tải đang thực hiện các thủ tục đầu tư, đấu thầu để các dự án có thể khởi công năm 2020, dự kiến hoàn thành năm 2021.