Phát biểu tại Nhà Trắng tuần trước, Tổng thống Donald Trump khẳng định Mỹ “hầu như đã vượt qua” khủng hoảng do nCoV gây ra nhờ sức mạnh của “nền kinh tế vĩ đại nhất” cùng các quyết định chính xác. Trump tin rằng Covid-19 giờ chỉ như “đống tro tàn”.
Cho đến giờ, Trump và những người ủng hộ mở cửa đã ít nhiều đạt được điều mà họ mong muốn, khi tất cả 50 bang của Mỹ đã nới phong tỏa và mở cửa kinh tế ở các cấp độ khác nhau. Thành phố New York, tâm dịch ở Mỹ, bắt đầu mở lại một phần nền kinh tế hôm 8/6 sau gần ba tháng bị phong tỏa. Cửa hàng, quán bar, nhà hàng hoạt động trở lại ở một số khu vực.
Nhiều hãng hàng không tăng chuyến bay, trong khi trường học ở Mỹ cũng chuẩn bị kế hoạch mở cửa vào mùa thu. Ngày càng nhiều người dường như sẵn sàng sống chung với Covid-19 và chấp nhận trả giá đắt, nếu điều đó đồng nghĩa họ được quay lại cuộc sống bình thường như trước.
“Người Mỹ đang tiến về phía trước. Họ không thể bị trói buộc và không thể bị kìm chân”, Asa Hutchinson, thống đốc bang Arkansas và là một thành viên đảng Cộng hòa, tuyên bố hôm 10/6.
Trump tuần trước cũng khẳng định Mỹ “tiến một bước lớn” khi mở cửa trở lại và tin rằng nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh hơn nếu các bang và địa phương chấm dứt lệnh phong tỏa.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy một câu chuyện khác. Hai ngày qua, Mỹ đều báo cáo hơn 20.000 ca nhiễm nCoV mới và gần 1.000 ca tử vong mỗi ngày. Quốc gia này vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, với gần 2,1 triệu người nhiễm và hơn 116.000 người chết vì Covid-19.
21 bang của Mỹ ghi nhận xu hướng ca nhiễm mới tăng trở lại sau khi nới phong tỏa, cùng với đó sự bùng nổ của phong trào biểu tình đông người đòi bình đẳng sắc tộc. Hơn 10 bang gồm Alaska, Arkansas, Arizona, California, Kentucky, Mississippi, Montana, Bắc Carolina, Oregon, Nam Carolina, Texas và Utah báo cáo ca nhập viện liên quan tới nCoV tăng mạnh.
Texas, một trong những bang nới phong tỏa đầu tiên, đang chứng kiến số ca nhiễm mới cao nhất cả nước, tăng 36% kể từ cuối tháng trước, theo Washington Post. Thực tế này khiến nhiều chuyên gia lo lắng.
“Tôi nghĩ ngay lúc này, hầu hết người Mỹ đều không sẵn sàng bị phong tỏa trở lại. Tôi hoàn toàn hiểu tâm lý này. Tôi hiểu mọi người đã sẵn sàng sống chung với virus”, tiến sĩ Ashish Jha, giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu, Đại học Harvard, hôm 10/6 cho hay.
Mối quan tâm về Covid-19 cũng giảm dần khi cả nước Mỹ sục sôi biểu tình vì George Floyd, người đàn ông da màu 46 tuổi bị cảnh sát ghì chết ở thành phố Minneapolis. Trên khắp nước Mỹ, dòng người xuống đường đòi công lý cho Floyd và người da màu, đồng thời kêu gọi chấm dứt bạo lực cảnh sát và phân biệt chủng tộc. Không khẩu trang, không cách biệt cộng đồng, nhiều người Mỹ dường như đã quên đi mối đe dọa nCoV đang rình rập.
“Điều này đồng nghĩa Mỹ sẽ ghi nhận khoảng 800-1.000 người chết mỗi ngày. Chúng ta sẽ báo cáo thêm 100.000 người chết cho tới tháng 9. Đây là cái giá khủng khiếp”, tiến sĩ Jha dự đoán.
Nhiều chuyên gia y tế lo ngại làn sóng biểu tình, vốn kéo dài hơn hai tuần qua và chưa có dấu hiệu dừng lại, sẽ khiến đại dịch trở nên tồi tệ hơn. Một số thành viên của lực lượng Vệ binh Quốc gia tại thủ đô Washington đã nhiễm nCoV khi đối phó với người biểu tình.
Andy Slavitt, từng là người đứng đầu các Trung tâm Dịch vụ Medicare và Medicaid, chỉ ra nhiều nghiên cứu cho thấy biện pháp cách ly tại nhà có thể đã cứu sống hàng trăm nghìn người trên toàn thế giới.
“Khi chúng ta quay lại thói quen sinh hoạt hàng ngày, nCoV sẽ lây lan rất nhanh”, Slavitt nói hôm 9/6. “Do đó, chúng ta phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo an toàn. Chúng ta có thể trở lại cuộc sống bình thường và sống chung với virus. Nhưng nếu ở các điểm nóng như Arizona, Bắc Carolina, Arkansas, bạn nên hết sức cẩn thận”, ông nói thêm.
Tuy nhiên, các cảnh báo của chuyên gia, con số về tình hình Covid-19 thực tế ở Mỹ từ trước đến nay dường như không khiến Trump lo ngại, theo Stephen Collinson, bình luận viên của CNN.
Trump vẫn đi khắp nơi nhưng không đeo khẩu trang, dù ông có thể trở thành “tấm gương” khiến nhiều người Mỹ cũng phớt lờ các biện pháp phòng ngừa đại dịch. “Trump luôn phủ nhận mối đe dọa của đại dịch cho tới khi mọi thứ đã quá muộn”, Collinson nói.
Bất chấp những lời chỉ trích về phản ứng với dịch cũng như cách ứng phó với biểu tình bạo loạn, Tổng thống Trump vẫn quyết thúc đẩy mở cửa nền kinh tế Mỹ. Đồng thời, khi chỉ còn 5 tháng nữa Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử tổng thống, Trump cũng muốn nhanh chóng nối lại các cuộc vận động tranh cử đông người.
Tổng thống Mỹ ngày 10/6 cho biết sẽ tái khởi động các cuộc vận động tranh cử tại 4 bang gồm Oklahoma, Florida, Arizona và Bắc Carolina. Trump nhấn mạnh ông sẽ bắt đầu công việc này tại bang Oklahoma vào ngày 19/6, trước khi tới các bang còn lại.
Buổi vận động tái tranh cử của Trump dự kiến được tổ chức ở Trung tâm BOK, thành phố Tulsa, với sức chứa 19.000 người, nhưng chưa rõ bao nhiêu người được phép tham dự sự kiện. Tuy nhiên, người tham dự phải cam kết tự chịu trách nhiệm nếu nhiễm nCoV tại sự kiện và không kiện cáo chiến dịch của Trump.
“Khi tham dự buổi vận động tranh cử, bạn và bất kỳ khách mời nào tự nguyện chấp nhận mọi rủi ro về lây nhiễm nCoV và không bắt Tổng thống Trump phải chịu trách nhiệm”, trang web đăng ký tham dự buổi vận động tranh cử của Trump viết.
Kế hoạch tổ chức buổi vận động tranh cử của Trump lập tức vấp phải chỉ trích. “Người đàn ông này cố ý đẩy người Mỹ phơi nhiễm với một loại virus chết người vì cái tôi của mình”, Qasim Rashid, đảng viên Dân chủ ở Virginia, viết trên Twitter.
Nhiều người cho rằng Trump muốn nối lại chiến dịch tranh cử bởi các cuộc thăm dò ý kiến gần đây chỉ ra ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden nhận được tỷ lệ ủng hộ cao hơn, thậm chí ở nhiều bang quan trọng như Wisconsin, Pennsylvania và Michigan. Tuần trước, chiến dịch tranh cử của Trump phải tổ chức một loạt cuộc họp để tìm kế sách ứng phó.
Kết quả thăm dò của NBC News/Wall Street Journal công bố hôm 7/6 cho thấy tỷ lệ ủng hộ của Biden là 49%, trong khi Trump là 42%. Theo kết quả khảo sát của CNN hôm 8/6, tỷ lệ ủng hộ dành cho Biden là 55%, cao hơn Trump 14 điểm phần trăm.
Nhiều người cho rằng Covid-19 và phong trào biểu tình đòi bình đẳng sắc tộc sẽ là hai vấn đề mấu chốt có thể ảnh hưởng tới quyết định bỏ phiếu của người Mỹ vào tháng 11.
Eric Lutz, bình luận viên của Vanity Fair, cho rằng việc Trump tin rằng Covid-19 giờ chỉ như “đống tro tàn” có thể là một sai lầm. Khi các bang đồng loạt mở cửa và làn sóng biểu tình lan rộng, Mỹ có thể một lần nữa bị “nhấn chìm” trong đại dịch.
“Chỉ trong 4 tháng, Covid-19 đã tàn phá cả thế giới. Đến giờ nó vẫn chưa kết thúc”, tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về chống dịch Covid-19 của Mỹ, nói trong một hội nghị trực tuyến hôm 9/6 và mô tả Covid-19 là “cơn ác mộng tồi tệ nhất” của ông.
Thanh Tâm (Theo CNN, Vanity Fair, NY Daily News) – Vnexpress