Những cô gái đánh mất tương lai vì tảo hôn

Bỏ học và kết hôn ở tuổi 16, Asha Charti Karki là một trong ngày càng nhiều cô gái ở Nepal đánh mất tương lai vì lấy chồng quá sớm. 

Karki đã nói dối bố mẹ là đi học để bỏ trốn cùng người yêu và kết hôn chui ở tuổi 16. Không lâu sau đó, cô phát hiện mình có thai. “Tôi chỉ mới 16 tuổi, còn quá trẻ để trở thành mẹ. Tôi đã nói dối bố mẹ và bỏ trốn nhưng tôi thực sự phản bội bản thân và tương lai của mình”, Karki nói khi bế con gái hai tuổi.

Mang thai sớm khiến cô bị sa tử cung và chịu nhiều đau đớn vì nó. “Mọi thứ thật khó khăn. Tôi thường nhìn đám bạn và tự hỏi tôi sẽ thế nào nếu không kết hôn”, người mẹ trẻ nói.

Asha Charti Karki bế con gái hai tuổi tại nhà riêng ở Nepal. Ảnh: AFP.
Asha Charti Karki bế con gái hai tuổi tại nhà riêng ở Nepal. Ảnh: AFP.

Karki là một trong nhiều cô gái trẻ ở Nepal bỏ học và tảo hôn. Tỷ lệ tảo hôn thuộc tốp đầu thế giới khiến chính phủ nước này phải ban hành lệnh cấm kết hôn dưới 20 tuổi cách đây 5 thập kỷ. Theo khảo sát sức khỏe nhân khẩu học năm 2016, Nepal có khoảng 50% phụ nữ trong độ tuổi 25-49 kết hôn ở độ tuổi 18.

Ở đất nước còn bảo thủ như Nepal, hôn nhân thường do cha mẹ sắp xếp, trong đó có nhiều người buộc con cái phải kết hôn vì lý do văn hóa hoặc nghèo đói. Tuy tỷ lệ hôn nhân sắp đặt đang giảm dần, nhiều nhà hoạt động vì quyền trẻ em cảnh báo gia tăng tình trạng “tảo hôn tự nguyện” ở Nepal, khi nhiều đôi yêu nhau lựa chọn kết hôn dù chưa đủ tuổi. 

Khảo sát của tổ chức phi chính phủ chống nạn tảo hôn “Girls Not Brides” ở Nepal chỉ ra 1/3 cuộc hôn nhân tự nguyện là tảo hôn và xu hướng này đang gia tăng.

“Xu hướng này đang đặt ra thách thức cho chúng tôi và chính phủ. Chúng tôi có thể thuyết phục phụ huynh nhưng thật khó để can ngăn nhiều đôi trẻ khi họ tự nguyện kết hôn”, Anand Tamang thuộc tổ chức “Girls Not Brides” ở Nepal cho biết.

Theo Tamang, giống hôn nhân ép buộc, tảo hôn tự nguyện cũng dẫn tới nhiều rủi ro như bỏ học, bạo lực gia đình và vấn đề sức khỏe. Nhiều cô gái mất trợ cấp từ gia đình khi bỏ trốn và kết hôn cùng người yêu. 

Dù đưa ra nhiều biện pháp như phạt tù hoặc phạt tiền người vi phạm nhằm chấm dứt hôn nhân trẻ em vào năm 2030, chính phủ Nepal thừa nhận kế hoạch này chỉ thành công nếu giải quyết được gốc rễ của vấn đề.

Nhiều cô gái trẻ ở Nepal bỏ trốn cùng người yêu để tránh bị gia đình ép kết hôn cùng người khác hoặc chạy trốn nghèo đói và công việc nhà. Khi tình yêu tuổi vị thành niên không được chấp nhận ở nhiều vùng nông thôn ở Nepal, các đôi yêu nhau thường bỏ trốn và kết hôn chui để hợp thức hóa mối quan hệ của họ. Nhiều đôi khác cưới nhau vì lỡ có thai.

“Tảo hôn tự nguyện” ít khi được báo cáo với chính quyền địa phương, ngoại trừ gia đình muốn tìm cách để phản đối cuộc hôn nhân không cùng đẳng cấp.

“Điều quan trọng là giáo dục. Họ phải hiểu rằng là quan hệ tình dục không có nghĩa là phải kết hôn”, Krishna Prasad Bhusal, Thứ trưởng Bộ Phụ nữ, Trẻ em và Người cao tuổi Nepal, nói.

Anita trở thành cô dâu năm 16 tuổi tháng 2/2016 ở thung lũng Kathmandu, Nepal. Ảnh:  NY Times. 
Cô dâu Anita (váy đỏ) kết hôn năm 16 tuổi ở thung lũng Kathmandu, Nepal tháng 2/2016. Ảnh: NY Times.

Karki hy vọng có thể giúp nhiều cô gái trẻ Nepal bằng cách chia sẻ câu chuyện của mình trong chương trình “Giáo dục Chị em” do tổ chức từ thiện VSO của Anh thực hiện. “Tôi muốn nhiều cô gái rút ra được bài học từ sai lầm của mình và họ không nhất thiết phải kết hôn khi còn quá trẻ”, Karki nói. 

Cô đã thuyết phục thành công cô gái 17 tuổi Aradhana Nepal từ bỏ người chồng bạo hành và quay trở lại trường học. Nepal chỉ mới 13 tuổi khi quyết định bỏ trốn cùng cậu bạn trai mà cô hầu như chưa biết gì. Có nhiều tin đồn về họ và cô không biết làm gì để bảo vệ thanh danh của mình.

Sau khi kết hôn, cô mới nhận ra người chồng trẻ là kẻ nghiện ngập và bạo lực. Cô bị đánh đập trong nhiều tháng trước khi bỏ trốn. “Đó là sai lầm và thoát khỏi cuộc hôn nhân đó là cách tôi cứu lấy mình”, cô nhớ lại. 

Thanh Tâm (Theo AFP) – Vnexpress