Những chủ đề nhiều đại biểu kiến nghị tại Đại hội XIII

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng; cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm; phát triển kinh tế số…, là những chủ đề được nhiều đại biểu nêu trong tham luận tại Đại hội XIII.

Trong ba ngày làm việc (từ 26/1) của Đại hội XIII, đã có 36 phát biểu tại hội trường và 788 ý kiến tại Đoàn về các văn kiện Đại hội. Các phát biểu đều bày tỏ sự nhất trí cao với dự thảo Báo cáo Chính trị và các văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội.

Trong đó, chủ đề nổi bật được các đại biểu nêu lên là xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Từ góc độ công tác mặt trận, ông Trần Thanh Mẫn – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát biểu “giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng là nhân tố quyết định để Mặt trận tập hợp được mọi lực lượng, xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc”…

Ông Mai Trực – Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, khẳng định công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ đường lối, tư tưởng, quan điểm, giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng…

Ông cũng cho biết, nhiệm kỳ tới, ủy ban kiểm tra các cấp sẽ hành động quyết liệt hơn, tập trung vào những nơi có vấn đề phức tạp, điểm “nóng”, những địa bàn, lĩnh vực dễ nảy sinh vi phạm. Trong đó, chú trọng những dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội trên các lĩnh vực kinh tế – tài chính, hành chính, tư pháp, y tế, giáo dục, quản lý báo chí, sử dụng nguồn viện trợ của nước ngoài, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và đặc biệt là công tác cán bộ.

Các đại biểu tham dự Đại hội XIII. Ảnh: TTXVN
Các đại biểu tham dự Đại hội XIII. Ảnh: TTXVN

Chủ đề “lấy dân làm gốc” cũng được nhiều đại biểu nêu trong tham luận. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, thẳng thắn nhìn nhận bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua một số nơi nhận thức và trách nhiệm về công tác dân vận của Đảng chưa thật sâu sắc; chưa nhận thức đầy đủ về vai trò quan trọng, sức mạnh to lớn của nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tư tưởng “Lấy dân làm gốc”…

Theo ông Lĩnh, cần tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hoá cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”và phương châm“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

“Kiên quyết phê phán, đấu tranh mạnh mẽ với biểu hiện thờ ơ, vô cảm, quan liêu, cửa quyền, nhũng nhiễu. Các cấp chính quyền phải xây dựng đội ngũ cán bộ phụng sự xã hội, phục vụ nhân dân, lấy mục tiêu an dân trong các vấn đề chỉ đạo”, ông Lĩnh nói.

Ông Nguyễn Thành Phong – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP HCM, khi đăng đàn về vấn đề kinh tế trí thức cũng cho rằng “một điều quan trọng không thể thiếu là tạo niềm tin trong lòng nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp thành phố”.

“Thực tiễn cho thấy việc tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp có ý nghĩa then chốt trong phát triển kinh tế tri thức”, ông Phong nêu ý kiến.

Trong tham luận tại Đại hội XIII, nhiều ý kiến đề cập đến cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Từ góc độ cơ quan kiểm tra Đảng, ông Mai Trực cho rằng bên cạnh việc hoàn thiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức để cán bộ, đảng viên “không thể”, “không dám” và “không cần” tham nhũng, cần có cơ chế để bảo vệ, khuyến khích cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn, đi đầu trong đổi mới vì sự phát triển.

“Việc đánh giá, xử lý các sai phạm cần đặt trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể để có quan điểm xử lý khách quan, đúng đắn, phù hợp”, ông Mai Trực nói.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư thành ủy Đà Nẵng, cũng đề nghị Trung ương “sớm triển khai thực hiện cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”.

Diễn đàn Đại hội XIII còn ghi nhận hàng loạt phát biểu đề cập đến tầm quan trọng của chuyển đổi số, kinh tế số.

Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, quá trình chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ…, không chỉ tác động trực tiếp tới các hoạt động thương mại mà còn làm thay đổi sâu sắc các phương thức sản xuất truyền thống.

“Đây vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng làcơ hội tốt để những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam có thể rút ngắn thời gian, bắt kịp các nền kinh tế phát triển”, ông nói.

Nêu các định hướng lớn cần tập trung thời gian tới, ông Trần Tuấn Anh đề cập đầu tiên đến việc tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên cơ sở tái cơ cấu mạnh mẽ từng ngành, từng lĩnh vực; thực hiện số hóa, công nghệ hóa phương thức sản xuất, kinh doanh để giảm chi phí và tăng năng suất, chất lượng lao động…

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Giang Huy
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Giang Huy

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu 4 nhóm giải pháp đột phá để tăng tốc chuyển đổi số quốc gia, như: Làm chủ hạ tầng số, làm chủ các nền tảng số, làm chủ không gian mạng quốc gia…

Ông nói, nếu coi chuyển đổi số là một vũ khí sắc bén để mở rộng không gian mạng quốc gia, thì an toàn, an ninh mạng sẽ là chiếc khiên vững chắc bảo vệ thành quả của chuyển đổi số. An toàn, an ninh mạng phải song hành và trở thành một phần không thể tách rời của chuyển đổi số.

Theo người đứng đầu ngành Thông tin Truyền thông, trong năm 2021, mỗi người dân sẽ có cơ hội sở hữu một danh tính số và được xác thực khi tham gia vào các dịch vụ trực tuyến để bảo đảm an toàn và nâng cao mức độ tin cậy của các dịch vụ.

“Phổ cập định danh và xác thực điện tử sẽ góp phần tạo ra một không gian mạng quốc gia an toàn, văn minh và rộng khắp”, ông Hùng nói, cho biết ngành thông tin và truyền thông đặt mục tiêu đưa Việt Nam thành cường quốc an toàn, an ninh mạng.

Hoàng Thùy – Vnexpress