Mùa covid-19 thứ ba, người dân đã dần quen với việc đối diện với sự bùng phát của dịch bệnh. Nhưng đây lại là lần đầu tiên nhiều trường học bị đe dọa.
Thay vì được trải nghiệm trong các chương trình đón tết đã được định trước, nhiều thầy cô giáo và học sinh phải vội vã mang theo những tư trang đơn giản, gọn nhẹ nhất để đến khu cách ly.
Nhói lòng khi đọc nhật ký từ khu cách ly gửi ra: Các cháu bé lạ nhà, khóc nhớ bố mẹ, sợ hãi khi cảm nhận được không khí căng thẳng. Rồi ngay sau đó, nhiều cháu bé khác lau nước mắt, vùng dậy vào 2h sáng để thực hiện xét nghiệm theo quy định.
Sáng sớm, thay vì lo sắm tết, lên kế hoạch du lịch, nhiều phụ huynh phải đứng bên ngoài hàng rào ngăn cách, nét mặt thẫn thờ ngóng vào trong hi vọng nhìn thấy bóng dáng con.
Dịch bệnh đến lạnh lùng, khắc nghiệt như thế, cả thế giới phải gánh chịu, nhưng sao khi nó xảy ra với con trẻ lại khiến chúng ta xót xa, thắc thỏm. Chúng ta sẽ có một cái tết không thể yên lòng nếu vẫn còn những lớp học sinh phải lặng lẽ di chuyển trong đêm.
Với đặc thù riêng, trường học là nơi nếu để xảy ra dịch bệnh, khả năng lây lan trên diện rộng sẽ rất cao. Và việc 1 đứa trẻ dưới 10 tuổi phải đến khu cách ly sẽ phức tạp hơn rất nhiều lần so với người lớn.
Gần 80 cô trò Trường tiểu học Xuân Phương (Hà Nội) phải cách ly xuất phát từ một phụ huynh nhiễm covid-19 rồi lây sang cho con đang đi học cùng các bạn.
Tình huống này rất có thể cũng sẽ lặp lại với một trường học khác vì sự chủ quan, thiếu nghiêm túc, quyết liệt trong việc khai báo y tế, khoanh vùng, ngăn chặn nguy cơ lây lan.
Quận Cầu Giấy (Hà Nội) hiện đang có những trường có phụ huynh là F0 và con là F1, nhiều học sinh là F2. Nhưng học sinh cả trường vẫn đi học cho tới khi có quy định nghỉ học toàn thành phố.
Có những trường cho học sinh đi trải nghiệm qua vùng dịch nhưng chậm phản ứng khi vẫn để học sinh đến trường nhiều ngày mới cho nghỉ học và thực hiện các biện pháp cách ly, phòng dịch.
Trong đợt dịch này, chỉ riêng Hà Nội đã có cả chục trường học có học sinh, giáo viên là F1 và nhiều F2, F3. Việc những F1 có trở thành F0, những F2 có là F1 hay không, bây giờ lại trông chờ vào “số trời”.
Trong khi đó, lẽ ra việc khoanh vùng, diệt dịch có thể trông đợi nhiều hơn vào ý thức, thái độ trách nhiệm của người lớn là nghiêm túc trong khai báo y tế và cách ly.
Có lẽ đối với các trường, phòng dịch, bảo đảm sự an toàn cho học sinh, giáo viên bây giờ và trong thời gian sắp tới phải được xem là nhiệm vụ số 1.
Nhiệm vụ đó phải được các cấp quản lý kiểm soát, có chế tài nghiêm khắc với đơn vị, cá nhân vi phạm. Bởi phải tuân thủ quy định phòng chống dịch một cách nghiêm túc mới có thể đem lại sự bình yên cho mọi người, nhất là với con trẻ.
Theo VĨNH HÀ – Tuổi Trẻ