Tối 31/1, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản gửi trụ trì các chùa, cơ sở thờ tự về việc dừng lễ khai hội; không tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi tập trung đông người. Các chùa, cơ sở thờ tự Phật giáo chỉ thực hiện nghi thức tâm linh, cầu nguyện quốc thái dân an rất ngắn gọn.
Văn bản trên được ban hành sau khi Thủ tướng chỉ thị dừng tất cả lễ hội chưa khai mạc trong cả nước, lễ hội đang diễn ra phải giảm quy mô…, để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra.
Quảng Ninh tiếp giáp với Trung Quốc và là trung tâm du lịch, có nhiều lễ hội tập trung đông khách. Do vậy, Giáo hội Phật giáo tỉnh yêu cầu cơ sở thờ tự tuyên truyền để phật tử hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh; khuyến cáo mọi người đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng; không tụ tập đông người.
“Các chùa khi tổ chức cầu quốc thái dân an có thể thành tâm hồi hướng cầu nguyện để dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra nhanh chóng chấm dứt, mọi người đều được tai qua, nạn khỏi”, văn bản nêu.
Như vậy, lễ hội Yên Tử dự kiến khai mạc ngày 10 tháng giêng Âm lịch sẽ tạm dừng. Cùng ngày, UBND thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) phát đi công văn hỏa tốc về việc dừng tổ chức lễ hội xuân Ngọa Vân năm 2020 và lễ hội Thái miếu nhà Trần năm 2020.
UBND TP Uông Bí (Quảng Ninh) phát đi công văn dừng tổ chức các lễ hội, không tổ chức chương trình nghệ thuật, phần hội tại lễ khai hội Ba Vàng, đình Đền Công…
Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh thông báo tạm dừng tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 90 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, dự kiến diễn ra vào 20h ngày 1/2 tại quảng trường 30/10, TP Hạ Long.
Tại Hà Nam, Ban trị sự chùa Tam Chúc thông báo dừng tổ chức lễ khai hội (dự kiến vào ngày 12 tháng giêng năm Canh Tý) để phòng tránh virus corona. Dù không khai mạc, chùa vẫn mở cửa để đón người dân và du khách tham quan. Những ngày đầu xuân, chùa Tam Chúc thu hút hàng chục nghìn người mỗi ngày.
Tại Nam Định, sáng 1/2, ông Trần Văn Chung, Phó bí thư Tỉnh ủy cho biết, địa phương đã quyết định dừng tổ chức lễ khai ấn đền Tức Mặc (đền Trần). “Người dân, du khách có nhu cầu vẫn có thể đến đền Trần xin ấn”, ông Chung nói.
Hàng năm, đền Trần thu hút hàng chục nghìn người đổ về dự lễ khai ấn và xin ấn cầu may. Lễ khai ấn diễn ra vào đêm 14, rạng sáng ngày 15 tháng giêng. Việc phát ấn diễn ra hết tháng giêng âm lịch.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định dừng tổ chức lễ hội đền Huyền Trân Công Chúa ở núi Ngũ Phong (phường An Tây, TP Huế) diễn ra vào ngày 9/1 âm lịch; Hội vật làng Sình (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) ngày 10/1 âm lịch; lễ hội cầu ngư ở làng Thai Dương Hạ (xã Hải Dương, thị xã Hương Trà) ngày 10 đến 11/1 âm lịch; lễ hội cầu ngư ở thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) ngày 12/1 âm lịch.
Đây là những lễ hội lớn của người dân địa phương, hàng năm thu hút hàng nghìn người tham gia. Bên cạnh dừng các lễ hội, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, cũng yêu cầu Sở Y tế rà soát, phối hợp với Sở Tài chính đề xuất mua bổ sung 2 triệu khẩu trang y tế, cung cấp thông tin về địa điểm, giá cả bán khẩu trang trên địa bàn tỉnh để người dân biết.
Đến sáng 1/2, thế giới có gần 12.000 người mắc viêm phổi do virus corona, 259 người tử vong.
Tại Việt Nam, đến chiều 31/1, có 6 người mắc bệnh (trong đó có 2 người Trung Quốc; 4 người Việt Nam); 97 người nghi nhiễm, trong đó có 65 người xét nghiệm âm tính và 32 người tiếp tục cách ly, theo dõi.
Viết Tuân – Võ Thạnh – Minh Cương – Vnexpress